19:13 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

2 trong số 12 dự án thua lỗ của ngành công thương bắt đầu có lãi

Minh Anh (tổng hợp) | 21:23 16/10/2019

(THPL) - 2 trong tổng số 12 dự án thua lỗ của ngành công thương chuyển sang Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp bước đầu có lãi.

Theo báo điện tử VOV, báo cáo của Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp tại hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước cho thấy, việc xử lý tồn tại, yếu kém của 12 dự án thua lỗ kéo dài của ngành công thương bắt đầu có những kết quả tích cực.

Nhà máy sản xuất Đạm Ninh Bình từng là một trong 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành Công thương. (Ảnh: Internet)

Theo đó, ngày sau khi tiếp nhận nhiệm vụ cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của 12 dự án ngành công thương, Ủy ban đã làm việc trực tiếp với 9/12 dự án, doanh nghiệp; Xây dựng báo cáo và đề xuất một số giải pháp tại cuộc họp Ban chỉ đạo lần thứ 8, được Phó Thủ tướng – Trưởng Ban chỉ đạo Vương Đình Huệ đánh giá cao.

Cụ thể, trong số 06 dự án trước đây hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ thì đã có 2 dự án bước đầu có lãi, trong đó 1 dự án đang làm thủ tục đưa ra khỏi đề án. 4 dự án còn lại từng bước khắc phục khó khăn, phấn đấu bù đắp chi phí biến đổi, giảm lỗ so với cùng kỳ; Cá biệt có Dự án nhà máy sản xuất Đạm Ninh Bình đạt doanh thu 6 tháng đầu năm 2019 xấp xỉ bằng cả năm 2018.

Đối với 3 dự án trước đây dừng sản xuất kinh doanh, có 02 dự án vận hành trở lại; 01 dự án đã sẵn sàng khởi động lại khi điều kiện thị trường thuận lợi.

Cũng đề cập việc xử lý 12 dự án thua lỗ kém hiệu quả, Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước Nguyễn Hoàng Anh cho rằng sự thua lỗ, tồn tại yếu kém, mất vốn nhà nước đã rõ. Lúc này, cần phải tiếp cận theo hướng là đã mất vốn thì giờ phải làm sao thu hồi vốn được nhanh nhất - Vneconomy đưa tin.

Hiện tại, nhiều dự án đã đầu tư cả nghìn tỷ rồi, mà thua lỗ thì không bao giờ thu lại tất cả vốn bỏ ra được. Phải chấp nhận điều đó, vì đã làm doanh nghiệp, làm kinh tế thị trường thì phải xử lý bằng vấn đề kinh tế chứ không thể áp đặt hành chính, ông Hoàng Anh nêu quan điểm.

Ngay cả những dự án hiện đã hoạt động rất hiệu quả như dự án Đạm Ninh Bình, Hà Bắc nhưng theo ông Hoàng Anh, vẫn không thể gánh được chi phí tổn thất từ trước do làm sai. Và như thế thì có nên làm tiếp không?

"Dự án thua lỗ rồi, nhà nước mất nhiều năm xử lý và mất 50% vốn rồi, 50% vốn còn lại thì không chỉ 5 năm nữa đâu, mà chỉ 1-2 năm nữa là sẽ hết sạch nếu không xử lý nhanh. Quan điểm của Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước là năm 2020 phải xử lý dứt khoát xong, nếu không thì phải tính toán thoái vốn, bán sạch", ông Hoàng Anh thể hiện quan điểm.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu sớm giải quyết dứt điểm đối với 12 dự án yếu thua lỗ của ngành công thương, nhất là những tồn tại vướng mắc để chấm dứt tình trạng thua lỗ, khắc phục tối đa thiệt hại.

Bên cạnh đó, phải xác định rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các tổ chức có sai phạm trong quá trình đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác đối với từng dự án, doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng nêu rõ, không cung cấp thêm nguồn vốn cho 12 dự án này và xử lý trên nguyên tắc thị trường, chia sẻ rủi ro và lợi ích của các bên có liên quan như: nhà đầu tư, ngân hàng, tổ chức tài chính… trong vấn đề cơ cấu lại tín dụng, về kỳ hạn vay, lãi vay.

Minh Anh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu