12:18 ngày 20/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Vicem "ôm" khoản đầu tư thua lỗ tại nhiều công ty con

18:21 10/09/2018

(THPL) - Vicem có nhiều khoản đầu tư không mang lại hiệu quả hoặc hiệu quả không cao như: Vicem Bút Sơn, Hải Vân, Hoàng Mai, Vicem Tam Điệp, Hạ Long…

Theo báo VietNamNet, Bộ Tài chính vừa có báo cáo đánh giá tình hình tài chính và hiệu quả sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem).

Theo đó, năm 2017, doanh thu công ty mẹ Vicem đạt hơn 2.700 tỷ đồng. Đáng chú ý, lợi nhuận đạt hơn 1.400 tỷ, tăng tới 529% so với năm 2016, chủ yếu từ cổ tức, lợi nhuận được chia của 2 công ty con hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả là Vicem Hoàng Thạch và xi măng Hà Tiên 1 cùng một số công ty liên kết khác như xi măng Chinfon, Siam city, xi măng Nghi Sơn.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính lưu ý một số khoản đầu tư ra ngoài doanh nghiệp còn hiệu quả chưa cao, đó là Vicem Bút Sơn, Hải Vân, Hoàng Mai,... Một số công ty lỗ hoặc có số lỗ lũy kế lớn như xi măng Vicem Tam Điệp, xi măng Hạ Long, Sông Thao, Sông Đà 12, Tấm lợp vật liệu xây dựng Đồng Nai.

Theo Bộ Tài chính, ngoài hai công ty con hoạt động có hiệu quả nhất là xi măng Vicem Hoàng Thạch và Hà Tiên 1, thì một số công ty con sản xuất xi măng khác của Vicem như Bút Sơn, Bỉm Sơn, Hoàng Mai lại có doanh thu và lợi nhuận năm 2017 giảm mạnh.

Vicem
Vicem có nhiều khoản đầu tư không mang lại hiệu quả tại các công ty con, công ty liên kết. Ảnh minh họa: Báo Dân trí

Một số công ty con lỗ hoặc có sỗ lỗ lũy kế lớn, mất vốn, khả năng thanh toán thuộc diện phải “thực hiện giám sát tài chính đặc biệt”. Đó là Vicem Tam Điệp, xi măng Hạ Long và Sông Thao. Trong đó, xi măng Hạ Long và Sông Thao chính là 2 đơn vị Vicem phải nhận chuyển giao từ Tổng công ty Sông Đà và Tổng công ty HUD sau khi thua lỗ lớn ở “mái nhà cũ”.

Cụ thể, Vicem Tam Điệp lỗ lũy kế hơn 1.100 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chỉ còn 72 tỷ đồng. Trong khi đó, số nợ trên vốn chủ sở hữu là 24 lần. Như vậy, Bộ Tài chính đánh giá Công ty đã mất gần hết vốn, mất an toàn về tài chính nghiêm trọng và không đảm bảo khả năng thanh toán nợ, hoạt động của công ty phụ thuộc hoàn toàn vào các khoản vốn vay, chiếm dụng và hỗ trợ từ công ty mẹ.

Còn công ty xi măng Hạ Long, sau khi nhận chuyển từ Tổng công ty Sông Đà về, thì năm 2016, Vicem đã giúp công ty này có lãi và cân đối trả nợ. Thế nhưng, bước sang 2017, công ty này lại lỗ xấp xỉ 200 tỷ đồng. Đến hết 2017 thì xi măng Hạ Long còn lỗ tới hơn 3.600 tỷ đồng, dẫn tới vốn chủ sở hữu bị âm tới hơn 2.200 tỷ đồng.

Theo báo Dân trí, ngoài ra, Vicem còn “mắc kẹt” với khoản đầu tư tại Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú - Kratie và Đồng Nai - Kratie. Năm 2015, Vicem đã triển khai thoái toàn bộ vốn tại 2 công ty này nhưng không thành công do không có nhà đầu tư tham gia.

Vì vậy, Bộ Xây dựng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển giao phần vốn của Vicem tại 2 công ty về Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam theo hình thức ghi tăng giảm vốn.

Tuy nhiên, sau đó, Thủ tướng có công văn giao Bộ Xây dựng chỉ đạo Vicem phối hợp với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) nghiên cứu, xây dựng phương án chuyển giao phần vốn do Vicem đầu tư tại Đồng Phú - Kratie và Đồng Nai - Kratie về SCIC theo đúng quy định. Đến nay, việc chuyển giao chưa hoàn thành.

Tại công văn lần này, Bộ Tài chính đề nghị Vicem chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các bộ phận liên quan thực hiện rà soát, đánh giá lại các khoản đầu tư để đảm bảo hiệu quả vốn đầu tư, có phương án xử lý đối với các khoản đầu tư tài chính không có hiệu quả (Sông Đà 12, Tấm lợp vật liệu Đồng Nai).

Đồng thời, rà soát việc chuyển giao phần vốn đầu tư của Vicem tại 2 công ty cổ phần Đồng Phú - Kratie và Đồng Nai - Kratie theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để xử lý dứt điểm, trường hợp có vướng mắc báo cáo Bộ Xây dựng để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu