02:35 ngày 25/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Hà Nội: Khai hội Chèo tàu Tổng Gối với nhiều hoạt động hấp dẫn

Diệu Huyền | 20:20 23/02/2024

(THPL) - Sáng ngày 23/2 (tức ngày 14 tháng Giêng năm Giáp Thìn), trong bầu không khí vui tươi và phấn khởi của dịp đầu xuân mới, Lễ hội truyền thống Chèo tàu Tổng Gối năm 2024 đã diễn ra tại Khu di tích lịch sử quốc gia Lăng Văn Sơn - Miếu Voi Phục (xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, Hà Nội).

Trên vùng đất truyền thống nơi hòa quyện "khí linh thiêng địa – long cư tụ" ven sông Nhuệ Giang thịnh vượng từ xa xưa, nổi bật là miền "địa linh nhân kiệt – tráng khí sơn hà", nơi cất giữ nhiều dấu tích lịch sử quý báu. Lớp thế hệ ngày nay vô cùng tự hào và trân trọng kí ức vẻ vang của quê hương, đó chính là truyền thống kiên định trong cuộc chiến đấu chống lại kẻ thù ngoại xâm, truyền thống nuôi dưỡng và đào tạo nhân tài, cũng như truyền thống gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc.

Ông Đỗ Văn Mười, Chủ tịch UBND xã phát biểu khai hội, đồng thời ông thể hiện quan điểm: Để phát huy truyền thống vốn có từ lâu đời và tinh thần đoàn kết, trong những năm qua Đảng bộ và nhân dân xã Tân Hội đã thu được những thành tựu mà nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ 25 đề ra. 

 Lịch sử vẻ vang của xã Tân Hội - huyện Đan Phượng, trước đây là Tổng Gối, vẫn được ghi chép kỹ trong cuốn Ngọc Phả, tôn vinh những đóng góp vĩ đại của ngài Văn Dĩ Thành. Ông được ca ngợi là "anh hùng cái thế - thông minh đĩnh đạc – văn võ toàn tài”. Vào năm 1407, khi nhà Hồ bị quân Minh đánh bại và đất nước đang đối diện với nguy cơ bị thôn tính, thay vì chịu sự thống trị của phong kiến phương Bắc, ông đã cùng với ông Lê Ngộ, hết lòng luyện tập và tập hợp nghĩa quân. Với uy tín và tài năng của mình, chỉ sau một thời gian ngắn, danh tiếng của ông lan tỏa khắp vùng, thu hút nhiều nghĩa quân từ các địa phương như Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Ninh Bình về tụ tập tại gò Đông Đãn (gọi là xứ Đồng Dinh ngày nay). Dưới sự chỉ huy thông minh và tài lãnh đạo tài tình, ông Văn Dĩ Thành được nghĩa quân tôn là "Đại Nguyên Soái Hoắc Y Nhất Bộ".

Bày tỏ lòng biết ơn trước lòng can đảm và tính kiên trì: “tận trung với nước – tận hiếu với dân”, khi Ngài hoá, đồng dân Tổng Gối suy tôn là Thành hoàng làng và xây cung dinh Miếu sở nguy nga tráng lệ để thờ phụng.

Từ đó đến nay, tên tuổi và công lao của Đức Thánh vẫn rực rỡ trong lòng người dân và được tôn vinh cao quý, không chỉ trong làng xã mà còn trở thành một biểu tượng linh thiêng được người dân trong và ngoài vùng đất này trọng kính và kính phục.
Rước Lễ Hàng Tổng và Lễ của 4 thôn từ sân UBND xã Tân Hội ra Lăng Văn Sơn
Sáng sớm ngày 14, lễ rước diễn ra với đội hình gồm: Đội múa sư tử, đội trống, đội thanh la, đội múa lân rồng, đội sinh tiền, đội bát âm, đội cờ thần, đội bát bửu, đội con đĩ đánh bồng..
...kiệu cỗ của 4 làng, đoàn voi thuyền.

Trải qua hơn 600 năm, hàng năm cứ vào ngày Rằm tháng Giêng, nhân dân Tổng Gối lại tưng bừng tổ chức tế lễ để thể hiện lòng tôn kính Đức thánh và những năm phong đăng hoà cốc sẽ tổ chức lễ hội Chèo Tàu để ca ngợi Công cao – nghiệp cả của Ngài “vằng vặc sáng soi như vầng Nhật Nguyệt và muôn đời sử sách còn ghi, truyền tụng võ công hiển hách của Ngài “Thiên sử hùng ca – Chói loà bất diệt”.

Lễ hội truyền thống Chèo tàu Tổng Gối được tổ chức kết hợp với kỷ niệm 608 năm ngày hóa của Đức Thành Hoàng Làng Văn Dĩ Thành

Chủ tịch UBND xã Tân Hội, ông Đỗ Văn Mười, chia sẻ, lễ hội được tổ chức kết hợp với kỷ niệm 608 năm ngày hóa của Đức Thành Hoàng Làng Văn Dĩ Thành. Mục đích của sự kiện là để ghi nhớ công ơn của các bậc tiền nhân đã đóng góp cho sự phát triển của quê hương và đất nước, đồng thời tiếp tục tôn vinh và khơi dậy truyền thống văn hóa cũng như lòng tự hào với quê hương của người dân địa phương, cũng như tỏ lòng biết ơn đối với Đức Thành Hoàng Làng.

Tiết mục trống hội tạo không khí vui tươi cho Lễ hội truyền thống Chèo tàu Tổng Gối năm 2024

Ngoài ra, ông Đỗ Văn Mười đã thể hiện quan điểm: Để phát huy truyền thống vốn có từ lâu đời và tinh thần đoàn kết, trong những năm qua Đảng bộ và nhân dân xã Tân Hội đã thu được những thành tựu mà nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ 25 đề ra. Thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng nông thôn kiểu mẫu, an ninh chính trị ổn định, đẩy mạnh phát triển kinh tế được tăng trưởng khá, đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt, không còn hộ nghèo, công tác văn hoá- giáo dục – y tế có bước tiến triển rõ rệt, các dịch bệnh được phòng ngừa, công tác vệ sinh môi trường được làm tốt, môi trường “sáng- xanh-sạch – đẹp”. Sự nghiệp giáo dục cũng được nâng cao vì thấm nhuần lời giáo hoá của các bậc tiền nhân phải lấy “thi thơ làm trọng – dĩ học vi tiên”, tất cả đều do sự học mà ra.

Đặc biệt sự quan tâm chỉ đạo và sự giúp đỡ của các đ/c lãnh đạo thành phố Hà Nội và huyện uỷ - HĐND- UBND huyện Đan Phượng các công trình phúc lợi như: Trường học, đường xá giao thông, nhà văn hoá các thôn, vườn hoa – công viên được xây dựng khang trang, đẹp đẽ, hiện đại. Những nơi thờ tự - tín ngưỡng cũng được chú trọng đầu từ, tu bổ, trong đó có Miếu Voi Phục được đầu tư 15 tỷ đồng- tạo nên cảnh quan trang nghiêm, làm cho quê hương Tân Hội ngày càng thêm khởi sắc, góp phần xứng đáng vào mảnh đất “Đế Đô, ngàn năm văn hiến”, ông Mười bày tỏ.

Lễ hội truyền thống Chèo tàu Tổng Gối năm 2024 sẽ diễn ra trong 2 ngày từ ngày 23 đến 24/2

Lễ hội truyền thống Chèo tàu Tổng Gối năm 2024 sẽ diễn ra trong 2 ngày từ ngày 23 đến 24/2 (tức từ ngày 14 đến ngày 15 tháng Giêng năm Giáp Thìn) tại Khu di tích lịch sử Lăng Văn Sơn và Miếu Voi Phục (xã Tân Hội, huyện Đan Phượng).

Giáo sư sử học Lê Văn Lan phát biểu tại Lễ hội

Ngày 13 tháng Giêng, các cụ cao niên trong làng đảm nhận nhiệm vụ bao sái đồ thờ và dọn dẹp miếu Voi Phục cũng như lăng Văn Sơn.
Sáng sớm ngày 14, lễ rước diễn ra với đội hình gồm: Đội múa sư tử, đội trống, đội thanh la, đội múa lân rồng, đội sinh tiền, đội bát âm, đội cờ thần, đội bát bửu, đội con đĩ đánh bồng, kiệu cỗ của 4 làng, đoàn voi thuyền...Theo sau các kiệu là đoàn của các cụ cao niên cùng cộng đồng dân làng. Đoàn rước tiến đến cổng lăng Văn Sơn, làm lễ bái vọng, sau đó rước kiệu tiến về miếu Voi Phục. Cùng lúc đó, CLB hát Chèo tàu thể hiện biểu diễn tại lăng Văn Sơn. Sáng ngày 15 tháng Giêng, các ban tế tiếp tục lễ tế tại cả lăng Văn Sơn và miếu Voi.

Theo truyền thống, phần lễ của lễ hội bao gồm các nghi thức như: Lễ rước, dâng hương, và tế lễ. Phần hội có sự tham gia của màn bắn pháo hoa, tiết mục trống hội, chương trình nghệ thuật chào mừng, cùng với các hoạt động như hát Màn trống hội, múa rồng, lân, và các trò chơi dân gian.

Đặc biệt ấn tượng trong lễ hội là màn hát Chèo tàu, với những tiết tấu độc đáo được thể hiện qua các làn điệu đối đáp giữa hai tàu - những chiếc thuyền rồng bằng gỗ, không để hạ thủy mà chèo tượng trưng trên cạn. 

Đặc biệt ấn tượng trong lễ hội là màn hát Chèo tàu, với những tiết tấu độc đáo được thể hiện qua các làn điệu đối đáp giữa hai tàu - những chiếc thuyền rồng bằng gỗ, không để hạ thủy mà chèo tượng trưng trên cạn. Mỗi tàu 13 người gồm bà chúa tàu, 2 cái tàu và 10 con tàu. Khi biểu diễn, bà chúa tàu đánh thanh la, 2 cái tàu lĩnh xướng và các con tàu hát họa theo. Phía sau là đôi voi với hai quản tượng có nhiệm vụ thổi tù và làm hiệu.

Nội dung của các bài hát trong diễn xướng Chèo tàu là những bài hát riêng và những bài hát đối đáp của “tàu” và “tượng”, đều nhằm ca ngợi công đức của Thành hoàng Tổng Gối Văn Dĩ Thành. Hát Chèo tàu Tân Hội gồm 20 làn điệu, được chia thành các hình thức như: Hát trình, hát thuyền và hát bỏ bộ. 

Chủ tịch UBND xã Đỗ Văn Mười đánh trống khai hội truyền thống Chèo tàu Tổng Gối năm 2024 

Theo ông Đỗ Văn Mười: "Để phát huy giá trị di tích và giữ gìn nét đẹp truyền thống, thuần phong mỹ tục quê hương, đề nghị các cấp có thẩm quyền tôn tạo và quy hoạch tổng thể khu di tích Lăng Văn Sơn và tiến tới lập hồ sơ khoa học để công nhận Lễ hội Chèo Tàu là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, đáp ứng lòng mong mỏi chính đáng của nhân dân, chúng tôi tha thiết mong nhận được sự quan tâm của quý lãnh đạo cấp trên và các nhà sử học, các nhà nghiên cứ văn hoá sẽ có những chỉ đạo, quan tâm và nghiên cứu để đưa tên tuổi, tư tưởng, sự  nghiệp của Đức thánh trở lại đúng vai trò trong chính sử".

Điều đặc biệt là, tất cả các bài hát trong nghệ thuật Chèo tàu vẫn được người dân Tân Hội giữ nguyên lời ca cổ. Mặc dù đã trải qua nhiều thăng trầm và biến động trong lịch sử, nhưng lời ca và điệu hát vẫn giữ được vị thế của mình và tiếp tục làm say đắm lòng người.

Khu di tích lịch sử quốc gia Lăng Văn Sơn (xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, Hà Nội).

Một số hình ảnh lễ hội:

Kiệu cỗ của 4 thôn thôn: Thượng Hội, Thúy Hội, Vĩnh Kỳ và Phan Long.
Đông đảo người dân, du khách đến xem chương trình khai mạc Lễ hội truyền thống Chèo tàu Tổng Gối năm 2024
Hàng ngàn người dân tham gia buổi lễ.

Diệu Huyền

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu