12:01 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Đạo diễn Phạm Hoàng Nam: “Tôi nhìn thấy một Bức Tường trẻ”

00
sapo
001

- Xin chào anh! Concert Bức Tường Unplugged “Cơn mưa tháng năm” đã rất thành công và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng mỗi khán giả. Đó là thành quả sau rất nhiều nỗ lực của các nghệ sĩ và mỗi cá nhân trong từng ekip tổ chức thực hiện… Và ai cũng nhìn thấy sự liên kết chặt chẽ, thân thiết của cá nhân anh trong vai trò Tổng đạo diễn với ban nhạc Bức Tường. Anh có thể chia sẻ về mối quan hệ của mình và bạn nhạc?

Đạo diễn Phạm Hoàng Nam: Quay lại hơn 20 năm trước là thời điểm tôi bắt đầu “biết” về Bức Tường. Đó là một dự án phim của Liên hợp quốc về mục tiêu thiên niên kỷ cho Việt Nam. Tôi cần tìm những nhân vật, gương mặt thanh niên tiêu biểu đại diện cho thế hệ mới. Trong danh sách để cử về hạng mục âm nhạc có ban nhạc Rock Bức Tường. Để hiểu về họ, tôi nghe tất cả những gì ban nhạc đã chơi. Đó là album Tâm hồn của đá (năm 2002), Vô hình (năm 2003) và Nam châm (năm 2004). Tôi đã bị chinh phục bởi tư tưởng và khuynh hướng sáng tác có trách nhiệm xã hội của người trẻ. Tôi nghĩ – tôi đã tìm đúng rồi! Và sau dự án phim đó thì tôi đã trở nên thân thiết với Trần Lập. Cuối năm 2015, sau khi biết Trần Lập bị ung thư, tôi đã nảy ra ý tưởng thực hiện Liveshow Đôi bàn tay thắp lửa. Tôi cũng xin phép Trần Lập tiếp xúc nhiều hơn với ban nhạc. Đó là Trần Tuấn Hùng, Trần Nhất Hoàng và Vũ Anh Tuấn – là người bạn rất thân của Trần Lập. Sau thời điểm đó, tôi và ban nhạc Bức Tường trở nên rất thân thiết. Đặc biệt, Trần Tuấn Hùng như một người em của tôi. Bên ly café, chúng tôi có thể chia sẻ tất cả mọi chuyện xoay quanh âm nhạc và cuộc sống.

01
 

 

- Sau Liveshow Đôi bàn tay thắp lửa năm 2016 thì một năm sau anh và ban nhạc cũng đã thực hiện Liveshow Hẹn gặp lại để tưởng nhớ cố nhạc sĩ Trần Lập. Đó cũng là một đêm diễn rất nhiều cảm xúc. Vậy lần này thì sao? Tại họp báo công bố Concert vào tháng 8 vừa qua, anh chỉ xuất hiện qua video gửi từ Canada. Anh có thể chia sẻ nhiều hơn về sự khởi đầu cho concert này được không ?

Thực tế thì ý tưởng cho show diễn kỷ niệm 29 năm đã được tôi và Trần Tuấn Hùng bàn bạc từ trước đó. Chúng tôi cũng mong muốn đêm diễn 30 năm sẽ cực kỳ bùng nổ với hàng chục nghìn khán giả. Vì thế, bài toán đưa ra là “đêm diễn kỷ niệm 29 năm sẽ như thế nào ?”. Chúng tôi nghĩ tới Unplugged vì đây cũng là ý tưởng đã có từ rất lâu. Và Nhà hát Hồ Gươm là nơi rất quen thuộc với tôi – Tôi biết sẽ có thể đáp ứng được điều kiện để tạo ra một đêm diễn thành công. Việc chuẩn bị cho Concert Bức Tường Unplugged cũng cần nói tới hai nhân vật rất quan trọng – đó là Trần Hồng Trường (cựu thành viên ban nhạc) và Trần Tuấn Cường (giám đốc công ty I5 Production). Cả hai đều là những người thân thiết với ban nhạc và là hai vai trò cực kỳ quan trọng cho concert lần này.

02
 

Khi bắt tay vào làm, chúng tôi đã phải thốt lên “Khó thật!”. Bởi ban nhạc vốn đã quen với sự máu lửa, bùng nổ trên sân khấu rock truyền thống. Để thực hiện được show unplugged, chúng tôi có thêm một nhân vật nữa rất quan trọng và cũng họ Trần – giám đốc âm nhạc Trần Thanh Phương.

Đây cũng là lần đầu tiên Trần Thanh Phương tham gia một concert của ban nhạc Bức Tường. Điểm thuận lợi chính là âm nhạc của Bức Tường luôn tồn tại tính giáo dục, văn hóa dân tộc và sự lãng mạn. Nên khi bắt đầu hợp tác, nhạc sĩ Trần Thanh Phương đã nhanh chóng “mix” với ban nhạc để tạo ra những màn kết hợp đặc biệt với các nghệ sĩ và nhạc cụ dân tộc.

- Thực tế là khán giả đã bị thu hút và hòa chung vào những màn trình diễn. Những tác phẩm được sáng tác từ những năm 2000, song lại có thể trở nên độc đáo, vừa mới mẻ, nhưng cũng rất gần gũi, như “Dế mèn, Vô hình, Chim hót trời xanh, Người đàn bà hóa đá…”. Anh đã xây dựng kịch bản của Concert Unplugged Cơn mưa tháng năm như thế nào?

Câu chuyện 29 năm của Bức Tường sẽ cần phải kể như thế nào ? – Đây là bài toán tiếp theo chúng tôi cần lời giải. Trong khi Trần Tuấn Hùng và Trần Thanh Phương tìm kiếm ca sĩ khách mời, thì tôi “đau đầu” với kịch bản. Tôi đã sửa không biết bao nhiêu lần, nâng lên đặt xuống rất nhiều. Thậm chí là sát ngày diễn tôi còn thay đổi kịch bản để thứ tự bài hát có sự uyển chuyển hơn vào cảm xúc khán giả. Chúng tôi muốn mang tới một câu chuyện có mới, có cũ, có bất ngờ và cũng thật sự lắng đọng. Vì thế mà mỗi sự xuất hiện, mỗi giai điệu đều có một vai trò riêng.

03
 

Tôi cũng rất cám ơn những tình nguyện viên của đêm diễn, họ cũng đã là một nghệ sĩ đặc biệt trên sân khấu. Họ chờ đợi trong yên lặng hơn một nửa thời lượng của chương trình, và tỏa sáng bằng chính giọng hát cũng như những chiếc đèn flash của mình.

Một điều thú vị là chính nhạc sĩ Trần Thanh Phương khi xuất hiện trên sân khấu cũng không biết mình đang thực sự biểu diễn trong bối cảnh nào. Anh đã rất bất ngờ khi biết những đèn flash tạo thành hình trái tim trên khán đài tình nguyện viên và anh Phương đang đánh đàn trong đó.

 

- Có thể nói là rất nhiều những bài toán khó đã xuất hiện khi chuẩn bị cho Concert Bức Tường Unplugged. Các anh đã lần lượt đối mặt với từng vấn đề và xử lý thật sự khéo léo. Bên cạnh những bài toán khó thì liệu có bài toán nào “dễ thở” hơn không anh?

Chúng tôi xem đó là những thách thức. Và những ý tưởng sáng tạo được nảy sinh trong quá trình thực hiện. Tiếc là các bài toán thì càng ngày càng khó. Một thách thức nữa chính là thời điểm nhạc sĩ Trần Lập xuất hiện. Tôi đã chủ trương là sẽ không có sử dụng “màn led” trong chương trình này. Đây là một ý tưởng khó thực hiện. Và đó là một chuỗi tác phẩm. Sau “Cây bàng” sẽ là “Cha và con” và một tác phẩm của An Nguyên. Đó là sự phát triển, sự mất đi, hồi sinh và tiếp tục phát triển. Nguyễn Hồng Vỹ (Vỹ Vlash) là người thực hiện visual của chương trình – Tôi đã “hành hạ” Vỹ rất nhiều để tạo ra một cây bàng từ nhỏ xíu, lớn dần và từ xanh chuyển màu sang đỏ. Và chiếc lá đỏ đó “lìa cành” sẽ bay lên. Hình ảnh tiếp theo đó chỉ là một luồng sáng đỏ và 2 nghệ sĩ đánh đàn. Tôi xem đó là sự “trở về” của Trần Lập. Một cảm xúc rất đặc biệt!

04

 

- Có thể thấy là mọi điểm rơi, mọi sự bố trí đều mang ý nghĩa rất riêng biệt. Tất cả tạo ra một sự tổng thể hài hòa, bất ngờ nhưng cuốn hút. Khán giả cũng đã rất ấn tượng với những màn kết hợp của nghệ sĩ Thùy Anh, Đồng Quang Vinh… và ban nhạc. Dường như ai cũng đã được tỏa sáng trên sân khấu của Concert Unplugged. Sự cân bằng đó được tạo ra như thế nào, thưa anh?

Bức Tường là một ban nhạc rock và không phải ban nhạc đệm cho ca sĩ hát. Bức Tường sẽ là bốn nhân vật chính. Những nhân vật khách mời sẽ được sắp xếp làm sao để vẫn có thể thể hiện thật hay mà vẫn gắn kết được với ban nhạc. Ví dụ như sự xuất hiện của Dương Trần Nghĩa và Thùy Anh. Phần trình diễn sẽ được tính toán về lưu lượng xuất hiện. Làm sao để đạt sự hiệu quả cao nhất và khán giả vẫn nhận ra sự kết hợp cùng nhau của ban nhạc cũng như nghệ sĩ khách mời.

002
 
06

Lúc nãy anh đã nhắc tới sự chuẩn bị của liveshow Bức Tường kỷ niệm 30 năm. Anh có thể hé lộ một chút về dự án này được không?

Tôi và ban nhạc đã bàn bạc và xây dựng ý tưởng. Trong phạm vi có thể tiết lộ, tôi muốn nhắc tới hai yếu tố. Một là lực lượng fan của Bức Tường. Đây là một yếu tố bùng nổ cần thiết và tạo ra sự thành công cho liveshow 30 năm. Hai là những đơn vị, những mạnh thường quân được Bức Tường gây cảm hứng. Hai yếu tố này đồng hành cùng ban nhạc thì chắc chắn sẽ mang đến sức mạnh to lớn và chúng ta sẽ có một Liveshow cực kì bất ngờ, bùng nổ trong năm 2025.

- Sau khi kết thúc Concert Unplugged, ban nhạc Bức Tường đã tham gia vào lễ hội âm nhạc Brigdefest 2024, và Hà Nội Rock tại đường đua F1 Mỹ Đình. Bức Tường cũng sẽ đại diện cho Việt Nam tham dự Asean-India Music Festival 2024 tại New Delhi, Ấn Độ. Và sau đó là tham gia HòZo Music Festival 2024. Hình như Bức Tường đã bắt đầu “chạy đà” cho liveshow 30 năm của mình. Anh nghĩ như thế nào về Bức Tường hiện tại?

 Bức Tường là minh chứng cho những giá trị âm nhạc được nỗ lực bền bỉ và sáng tạo không ngừng. Hiện nay, Bức Tường đang đi trên “con đường không tên” mà các thành viên đã chọn sau biến cố ra đi của thủ lĩnh Trần Lập. Tuy nhiên, con đường này sẽ “rất khác”. Nhưng cái khác sẽ theo cách tích cực nhất, lúc đó ban nhạc Bức Tường sẽ không còn “đóng khung” với 4 con người nữa, mà ngày càng mở rộng, sáng tạo và hấp dẫn hơn.

07

 

Bức Tường là một ban nhạc “trẻ”! Tôi nhìn thấy một Bức Tường “trẻ”! Trong từ “trẻ” nó là năng lượng, nhiệt huyết và phía trước mênh mông!

Với lượng người hâm mộ trải dài qua nhiều thế hệ thì lẽ ra phải là một ban nhạc “già”! Nhưng từ trong suy nghĩ và con đường âm nhạc lại mở ra nhiều cơ hội mới, mà cái đó là điều chúng ta hy vọng, và cũng là điều cảm hứng để tôi đồng hành tiếp với ban nhạc Bức Tường, và để tôi cảm thấy tôi cũng trẻ!

PV: Xin cám ơn anh vì những chia sẻ!

 

 

23/11/2024