07:47 ngày 28/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Việt Nam chi hơn 1,6 tỷ USD để nhập khẩu các loại rau quả trong 10 tháng qua

14:21 07/11/2023

(THPL) - Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, đến hết tháng 10/2023, nước ta chi hơn 1,6 tỷ USD để nhập khẩu các loại rau quả. Trung bình mỗi tháng, giá trị nhập khẩu mặt hàng này lên tới 160 triệu USD.

Hiện nay, để phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa, nước ta nhập khẩu rất nhiều loại trái cây. Trong đó, một số loại trái cây ở Việt Nam không trồng được, hoặc có sản lượng nhỏ. Thời gian đầu, hàng nhập về ít, nguồn cung hiếm nên giá có phần đắt đỏ. Tuy nhiên, khi nguồn hàng dồi dào, nhập số lượng lớn giá đã tự động hạ nhiệt.

Đặc biệt, vài năm trở lại đây nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do, thuế nhập khẩu rau quả gần như giảm về 0%. Do đó, giá trái cây cũng giảm khá mạnh do không phải chịu thuế. Điều này khiến nhiều người tiêu dùng chuộng trái cây nhập khẩu hơn. 

Theo đó, tại các chợ, siêu thị Việt không chỉ kiwi mà nhiều loại trái cây nhập khẩu từ cao cấp nay thành hàng giá rẻ bán la liệt. Theo chị Phạm Kim Tuyến - đầu mối bỏ sỉ trái cây ở Hoàng Mai (Hà Nội) đang rao bán kiwi vàng nhập khẩu từ New ZeaLand với giá 150.000 đồng/thùng trọng lượng 3,5kg áp dụng cho khách mua từ 10 thùng trở lên.

Chị Tuyến cho biết, đây là kiwi vàng nhập khẩu từ New ZeaLand, size 22 quả/thùng. Mỗi thùng trọng lượng 3,5kg, quả cứng, chín ngọt chứ không phải hàng loại. Trước kia, size kiwi này thường có giá 400-500 nghìn đồng/thùng. Nay kiwi giảm mạnh thành hàng giá rẻ, chỉ vài chục nghìn đồng 1kg bán ê hề chợ Việt.

Tương tự, kiwi ruột đỏ Đài Loan trước kia các cửa hàng thường bán với giá 200.000-250.000 đồng/hộp 400-500gram. Cùng trọng lượng này, nay giá chỉ còn 40.000-45.000 đồng/hộp.

Việt Nam đã chi hơn 1,6 tỷ USD để nhập khẩu các loại rau quả. Ảnh minh hoạ

Với táo Envy - loại táo nhập khẩu có có giá đắt đỏ nhất tại thị trường (không tính táo Nhật Bản) khi người tiêu dùng phải chi từ 200.000-350.000 đồng để mua 1kg tùy loại. Nay, loại táo nhập khẩu này (size 5 quả/kg) được nhiều cửa hàng rao bán số lượng lớn, giá từ 70.000-90.000 đồng/kg. So với thời điểm cách đây 2-3 năm, giá chỉ bằng một nửa, thậm chí 1/3.

Lựu Tunisia cũng từng là một trong những loại trái cây nhập khẩu được xếp vào phân khúc cao cấp với giá bán 170.000-250.000 đồng/kg. Song, vài tháng trở lại đây, loại lựu này rớt giá còn 35.000-50.000 đồng/kg. Nho sữa Vân Nam khi mới xuất hiện có giá 250.000-350.000 đồng/kg - là một trong những loại trái cây có giá đắt đỏ nhất của Trung Quốc bán tại thị trường Việt Nam. Thế nhưng năm nay, loại trái cây này đổ bộ chợ Việt với giá siêu rẻ. Hiện tại, chỉ cần bỏ ra 60.000-70.000 đồng, người tiêu dùng có thể mua được 1kg nho sữa quả to, căng bóng ở các sạp chợ.

Liên quan đến xuất khẩu rau quả năm nay, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, qua thống kê quý 4/2023, cả nước sẽ có khoảng gần 4 triệu tấn trái cây chủ lực các loại được thu hoạch và đưa ra tiêu thụ. Như vậy trong hai tháng cuối năm, xuất khẩu rau quả có thể đem về 0,6-0,8 tỷ USD. Với kết quả đã đạt được trong 10 tháng qua, dự báo xuất khẩu ngành hàng rau quả cả năm 2023 có thể đạt 5,5 – 5,8 tỷ USD.

Dù tình hình xuất khẩu rau quả đang ghi nhận những điểm sáng nổi bật, các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn cần kiểm soát tốt chất lượng các mặt hàng, bảo đảm chặt chẽ các quy định về phía nhập khẩu. Trung Quốc vẫn đang là khách hàng lớn nhất của rau quả Việt Nam khi chiếm tới gần 65% kim ngạch. Rau quả Việt Nam xuất sang thị trường này, ngoài sầu riêng đang rất được ưa chuộng từ nay đến cuối năm sẽ có thêm mít, thanh long…

Năm nay, đã có một số thông báo từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc liên quan đến vi phạm yêu cầu về kiểm dịch thực vật của các lô hàng chuối, mít, xoài, nhãn, thanh long và sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Với các trường hợp vi phạm quy định kiểm dịch thực vật theo thông báo từ phía Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ tạm dừng đối với các mã số liên quan để điều tra nguyên nhân và áp dụng biện pháp khắc phục phù hợp.

Do đó, đề nghị và khuyến cáo các doanh nghiệp và các địa phương cần kiểm soát tốt chất lượng để hạn chế tối đa tình trạng gian lận mã số vùng trồng, ảnh hưởng đến thương hiệu rau quả Việt Nam xuất khẩu. Đồng thời, xây dựng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, đáp ứng đầy đủ các quy định về kiểm dịch từ các thị trường nhập khẩu. Có như vậy, ngành hàng rau quả và xuất khẩu rau quả mới đạt được tăng trưởng bền vững trong những năm tới.

Tú Linh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu