11:32 ngày 09/05/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Ngành rau quả đã mang về 3,5 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm

09:56 29/08/2023

(THPL) - Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, 8 tháng đầu năm nay ngành rau quả đã mang về 3,5 tỷ USD. Ngoài kỷ lục mới được thiết lập, sầu riêng cũng chính thức thành trái cây tỷ đô khi cán mốc 1,2 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu.

Cũng theo ngành hải quan, xuất khẩu sầu riêng 8 tháng chiếm 30% tổng kim ngạch. Đặc biệt, đà tăng của loại trái cây này sẽ dự báo còn tiếp tục bởi lợi thế của nước ta. Trong khi sầu riêng của các nước Đông Nam Á khác đã hết vụ thì Việt Nam vẫn còn lợi thế tăng trưởng.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả VN (Vinafruit) nhận định, với tốc độ tăng trưởng vài chục phần trăm mỗi tháng như hiện nay, nhiều người tin tưởng cả năm 2023 ngành rau quả sẽ cán đích ở cột mốc lịch sử 5 tỷ USD. "Khả năng 80 - 90% sẽ đạt được con số này".

Trước đó, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, ngoài thị trường Trung Quốc, hàng rau quả xuất khẩu tới thị trường Hàn Quốc, Hà Lan, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao. Với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, xuất khẩu hàng rau quả trong nửa cuối năm 2023 sẽ có nhiều dư địa tăng trưởng khả quan, đặc biệt là vào mùa lễ hội khi nhu cầu tăng mạnh tại các thị trường.

Trong 2 quý cuối năm, sẽ có khoảng gần 7,6 triệu tấn các loại trái cây chính cần được tiêu thụ. Nguồn cung trái cây dồi dào sẽ đáp ứng tốt các đơn hàng xuất khẩu trong thời gian tới.

Ngành rau quả đã mang về 3,5 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm. Ảnh minh hoạ

Liên quan đến thông quan xuất khẩu nông sản, ông Hoàng Khánh Duy, Phó trưởng ban quản lý khu kinh tế Đồng Đăng - Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn), cho biết: Từ tháng 1 - 8/2023, lượng hàng hóa nông sản của Việt Nam xuất khẩu đi Trung Quốc qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn lên đến 1,2 tỷ USD. Những năm qua, Trung Quốc ngày càng nâng cao yêu cầu đối với chất lượng hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là hoạt động kiểm soát sinh vật gây hại trên hàng trái cây.

Hiện nay Trung Quốc vẫn thực hiện kiểm hóa 100% đối với hàng nông sản, hoa quả nhập khẩu từ Việt Nam. Trong quá trình kiểm hóa, khi phát hiện một trường hợp có sinh vật gây hại trên mặt hàng, Trung Quốc xử lý rất nặng, yêu cầu toàn bộ lô hàng phải quay đầu về Việt Nam, thậm chí còn ra quyết định dừng nhập khẩu mặt hàng này trong một thời gian dài, như tiền lệ đã xảy ra với quả ớt của Việt Nam.

Bên cạnh đó, có nhiều quốc gia cung cấp rau quả nhiệt đới cho Trung Quốc ngoài Việt Nam. Vì vậy, để duy trì tốc độ tăng trưởng và thị phần ở Trung Quốc cần phải tuân thủ yêu cầu của thị trường này. Thực tế trong hoạt động xuất khẩu mặt hàng rau quả tại Lạng Sơn thời gian qua, có trường hợp giả mạo mã số vùng trồng sầu riêng để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

"Các tỉnh, thành phố có hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc qua các cửa khẩu đường bộ phải quản lý chặt chẽ mã số vùng trồng để tránh bị gian lận; tăng cường giám sát, quản lý các vùng trồng, đảm bảo chất lượng sản phẩm; thu hái, đóng gói, bảo quản, vận chuyển nông sản xuất khẩu phải tuân thủ đúng quy định, yêu cầu của thị trường nhập khẩu", ông Khánh Duy khuyến cáo.

Tú Chi (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu