13:13 ngày 09/05/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 723 triệu USD trong nửa đầu năm 2023

14:22 06/07/2023

(THPL) - Các mặt hàng rau quả, cà phê, gạo và hạt điều tăng cao là trụ cột để xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm sản 6 tháng đầu năm 2023 tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước, trở thành nhóm mặt hàng duy nhất tăng trưởng dương trong số 4 nhóm hàng xuất khẩu.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam ước đạt 316,64 tỷ USD, giảm 15,1% (tương ứng giảm 56,54 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, trị giá xuất khẩu ước đạt 164,45 tỷ USD, giảm 12,1% (tương ứng giảm 22,72 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022 và trị giá nhập khẩu ước đạt 152,19 tỷ USD, giảm 18,2% (tương ứng giảm 33,82 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022.

Cụ thể, về xuất khẩu hàng hóa, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6/2023 ước đạt 29,3 tỷ USD, tăng 4,5% so với tháng trước.

Rau quả là một trong những mặt hàng có sự tăng trưởng mạnh, đóng góp vào thành công chung của xuất khẩu thời gian qua. Trong tháng 6, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 723 triệu USD, tăng 10,2% so với tháng trước và tăng tới 182,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu rau quả ước đạt 2,7 tỷ USD, tăng 64,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Hiện nay, rau quả là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất trong lĩnh vực nông sản. Nguyên nhân giúp xuất khẩu rau quả tăng trưởng mạnh là nhờ Trung Quốc tăng mua sau khi chính sách “Zero COVID” được thực thi. Đây là năm đầu tiên sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các mặt hàng như thanh long, sầu riêng, xoài, mít được Trung Quốc đẩy mạnh thu mua.

Tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 723 triệu USD trong nửa đầu năm 2023. Ảnh minh hoạ

Cũng theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2023 có 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 90,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 57,8%).

Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 12,25 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,2 tỷ USD). Trong đó xuất siêu của một số mặt hàng là: Điện thoại các loại và linh kiện 20,84 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ 4,95 tỷ USD; thủy sản 2,87 tỷ USD; rau quả 1,85 tỷ USD; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện 1,72 tỷ USD; dây điện và cáp điện 403,5 triệu USD.

Liên quan đến các mặt hàng nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết. sản lượng trái cây và rau thu hoạch hàng năm tại Việt Nam đạt trên 31 triệu tấn nhưng đưa vào chế biến mới chỉ 4,5 triệu tấn, chiếm 14% trong tổng sản lượng rau quả cả nước. Ngoài ra, cơ sở chế biến bảo quản trái cây vẫn ở quy mô siêu nhỏ, hộ gia đình, những sản phẩm này khó đáp ứng chất lượng cho xuất khẩu. Điều này khiến cho cảnh "được mùa mất giá" diễn ra thường xuyên và kim ngạch xuất khẩu rau quả chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có của Việt Nam.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, thế giới đang nghiêng về sử dụng trái cây, rau quả đã chế biến. Do đó, nếu biết tận dụng lợi thế và tạo hướng đi phù hợp, rau quả Việt Nam xuất khẩu sẽ tăng trưởng mạnh trong tương lai. "Chính phủ và bộ, ngành cần hỗ trợ địa phương quy hoạch khu chế biến, hỗ trợ về nguồn vốn cũng như chuyển giao công nghệ", ông đề nghị.

Ngoài ra, theo ông, nhà làm chính sách cần đưa ra các quy định để hỗ trợ sản xuất chế biến; kết nối giữa nông dân và doanh nghiệp xây dựng mô hình liên kết hiệu quả; tăng cường quản lý vùng trồng, truy xuất nguồn gốc.

Minh Anh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu