20:39 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN
Vi phạm của Gamuda Land tại dự án công viên Yên Sở:

UBND quận Hoàng Mai "né" trả lời báo chí về vi phạm trật tự xây dựng

Yến Oanh | 19:23 05/06/2023

THPL - Ông Đỗ Thanh Tùng (phó chủ tịch UBND quận Hoàng Mai) giao cấp dưới cung cấp thông tin trả lời báo chí về phản ánh tại dự án công viên Yên Sở, tuy nhiên nội dung trả lời lại "có như không", né thông tin về vi phạm trật tự xây dựng!

Công ty Gamuda Land Việt Nam xây dựng 2 hạng mục là Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở và Công viên Yên Sở (tổng số vốn khoảng 1,1 tỷ USD) tại quận Hoàng Mai. Đổi lại, Gamuda Land được nhận về tay khu đất gần 500 ha ngay cạnh công viên. Hiện tại, trên khu đất đã hình thành khu đô thị Gamuda City, đem lại nguồn lợi khổng lồ cho tập đoàn này. Giấy Chứng nhận đầu tư Dự án Xây dựng Công viên Yên Sở số 011043000257 do UBND thành phố Hà Nội cấp chứng nhận lần đầu ngày 31/12/2007.

Công viên Yên Sở (địa bàn phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) những năm đầu vận hành...

Tự ý biến đất công (công viên Yên Sở) thành nhiều mô hình kinh doanh trái phép

Nắm trong tay quyền vận hành quản lý công viên Yên Sở khi hàng chục năm nay chưa bàn giao lại cho TP Hà Nội, Gamuda bị tố tự ý biến đất công thành nhiều mô hình kinh doanh trái phép.

Mặc dù chưa được cấp phép, Gamuda đã ngang nhiên cho đơn vị khác vào thầu và tổ chức trông giữ xe, thu phí mà không mất một đồng thuế nào.
Theo phản ánh và sự “phàn nàn” của nhiều khách hàng cho biết, công viên Yên Sở được UBND TP Hà Nội quy định không được thu vé vào nhưng công ty Gamuda đã tự lập ra bãi trông giữ xe (khi chưa xin cấp phép để Nhà nước thu thuế), mức thu ô tô 30 ngàn đồng, xe máy 5 ngàn đồng/lượt. 
Bãi đỗ xe không phép ngang nhiên hoạt động trên đất công với hình thức thu phí.
Lượng khách lớn mỗi dịp cuối tuần đem đến lợi nhuận khủng cho doanh nghiệp từ nguồn thu vé gửi xe ô tô, xe máy...

Đối với phim trường Santorini xây dựng sai phép trên ô đất HH3 thuộc công viên Yên Sở từ khoảng tháng 7/2016, Gamuda đã bỏ túi số tiền khổng lồ thu được từ dịch vụ cho thuê vé vào chụp ảnh, ảnh cưới. Hiện tại, nơi đây vẫn tồn tại nhiều hạng mục phục vụ kinh doanh mô hình phim trường có thu vé vào cửa. Việc này cũng chưa được cấp phép, gây thất thu nguồn thuế cho Nhà nước. Báo chí phản ánh các và sở ban ngành của TP Hà Nội đã vào cuộc nhiều lần, nhưng không hiểu vì sao chính quyền quận Hoàng Mai không xử lý dứt điểm?!

Lối vào cửa vào phim trường- mặc dù là công viên xanh mở cửa tự do nhưng người dân phải bỏ số tiền không nhỏ để có thể bước chân vào "địa phận" mà Gamuda biến đất công thành phim trường kinh doanh này... 
Bên trong phim trường, Gamuda đã xây dựng nhiều khối nhà "sừng sững" không phép và các hạng mục tiểu cảnh phục vụ thu phí.... 
Đất công viên cũng được Gamuda hô biến thành sân bóng cho thuê trái phép.

Theo phản ánh, công ty cũng tự ý xây dựng 2 khối khu văn phòng với chiều cao lớn để làm việc cho chính Gamuda tại khuôn viên công viên Yên Sở. Riêng nội dung này, PV đã đặt câu hỏi đề nghị làm rõ tại nội dung đặt lịch làm việc với công ty, và đại diện truyền thông Gamuda tiết lộ với PV rằng "chỗ này chỉ là dựng tạm lên thôi"!

Công trình khối văn phòng được Gamuda xây dựng làm trụ sở làm việc riêng tại đất thuộc dự án công viên Yên Sở....
Bên trong văn phòng làm việc của công ty Gamuda tại công viên Yên Sở.

Quận Hoàng Mai trả lời báo chí “có như không”, "né" thông tin vi phạm trật tự xây dựng (!?)

Nhằm làm rõ trách nhiệm quản lý từ quận Hoàng Mai đối với loạt phản ánh vi phạm trên, PV đã đặt lịch làm việc tại UBND quận này và được ông Đỗ Thanh Tùng (Phó chủ tịch UBND quận) giao việc cho phòng ban. Sau suốt thời gian dài chờ đợi, ông Nguyễn Viết Cửu (Phó phòng Tài nguyên và Môi trường quận Hoàng Mai) chính thức có buổi tiếp PV.

Ông Cửu cho biết: “Sau khi được lãnh đạo quận giao việc chủ trì, phòng TNMT đã tổ chức cuộc họp gồm phòng Quản lý Đô thị và phòng TNMT, phường Yên Sở cùng công ty Gamuda. Tuy nhiên, dù đã gửi giấy mời và gọi nhiều lần nhưng phòng Quản lý Đô thị đã không tham gia họp. Vì vậy phòng TNMT chỉ trả lời những vấn đề về lĩnh vực môi trường trong phạm vi quản lý của phòng. Còn lĩnh vực quản lý đô thị, trật tự xây dựng PV phải tự liên hệ hỏi lại phòng Quản lý Đô thị!".

Không hiểu vì lý do gì, suốt thời gian dài đặt lịch làm việc tại quận này, đích thân ông Tùng phó chủ tịch chỉ đạo giao việc xuống phòng TNMT chủ trì nhưng lãnh đạo phòng này lại tỏ ra không có trách nhiệm khi phòng QLĐT không họp, không có thông tin trả lời báo chí, cũng không báo cáo lên lãnh đạo quận về trường hợp phòng QLĐT không phối hợp trả lời báo chí. Vì thế, tại buổi làm việc với PV, lĩnh vực xây dựng sai phép tràn lan tại công viên Yên Sở đã bị bỏ trống vì lý do "không thuộc thẩm quyền của phòng TNMT!"

Bà Nga (Phó chánh VP quận Hoàng Mai) cũng trả lời PV rằng: "Lãnh đạo quận đã giao phòng TNMT chủ trì phối hợp các phòng ban liên quan cung cấp thông tin trả lời báo chí, vì vậy phòng TNMT phải có trách nhiệm lấy được thông tin từ phòng QLĐT để trả lời báo!"

Liệu rằng đây có phải tình trạng cố tình né tránh những vấn đề “nóng” về trật tự xây dựng đang được báo chí phanh phui thời gian vừa qua trên địa bàn quận Hoàng Mai?!

Tại buổi trao đổi, ông Cửu cung cấp biên bản làm việc “có như không” của phòng TNMT với công ty Gamuda. Cụ thể:

Biên bản không hề nhắc đến số vi phạm trật tự xây dựng mà PV đề cập tới tại nội dung đề nghị làm việc
Không hiểu đại diện phòng TNMT quận Hoàng Mai và UBND phường Yên Sở tại sao lại dễ dàng ký vào biên bản chứa giải trình "cho có" của Gamuda này để cung cấp cho báo chí! Ông Cửu đồng tình với sự trả lời ngắn gọn "cho có" trên của công ty, và không nêu ra biện pháp xử lý!

Về vấn đề bãi trông giữ xe không phép, vị này cho biết: "Phía công ty trả lời rằng bãi xe không xin được cấp phép nhưng vì người dân vào cắm trại đông, xe thì phải có người trông nên công ty đã ký hợp đồng với bảo vệ trông xe thu phí trông để bù vào phí thuê bảo vệ. Tôi cũng bảo họ là phải xin cấp phép đi..."

Vị phó phòng TNMT dường như cho rằng điều ấy là hợp lý, không có ý kiến gì tham mưu xử lý, vẫn cho phép doanh nghiệp Gamuda ngang nhiên sử dụng sai mục đích đất công. Việc trông giữ không phép suốt nhiều năm qua đem lại nguồn thu lớn cho doanh nghiệp mà không mất đồng thuế nào cho nhà nước, đương nhiên không đảm bảo PCCC.

Về phim trường không phép và trụ sở làm việc của Gamuda tự ý xây dựng trên đất của dự án công viên Yên Sở suốt nhiều năm qua, Ông Cửu cho biết đây là vấn đề thuộc phòng QLĐT, không thuộc thẩm quyền phòng TNMT nên ông từ chối trả lời. Vị này chỉ tiết lộ rằng "Họ lại vin vào văn bản này của quận nên chưa phá dỡ phim trường"!

Văn bản này theo như lời ông Cửu, Gamuda đang "vin" vào để chưa phá dỡ phim trường.
UNND quận Hoàng Mai nêu rõ Gamuda phải khẩn trương hoàn tất tháo dỡ di chuyển toàn bộ công trình vi phạm trên ô đất HH3 theo chỉ đạo của T.P và cơ quan chức năng. Theo đó những vị trí khác, Gamuda được xây dựng "thí điểm" bối cảnh chụp ảnh ngoài trời khu A nhưng đó chỉ là "thí điểm", "tạm thời" ở duy nhất khu A; khu HH3 phải dỡ bỏ và không cho phép nhằm mục đích kinh doanh thu phí trái pháp luật.

Thông tin phản ánh về tòa nhà văn phòng làm việc Gamuda xây dựng có sai phép hay không tại công viên Yên Sở cần làm rõ thì mặc nhiên không được Gamuda và các bên liên quan nhắc và trả lời tại biên bản cuộc họp!

Câu hỏi đặt ra là, phòng TNMT chỉ ngồi tại phòng làm việc, mời đơn vị liên quan gồm (phường, công ty, phòng QLĐT) lên ghi nhận thông tin, thành một biên bản ngắn gọn “có như không” để trả lời báo chí, không chủ động xuống kiểm tra hiện trạng thực tế, lập biên bản vi phạm (nếu có). Đây có phải luôn là phong cách làm việc tiếp báo chí của chính quyền UBND quận Hoàng Mai?

Hiện tại, đã hơn một tháng từ khi đặt lịch làm việc, công ty Gamuda cũng không có câu trả lời làm rõ nội dung trên cho báo chí.

Ngoài vấn đề trật tự xây dựng, tại công viên Yên Sở còn tồn đọng nhiều phản ánh liên quan đến môi trường ô nhiễm (nguồn nước, rác thải ngập ngụa, nhiều khu cỏ hoang mọc um tùm), các công trình như nhà triển lãm, nhà thuyền, rạp hát ngoài trời, vườn mê cung, khu nhà vệ sinh... đều xuống cấp trầm trọng do không được công ty Gamuda là đơn vị có trách nhiệm quản lý duy tu. 

Gamuda tham vọng có trong tay thêm nhiều dự án nhà ở thương mại?

Mới đây, 12/2022, UBND TP Hà Nội đã có thông báo về việc Gamuda đã xin điều chỉnh mục tiêu dự án Công viên Yên Sở thành một khu chức năng đô thị có nhà ở thương mại, nhà ở xã hội và tái định cư thay vì xây dựng khách sạn, văn phòng, trung tâm hội nghị, trung tâm thương mại, thể thao, dịch vụ. Việc điều chỉnh này theo UBND TP Hà Nội chưa được chấp thuận vì có yếu tố xây dựng nhà ở thương mại nên cần được thẩm định đầy đủ theo các quy định về pháp luật về nhà ở.

Như vậy, tham vọng của Gamuda xây dựng công viên Yên Sở thành một đại đô thị gồm các tòa chung cư thương mại để bán (thay vì khu chức năng trung tâm dịch vụ khách sạn) chưa thể "đạt được sớm" vì Hà Nội đang là điểm nóng về đất đai. TP Hà Nội cần ưu tiên xây dựng công viên cây xanh, khu tiện tích phục vụ đời sống cư dân thay vì "nhồi" thêm chung cư cao tầng mật độ cao gây áp lực, quá tải hạ tầng. 

Yến Oanh

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu