19:22 ngày 12/12/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Ưu đãi thuế, tự sản xuất hộp số và động cơ tạo lực đẩy hỗ trợ ngành ô tô

16:14 12/12/2024

(THPL) - Theo dự thảo, chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ hướng đến phát huy nội lực của mọi thành phần kinh tế trong nước, chú trọng liên kết, hợp tác với các tập đoàn sản xuất ô tô lớn trên thế giới để phát triển ngành công nghiệp ô tô đồng bộ với phát triển hạ tầng giao thông.

Những năm gần đây, ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô tại Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể. Các doanh nghiệp sản xuất ô tô như Thaco, Hyundai Thành Công, VinFast… đang mở rộng quy mô sản xuất, không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước mà còn gia tăng sản lượng xuất khẩu.

Năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu 3,09 tỷ USD linh kiện phụ tùng ô tô ra nước ngoài, với các thị trường chính là Nhật Bản và Mỹ. Trong đó, nhóm linh kiện dây điện chiếm tỷ trọng lớn, đạt khoảng 1,17 tỷ USD, tương đương 38% giá trị xuất khẩu linh kiện ô tô của cả nước, đứng thứ 3 trên thế giới. Đây là một dấu hiệu cho thấy ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô Việt Nam đang từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Bộ Công Thương đặt mục tiêu sản xuất hộp số, động cơ cho ô tô

Liên quan đến ngành công nghiệp ô tô, Bộ Công Thương đã đưa ra lấy ý kiến rộng rãi dự thảo về "Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ đáp ứng khoảng 55 - 60% nhu cầu linh kiện và phụ tùng cho sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước và đạt mức 80 - 85% vào năm 2045. Điều này phản ánh sự quyết tâm của Chính phủ trong việc phát triển bền vững ngành công nghiệp hỗ trợ, đồng thời nâng cao khả năng tự chủ trong sản xuất ô tô, giảm phụ thuộc vào nguồn linh kiện nhập khẩu.

Để đạt được những mục tiêu trên, ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến trong việc chế tạo các chi tiết và linh kiện quan trọng như bộ truyền động, hộp số, động cơ, thân vỏ xe… Đồng thời, các doanh nghiệp trong nước sẽ cần tăng cường hợp tác với các tập đoàn ô tô lớn, lựa chọn những loại phụ tùng, linh kiện có thể sản xuất được trong nước, từ đó đảm nhận vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ưu đãi thuế, sản xuất hộp số, động cơ tạo lực đẩy hỗ trợ ngành ô tô. Ảnh minh họa

Một trong những chính sách quan trọng đã và đang tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô là Nghị quyết số 115/NQ-CP về phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, được Chính phủ ban hành nhằm đẩy mạnh sản xuất trong nước và nâng cao giá trị gia tăng.

Bên cạnh đó, Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra khung pháp lý cho các doanh nghiệp trong ngành. Những chính sách này không chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc cải thiện công nghệ sản xuất mà còn thúc đẩy sự hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước với các đối tác quốc tế.

Công nghiệp hỗ trợ ô tô, với sự phát triển không ngừng của công nghệ và sự gia tăng đầu tư, đang mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, để ngành công nghiệp ô tô có thể phát triển bền vững và đạt được các mục tiêu đề ra, cần có sự nỗ lực đồng bộ từ Chính phủ, các doanh nghiệp và các đối tác quốc tế. Các doanh nghiệp cần đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng nhằm hội nhập với các yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế.

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam định hướng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ

Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô cũng đã có những định hướng phù hợp trong việc phát triển các dòng xe thân thiện môi trường (xe tiết kiệm nhiên liệu, xe hybrid, xe sử dụng nhiên liệu sinh học, xe chạy điện...). Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ thực thi còn khá hạn chế. Cho đến nay, mới chỉ có chính sách hỗ trợ thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ cho xe điện chạy pin và chưa có lộ trình cụ thể cho việc phát triển các dòng xe điện hóa khác tại Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, các nước trong khu vực đặc biệt là Trung Quốc và Thái Lan ngành ô tô đang có những phát triển rất ấn tượng, tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị và nguy cơ thị trường xe sản xuất trong nước bị giảm thị phần là điều khó tránh khỏi nếu như không có những cơ chế chính sách phù hợp.

Theo đề xuất của Bộ Công Thương, nhằm quyết tâm thúc đẩy ngành ô tô Việt Nam phát triển Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 589 phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2018 - 2020 xét đến 2025, trong đó có nội dung "Khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư phát triển ngành công nghiệp ô tô, không phân biệt doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam".

Trong Quyết định này, Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ tiếp tục củng cố thể chế, chính sách tốt hơn, có lợi cho sản xuất, cho người dân và không trái với thông lệ, cam kết hội nhập quốc tế. Các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước ngoài tạo việc làm, cũng cần mở rộng thị trường, hướng tới xuất khẩu; đổi mới sáng tạo, hợp tác và phân công sản xuất nhằm phát triển hệ sinh thái công nghiệp phụ trợ, đem lại giá trị gia tăng cao hơn cho mỗi chiếc xe.

Đề xuất kéo dài ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô

Cũng liên quan đến ngành ô tô, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Nghị định nhằm điều chỉnh lại các mức thuế suất, danh mục hàng hóa và các loại thuế liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu tại điều 9 của Nghị định 26/2023/NĐ-CP. Trong đó, cơ quan quản lý đề xuất kéo dài thời gian chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô đến ngày 31/12/2027.

Theo Bộ Tài chính, việc gia hạn chương trình là giải pháp cần thiết nhằm hiện thực hóa chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng của Đảng và Chính phủ. Chính sách này không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp trong nước mở rộng sản xuất, lắp ráp ô tô mà còn giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN với thuế suất 0%.

Đánh giá về Chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô thời gian qua, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho hay, các chính sách ưu đãi thuế nói chung và Chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô nói riêng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đây ngành công nghiệp ô tô phát triển trong những năm gần đây.

Thị trường ô tô trong nước tăng trưởng tốt, quy mô sản xuất không ngừng mở rộng, đặc biệt, một số dòng  xe điện sản xuất và lắp ráp trong nước tăng trưởng nhanh. Tỷ lệ nội địa hóa một số dòng xe thương mại tương đối cao, đã xuất khẩu được một số sản phẩm ô tô, linh kiện ô tô sang nhiều thị trường khu vực và trên thế giới. Đồng thời, đã hình thành được một số thương hiệu ô tô nội địa mạnh; thu hút đầu tư và mở rộng sản xuất lĩnh vực công nghiệp ô tô.

Kể từ khi Chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô được ban hành, theo đánh giá của Hiệp hội Cơ khí Việt Nam (VAMI), các doanh nghiệp thành viên đã ghi nhận những hiệu quả nhất định mà chương trình mang lại thông qua việc áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện sản xuất, lắp ráp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

VAMI cho rằng, đây là cơ sở để các doanh nghiệp yên tâm ổn định sản xuất, kinh doanh, mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư máy móc, thiết bị mới, công nghệ hiện đại, nâng cao năng suất, tham gia sâu vào chuỗi giá trị của ngành công nghiệp ô tô trên thế giới, từng bước khẳng định sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô trong nước.

Minh Anh (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu