12:30 ngày 25/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Tập trung tăng tỷ lệ nội địa hóa ngành ô tô

Đỗ Khuyến (T/h) | 14:02 20/10/2024

(THPL) - Hiện tại, ngành ô tô Việt Nam đang nhập khẩu đến 80% linh kiện, do đó để nâng cao tính cạnh tranh và dần chiếm lĩnh thị trường, ngành ô tô Việt Nam cần đẩy nhanh tăng cường nội địa hoá.

Tỷ lệ nội địa hoá ngành ô tô Việt Nam còn thấp

Ngành công nghiệp ô tô được coi là ngành công nghiệp trọng điểm ở một số quốc gia trên thế giới khi mang lại công việc và thu nhập ổn định cho người dân, đồng thời là một nguồn thu thuế lớn với nhà nước. Việt Nam cũng đã có một số doanh nghiệp tham gia vào ngành công nghiệp phụ trợ cho sản xuất ô tô và một số doanh nghiệp tham gia vào lắp ráp, sản xuất ô tô. Tuy nhiên, theo thống kê của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) tỷ lệ nội địa hóa ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn chưa cao.

Cụ thể, Bộ Công Thương cho biết, tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi còn thấp. Mục tiêu đề ra là 30 - 40% vào năm 2020, 40 - 45% vào năm 2025 và 50 - 55% vào năm 2030. Nhưng con số thực tế hiện nay mới đạt bình quân khoảng 7-10%. Theo thông tin được cung cấp từ doanh nghiệp, hiện có Thaco đạt khoảng 15-18%, Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Innova. Con số này thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra và so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia và Malaysia.

Về phụ tùng, linh kiện, hiện Việt Nam  cũng mới sản xuất, gia công chưa được 300 chi tiết với công nghệ giản đơn,, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp như ghế ngồi, kính, săm lốp, bánh xe… Trong khi cả chiếc xe có khoảng 30.000 chi tiết linh kiện, nên những linh kiện quan trọng còn lại, có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao như hệ thống phanh, ly hợp, hộp số, hệ thống lái... thì hiện Việt Nam vẫn phải nhập khẩu hoàn toàn.

 

Tăng tỷ lệ nội địa hoá, tăng tính cạnh, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu thúc đẩy ngành ô tô Việt Nam phát triển. Ảnh minh hoạ 

Thống kê cho biết Việt Nam có tổng 377 doanh nghiệp sản xuất có liên quan tới ô tô, trong đó có 169 doanh nghiệp FDI (công ty có nguồn vốn từ nước ngoài) - chiếm tới 46,43%.

Thống kê cũng nêu rằng Việt Nam đang có khoảng hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô; 45 doanh nghiệp sản xuất khung gầm, thân xe, thùng xe; 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô...

Ngành này có tổng sản phẩm là 1.221 mặt hàng; sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có hàm lượng công nghệ trung bình và thấp chiếm phần lớn trong đó. Các sản phẩm này có giá trị không cao, đóng góp không nhiều trong tổng giá trị của một chiếc ô tô.

Tăng cường nội địa hoá ngành ô tô 

Với tỷ lệ nội địa hóa không cao, ô tô sản xuất trong nước còn đang có chi phí sản xuất cao hơn từ 10% đến 20% so với các nước khác trong khu vực. Để nâng cao tính cạnh tranh, giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu và dần chiếm lĩnh thị trường, các doanh nghiệp trong nước cần có chiến lược phát triển chuỗi cung ứng và công nghệ tiên tiến hơn. 

Để ngành công nghiệp ô tô nội địa phát triển, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp - cho rằng "cần tập trung giải quyết 2 điểm nghẽn về dung lượng thị trường và chênh lệch chi phí sản xuất với các quốc gia trong khu vực".

Cụ thể, thứ nhất cần tạo dựng thị trường cho công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô, duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước; tập trung phát triển một số dòng xe chiến lược để tạo thị trường cho công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô. Bảo vệ thị trường cho công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô bằng các hàng rào kỹ thuật, thuế quan phù hợp cam kết quốc tế và thực trạng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Thứ hai, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp gia tăng tỷ lệ giá trị nội địa: Điều chỉnh chính sách về thuế, phí, lệ phí, tài chính theo hướng ưu đãi, hỗ trợ cho tỷ lệ giá trị nội địa đối với ô tô sản xuất trong nước nhằm khuyến khích các doanh nghiệp gia tăng nội địa hóa.

Thứ ba, nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô; thực hiện hiệu quả các chính sách ưu đãi và hỗ trợ của Chính phủ đối với công nghiệp hỗ trợ nói chung và công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô nói riêng, đặc biệt là việc thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ hàng năm.

Đỗ Khuyến (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu