08:00 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Tìm lại quyền lợi, thương hiệu cá nhân bằng lá đơn kêu cứu khẩn cấp

Lâm Tới | 10:01 29/08/2023

(THPL) - Mặc dù đã được phía cơ quan điều tra kết luận là nạn nhân và không phạm tội nhưng sau đó vẫn bị toà án tuyên buộc phải chịu trách nhiệm phần dân sự, đền bù thiệt hại cho hành vi do người khác gây ra, đây chính là nghịch cảnh mà chị Nguyễn Thị Kim Oanh (địa chỉ tại phố Hai Bà Trưng, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, TP. HN) đã phải đối diện sau phiên toà phúc thẩm ngày 27/12/2019 của Toà án Nhân dân cấp cao tại HN.

Bản án phúc thẩm với nhận định khiên cưỡng?

Như Toà soạn Thương hiệu và Pháp luật đã thông tin trong bài “Bảo vệ thương hiệu cá nhân - Hành trình phía sau bản án phúc thẩm”, tại vụ án Đoàn Vũ Thanh Nghĩa can tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra năm 2007, 2008 tại TP. HN, các kết luận điều tra của Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an TP. HN đã khẳng định chị Oanh là một trong các bị hại đã bị Nghĩa chiếm đoạt tiền chứ không phải là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, đồng thời “không đủ căn cứ xác định Oanh đồng phạm với Nghĩa trong việc chiếm đoạt 12.850.000.000 đồng”.

Từ đó, đối với cáo buộc hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” của chị Nguyễn Thị Kim Oanh mà chị Nguyễn Phạm Cẩm Hương đã làm đơn tố cáo, ngày 20/7/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. HN đã ban hành Quyết định số 14/PC02-Đ3 Quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự, do tài liệu điều tra không đủ căn cứ xác định hành vi của chị Nguyễn Thị Kim Oanh cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Một phần nội dung đơn thư kêu cứu của chị Nguyễn Thị Kim Oanh

Tại cáo trạng số 12/CT-VKS-P2 ngày 9/1/2018 của Viện Kiểm sát Nhân dân TP. HN cũng khẳng định: “Căn cứ vào tài liệu điều tra thu thập, có đủ căn cứ kết luận chị Nguyễn Phạm Cẩm Hương là người trực tiếp chuyển tiền vào tài khoản Đoàn Vũ Thanh Nghĩa là 8.680.000.000 đồng và đưa 3.500.000.000 đồng tiền mặt cho chị Oanh để chị Oanh đưa cho Nghĩa mua cổ phiếu kiếm lời và bị Nghĩa chiếm đoạt tổng Cộng là 12.180.000.000 đồng”.

Những căn cứ trên là cơ sở vững chắc để Toà án Nhân dân TP. HN ban hành Bản án số 209/2019/HSST ngày 2/7/2019, tuyên buộc Đoàn Vũ Thanh Nghĩa tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Xử phạt Đoàn Vũ Thanh Nghĩa tù chung thân. Đồng thời, buộc Đoàn Vũ Thanh Nghĩa phải trả lại tiền cho các bị hại. Trong đó, trả lại cho chị Nguyễn Thị Kim Oanh 15.869.000.000 đồng, trả lại cho chị Nguyễn Phạm Cẩm Hương 8.686.000.000 đồng…

Việc phiên toà phúc thẩm sau đó, thay đổi vị trí của chị Nguyễn Thị Kim Oanh từ người bị hại sang người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, sau đó Bản án phúc thẩm số 847/2019/HSPT ngày 27/12/2019 tuyên buộc chị Nguyễn Thị Kim Oanh phải trả lại chị Nguyễn Phạm Cẩm Hương 8.680.000.000 đồng (đồng nghĩa với việc bị cáo Đoàn Vũ Thanh Nghĩa không phải trả lại cho chị Nguyễn Phạm Cẩm Hương 8.680.000.000 đồng) là một điều khó hiểu. Nó mâu thuẫn với nội dung các bản kết luận điều tra của Cơ quan cảnh sát điều tra, các cáo trạng của phía Viện Kiểm sát.

Trong lá đơn kêu cứu khẩn cấp, đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét lại Bản án phúc thẩm số 847/2019/HSPT ngày 27/12/2019 của Toà án Nhân dân cấp cao tại HN, chị Nguyễn Thị Kim Oanh cho rằng hội đồng xét xử phúc thẩm đã không đánh giá đúng chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, đặc biệt có sự vi phạm nghiêm trọng về tố tụng trong quá trình Toà án Nhân dân cấp cao tại HN thụ lý giải quyết, dẫn đến việc tuyên bản án phúc thẩm số 847/2019/HSPT không đúng với sự thật khách quan của vụ án, trái với quy định của pháp luật và xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của chị Oanh.

Theo chị Oanh, những vi phạm nghiêm trọng về tố tụng thể hiện ở việc: Hội đồng xét xử phúc thẩm đã xác định sai tư cách người tham gia tố tụng đối với chị Oanh; Toà án Nhân dân cấp cao tại HN đã vi phạm về việc tống đạt các văn bản tố tụng và đưa vụ án ra xét xử khi không triệu tập chị Oanh đến tham gia phiên toà phúc thẩm.

Về nội dung vụ án, chị Oanh cho rằng, hội đồng xét xử đã đánh giá chứng cứ không khách quan, “mờ ám” trong việc tuyên Bản án 847/2019/HSPT buộc chị phải trả cho chị Nguyễn Phạm Cẩm Hương (thay vì buộc Đoàn Vũ Thanh Nghĩa phải trả lại cho chị Hương như quan điểm của cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát và Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm ngày 2/7/2019).

Sự thiếu khách quan, theo chị Oanh, thể hiện ở chỗ, Toà án cấp cao tại HN đã căn cứ vào một bản giấy viết tay mà chị Hương cung cấp tại toà được cho là do chị Oanh viết ngày 11/2/2008 với tiêu đề là “Đơn trình bày”, nội dung thể hiện chị Oanh nhận của chị Hương số tiền “như nêu trên” mà không xác minh chứng cứ là “Đơn trình bày” đó có phải là do chị Oanh viết hay không?, nội dung ghi “số tiền nêu trên” là số tiền gì?, cụ thể bao nhiêu tiền? Vì sao không trích dẫn cụ thể. Đặc biệt, việc chị Oanh không có mặt tại toà do không được Toà án triệu tập nhưng hội đồng xét xử lại chấp nhận tài liệu đó và dùng nó để tuyên một bản án bất lợi cho chị Oanh là hành vi “mờ ám”.

Cần đánh giá thận trọng các tình tiết vụ án

Theo Điều 86, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”.

Theo quy định của pháp luật, mọi chứng cứ phải được đánh giá trên cơ sở, đó là tính khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp.

Sau bản án phúc thẩm và quyết định thi hành án, hàng loạt các tài khoản của chị Nguyễn Thị Kim Oanh đã bị phong toả

Xem xét nội dung Bản án phúc thẩm số 847/2019/HSPT ngày 27/12/2019, trong phần nhận định, hội đồng xét xử đã căn cứ 02 điểm để chấp nhận kháng cáo của bị cáo Đoàn Vũ Thanh Nghĩa và bị hại Nguyễn Phạm Cẩm Hương đó là: thứ nhất, bị cáo Đoàn Vũ Thanh Nghĩa và chị Nguyễn Phạm Cẩm Hương đều khẳng định chưa hề quen biết, chưa từng quan hệ giao dịch với nhau, chỉ đến khi Toà án Nhân dân TP. HN triệu tập, có mặt tại phiên toà sơ thẩm thì bị cáo Đoàn Vũ Thanh Nghĩa mới biết chị Nguyễn Phạm Cẩm Hương và ngược lại. thứ 2, tại phiên toà phúc thẩm, chị Nguyễn Phạm Cẩm Hương xuất trình bản tài liệu gốc do Nguyễn Thị Kim Oanh viết ngày 11/2/2008 với tiêu đề “Đơn trình bày” có nội dung Nguyễn Thị Kim Oanh đã nhận của chị Nguyễn Phạm Cẩm Hương số tiều nêu trên.

Vậy 02 căn cứ nêu trên (được sử dụng làm chứng cứ) đã đảm bảo tính khách quan hay chưa?

Đầu tiên, nói về việc chưa quen biết, chưa từng quan hệ giao dịch với nhau giữa bị cáo Đoàn Vũ Thanh Nghĩa và bị hại Nguyễn Phạm Cẩm Hương,  tại Bản kết luận điều tra bổ sung ngày 20/11/2012 của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP. HN thể hiện “… Do tin tưởng Oanh nên chị Hương đã giao tiền trực tiếp cho Oanh với số tiền khoảng 8 tỷ đồng để Oanh chuyển cho Nghĩa. Sau đó Nghĩa đã thực hiện đúng cam kết và đã trả lại toàn bộ số tiền này (cả gốc và lãi) cho chị Hương thông qua Oanh. Từ khoảng cuối tháng 12/2007 đến tháng 1/2008, chị Hương tiếp tục giao tiền trực tiếp cho Oanh và chuyển vào tài khoản của Nghĩa…”. Điều này cũng có nghĩa rằng, trước khi phát sinh việc chị Hương chuyển tiền vào tài khoản của Nghĩa số tiền 8.680.000.000 đồng, giữa chị Hương và Nghĩa đã phát sinh quan hệ giao dịch.

Về mặt khách quan, thật sự có việc chị Hương chuyển tiền vào tài khoản Nghĩa và bị Nghĩa chiếm đoạt. Cơ quan cảnh sát điều tra cũng đã chứng minh chị Oanh không liên quan đến hành vi phạm tội của Nghĩa. Đặc biệt, thông qua việc ban hành Quyết định số 14/PC02-Đ3 Quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự, do tài liệu điều tra không đủ căn cứ xác định hành vi của chị Nguyễn Thị Kim Oanh cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, chị Oanh đã có chứng cứ chứng minh vô tội.

Thứ hai, về “Đơn trình bày”, trong Bản án phúc thẩm số 847/2019/HSPT ngày 27/12/2019, ngoài lời khai của chị Hương, không thấy nêu rõ “Đơn trình bày” đó đã được giám định chữ viết để có thể khẳng định là của chị Oanh hay chưa?

Quy định pháp luật trong tố tụng, để đánh giá chứng cứ chính xác, những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải nghiên cứu một cách tổng thể các chứng cứ có trong vụ án; xem xét chứng cứ một cách khách quan, không định kiến trước là bị can, bị cáo phạm tội hay không phạm tội; xem xét cả các chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội. 

Hai chứng cứ làm căn cứ tuyên buộc chị Nguyễn Thị Kim Oanh phải trả lại chị Nguyễn Phạm Cẩm Hương 8.680.000.000 đồng (đồng nghĩa với việc bị cáo Đoàn Vũ Thanh Nghĩa không phải trả lại cho chị Nguyễn Phạm Cẩm Hương 8.680.000.000 đồng) nêu trên đã đảm bảo tính khách quan của vụ việc? Người tiến hành tố tụng liệu đã xem xét cả các chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội hay chưa (cần lưu ý rằng, theo chị Oanh, ở phiên xét xử phúc thẩm, cả chị và luật sư bảo vệ quyền lợi cho chị đã không được mời tham dự)? Đây là điều mà cơ quan cấp cao hơn phải xem xét, làm rõ.

Thiết nghĩ, trong quá trình xem xét đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm 847/2019/HSPT ngày 27/12/2019 của chị Nguyễn Thị Kim Oanh, cơ quan có liên quan cần xem xét kỹ lưỡng tình tiết mới, đánh giá cẩn trọng các chứng cứ tài liệu, tránh làm mất đi “cơ hội cuối cùng” của người trong cuộc.

(Mời bạn đọc theo dõi tiếp bài 3: Cơ hội nào cho chị Nguyễn Thị Kim Oanh trong hành trình bảo vệ quyền lợi và thương hiệu cá nhân)

Lâm Tới

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu