06:43 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Giải pháp bảo vệ thương hiệu trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái

Thanh Mai (t/h) | 17:42 05/07/2023

(THPL) - Để chủ động ứng phó với vấn nạn hàng nhái, hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp cần tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng để phát hiện vi phạm. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông nhằm giúp người tiêu dùng có thể nhận dạng được thương hiệu.

Hiện nay, trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ gia tăng, bên cạnh nỗ lực của cơ quan chức năng thì doanh nghiệp cần nâng cao việc bảo vệ thương hiệu.

Về phía doanh nghiệp, bà Bùi Thị Thu Hiền, đại diện Bộ phận Pháp lý, Công ty TNHH URC Việt Nam cho biết, trong thời gian tới doanh nghiệp sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng để phát hiện cũng như kết hợp xử lý các hành vi vi phạm nếu có. Đồng thời, đẩy mạnh việc truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm cho người tiêu dùng có thể nhận dạng được thương hiệu của chúng tôi.

“URC hiểu rằng việc quản lý của các cơ quan nhà nước rất là quan trọng trong việc phòng, chống hàng nhái, hàng giả. Do đó chúng tôi đề xuất cần có giải pháp đẩy nhanh quá trình xử lý vi phạm, đồng thời nâng cao mức phạt đối với chủ thể vi phạm, đối với các vi phạm về xâm phạm sở hữu trí tuệ, đặc biệt là những hành vi vi phạm nhiều lần để tăng tính răn đe cho người thực hiện hành vi vi phạm đó” – bà Hiền đề xuất.

Xử lý vấn nạn hàng nhái và hàng giả trên mạng sẽ là ưu tiên số một của lực lượng QLTT từ nay đến năm 2025. Ảnh minh hoạ

Liên quan đến hàng giả hàng nhái, ông Trần Hữu Linh – Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Bộ Công Thương thông tin, từ giữa năm 2022, khi dịch Covid-19 có dấu hiệu lắng xuống thì vấn đề liên quan đến hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bắt đầu sôi động trở lại. 1 năm vừa qua, qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng quản lý thị trường thấy rằng vấn nạn của hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang ngày càng phức tạp và tinh vi.

Thứ nhất, đối với vấn đề liên quan đến thương hiệu và nhãn hiệu, trong vòng một năm trở lại đây có 2 loại thương hiệu nhãn hiệu bị xâm phạm, thứ nhất là các thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng của quốc tế; thứ hai là các thương hiệu của sản phẩm Việt Nam. Trong khoảng một năm trở lại đây, Bộ Công Thương liên tiếp nhận được yêu cầu, những vấn đề thắc mắc cũng như đề nghị phối hợp của các hãng lớn trên thế giới hoặc có nhà máy sản xuất ở Việt Nam.

Theo đó, ông Linh chia sẻ: “theo phản ánh của hãng Ajinomoto sản xuất bột ngọt, hãng Acecook của Nhật Bản sản xuất mì gói, thì trên thị trường ngày càng nhiều bột ngọt cũng như mì tôm bị làm giả, thậm chí làm giả từng gói gia vị trong gói mì. Hay, những thương hiệu rất nổi tiếng của Tập đoàn Procter & Gamble như mỹ phẩm, sữa tắm, xà phòng… cũng bị làm giả rất nhiều ở thị trường nội địa. Ngay cả Lego - Đan Mạch trong tháng vừa qua cũng đã làm việc với chúng tôi hai lần về việc bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của sản phẩm Lego ở thị trường Việt Nam”.

Đối với các thương hiệu sản phẩm của Việt Nam thì những mặt hàng từ đồ ăn, thức uống đều được sản xuất, làm giả, làm nhái ở trong thị trường nội địa. Qua đó có thể thấy rằng thương hiệu, nhãn hiệu được làm giả ngày càng tinh vi hơn.

Ở góc độ thứ hai, liên quan đến về sản phẩm bị làm giả thì hàng giả hiện nay có ở đủ mọi chủng loại, từ quần áo, mỹ phẩm, giày dép đến thực phẩm chức năng.

Đối với vấn nạn hàng nhái hàng giả, không chỉ người tiêu dùng bị ảnh hưởng mà ở doanh nghiệp cũng bị thiệt hại nặng. Đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thì làm ảnh hưởng, mất lòng tin của doanh nghiệp. Việc hàng giả quá nhiều ở trong nội địa khiến các nhà đầu tư cảm thấy không yên tâm đối với môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam.

Còn đối với các doanh nghiệp trong nước, thương hiệu bị làm giả, làm nhái và nguy hiểm nhất đã làm xói mòn sức sản xuất của doanh nghiệp khi phải cạnh tranh với hàng giả, hàng giả có giá rẻ.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng QLTT đã kiểm tra gần 3.000 vụ liên quan đến hàng giả và xử phạt gần 30 tỷ đồng. Thời gian tới, lực lượng QLTT sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch trọng điểm về chống hàng giả tại các địa bàn trọng điểm, tại các ổ nhóm, tụ điểm cụ thể. Hiện trên 63 tỉnh, thành phố thì có khoảng 20 - 30 tỉnh, thành phố có những tụ điểm nổi cộm về hàng giả.

Lực lượng QLTT cũng đã chỉ đạo các đơn vị cấp dưới liên tục kiểm tra. Tuy nhiên, ưu tiên phối hợp để tìm ra những đường dây, ổ nhóm, những kho hàng lớn để triệt phá tận gốc. Đồng thời, tập trung kiểm tra vấn đề hàng nhái, hàng giả trên các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội. “Hàng giả bày ở ngoài đường, ngoài phố, ngoài cửa hàng thì rất dễ nhận biết và phát hiện, nhưng trên môi trường Internet đang là một mặt trận mới trong công tác chống hàng giả.

Có đến 80-90% hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền SHTT được tiêu thụ, mua bán trên mạng. Đây là một mặt trận rất nóng bỏng và khó khăn. Theo đó, xử lý vấn nạn hàng nhái và hàng giả trên mạng sẽ là ưu tiên số một của lực lượng QLTT từ nay đến năm 2025”, ông Trần Hữu Linh nói.

Thanh Mai (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu