12:59 ngày 27/07/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Thực thi hiệu quả FTA - Cơ hội để doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu

13:07 20/04/2024

(THPL) - Ngay từ những tháng đầu năm 2024, hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu và đầu tư của Việt Nam đã có nhiều cơ hội để phục hồi và tăng trưởng khi vấn đề hàng tồn kho tại nhiều quốc gia đang dần được khắc phục. Việc nỗ lực trong đẩy mạnh đàm phán, thực thi hiệu quả các FTA và đa dạng hoá thị trường sẽ đem lại lợi thế cạnh tranh cho hàng hoá xuất khẩu trong thời gian tới.

Đến nay, Việt Nam đã ký kết 16 FTA, trong đó đang thực thi 15 FTA. Việc thực thi các FTA thời gian qua đã mở ra cơ hội rất lớn cho nước ta trong mở rộng thị trường, tăng trưởng thương mại, xuất nhập khẩu và đầu tư, góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam duy trì mức tăng trưởng cao từ 6-7%/năm; kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định; lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.

Các FTA không chỉ là động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp mở rộng kết nối giao thương, thúc đẩy phát triển kinh tế. Theo đó, ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Huyền - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất và Xuất khẩu Quế hồi Việt Nam (Vinasamex) cho biết, hiện nay, Vinasamex đã xuất khẩu các sản phẩm quế, hồi sang nhiều thị trường có FTA. Việc hưởng lợi từ các FTA giúp doanh nghiệp có được khách hàng chuyển dịch từ thị trường khác sang mua hàng hoặc đầu tư sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. “Những năm gần đây, nhờ “đòn bẩy” của các FTA, doanh nghiệp tập trung vào những sản phẩm giá trị cao cấp để xuất khẩu vào những thị trường khó tính, như EU, Canada, Mỹ, Nhật Bản...” - bà Nguyễn Thị Huyền nhấn mạnh.

Thông qua công tác hội nhập, Việt Nam đã và đang trở thành "cửa ngõ" quan trọng bậc nhất thế giới khi giờ đây đầu tư vào Việt Nam là có thể tiếp cận được với hầu hết các thị trường lớn của thế giới. Điển hình, FTA giữa Việt Nam và khối EFTA, đến nay, hai bên đã trải qua 16 phiên đàm phán chính thức và nhiều phiên đàm phán cấp trưởng đoàn và cấp kỹ thuật. Hiện tại, hai bên đã xác định được những vấn đề còn tồn tại trong các lĩnh vực quan trọng của hiệp định như thương mại hàng hóa, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ.

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã liên tục thúc đẩy việc nối lại đàm phán và nỗ lực xử lý những vấn đề còn tồn tại để có thể sớm kết thúc đàm phán, trên cơ sở cân bằng lợi ích của cả hai phía.

Thực thi hiệu quả các FTA là cơ hội để doanh nghiệp xây dựng và phát triển giá trị thương hiệu. Ảnh minh hoạ

Bên cạnh những tín hiệu tích cực, năm 2024 tăng trưởng GDP khu vực và thế giới dự báo vẫn đối diện với rất nhiều rủi ro, biến động khó lường với niều cơ hội và thách thức đan xen. Do đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% như mục tiêu Quốc hội đề ra là không hề đơn giản, nhất là trong bối cảnh nhiều thị trường ngày càng đề cao những tiêu chuẩn liên quan đến vấn đề an toàn cho người tiêu dùng và phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu. Xu hướng bảo hộ thương mại xuất hiện nhiều hơn, nhiều quốc gia có các biện pháp đưa đầu tư về trong nước, dựng nên các rào cản thương mại để bảo vệ, thúc đẩy sản xuất trong nước.

Theo ông Trịnh Minh Anh – Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Liên ngành Hội nhập Quốc tế về Kinh tế (Bộ Công Thương) cho rằng, để tận dụng tối đa các FTA, điều quan trọng nhất đối với Việt Nam là phải hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, nhằm bảo đảm tính nhất quán, đồng bộ, công bằng, minh bạch, không phân biệt đối xử, đúng trình tự thủ tục nhằm hạn chế tranh chấp phát sinh với nhà đầu tư nước ngoài và giải quyết hiệu quả các tranh chấp (nếu có).

Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế cảnh báo sớm để phòng ngừa tranh chấp. Cần có sự phối hợp đồng bộ của tất cả các cấp, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai và thực thi các FTA đã có hiệu lực trên cơ sở phát huy tối đa nội lực, gắn kết chặt chẽ và thúc đẩy quá trình hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hiện đại hoá kết cấu hạ tầng, nâng cao sức mạnh tổng hợp và năng lực cạnh tranh.

Cùng với những thuận lợi mà các FTA mang lại thì khó khăn lớn từ các FTA đó chính là tăng sức ép cạnh tranh cho toàn bộ nền kinh tế quốc gia, khu vực và toàn cầu. Về mặt xã hội, cạnh tranh tăng lên khi tham gia FTA có thể làm một số doanh nghiệp ở các nước đang phát triển, trước hết là các doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất lạc hậu rơi vào tình trạng khó khăn, kéo theo đó là khả năng thất nghiệp trong một bộ phận lao động.

Đối với hệ thống pháp luật, các FTA thế hệ mới đòi hỏi các thành viên tham gia phải thực hiện rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật của nước mình, trước hết là các lĩnh vực thương mại, đầu tư, cạnh tranh của DNNN, lao động, đấu thầu, thương mại điện tử, môi trường, giải quyết tranh chấp…

Nhìn chung, các FTA “thế hệ mới” tiềm ẩn nhiều hệ quả quan trọng không chỉ đối với hệ thống pháp luật của các thành viên mà còn liên quan tới các chính sách xã hội, văn hoá, kinh tế của các nước này. Do đó, để đạt mục tiêu thực thi một cách hiệu quả, tận dụng được các cơ hội mà FTA mang lại, Việt Nam cần có chiến lược bài bản, tinh thần tích cực, chủ động, đổi mới mạnh mẽ cả tư duy và hành động.

Tú Anh (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu