15:19 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Thanh Hóa phát triển nguồn gen quý vịt Cổ Lũng

| 21:21 27/11/2017

(THPL) - Nước ta có nhiều giống vịt nội là nguồn gen bản địa rất quý như vịt Cỏ, vịt Mốc, vịt Kỳ Lừa, vịt Ô Môn, vịt Đốm, vịt Cổ Lũng... Trong đó, vịt Cổ Lũng là đặc sản của huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa.

Theo báo Thanh Hóa, đây là giống vịt quý hiếm, di truyền từ lâu đời, được các thế hệ người dân địa phương gìn giữ, phát triển. Hiện vịt Cổ Lũng được nuôi nhiều ở các xã: Lũng Cao, Cổ Lũng và Lũng Niêm.

Vịt có đặc điểm cổ rụt, thân thấp lùn, mỏ và chân có màu vàng, cổ và đầu thường có lông khoang, con trống có lông đuôi xoăn, cổ ánh cườm biếc. Vịt ưa môi trường sạch, thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên, có khả năng kháng bệnh tốt.

Tuy nhiên, việc nuôi vịt Cổ Lũng còn nhỏ lẻ, tự phát. Mỗi hộ chỉ nuôi từ dăm con đến vài chục con, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường. Mặt khác, do điều kiện kinh tế và trình độ kỹ thuật của các hộ nuôi còn nhiều hạn chế nên việc giữ gen giống vịt Cổ Lũng không bảo đảm. Nếu không sớm phục hồi, bảo vệ, giống vịt quý hiếm này có nguy cơ tuyệt chủng.

59f5c0ce_1509277902
Đàn vịt giống Cổ Lũng thuần chủng. Ảnh: Báo Thanh Hóa

Theo TTXVN, nhằm bảo tồn giống vịt Cổ Lũng và phát triển kinh tế cho nhân dân, UBND huyện Bá Thước đã thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ phục hồi và phát triển giống vịt bản địa Cổ Lũng chất lượng tốt của huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa”.

Dự án đã thực hiện thành công mô hình chăn nuôi vịt sinh sản, vịt thương phẩm và ấp nở trứng vịt theo hướng an toàn sinh học.  Điển hình là các mô hình nuôi vịt sinh sản với 1.800 con; vịt thương phẩm gồm 3.000 con với khối lượng từ 1,8-2 kg/con; ấp nở trứng vịt với 2 tổ có máy ấp tại 2 xã vùng dự án để cung ứng đủ giống vịt cho địa bàn vùng dự án...

Hiện các mô hình này đã được nhân rộng ra toàn huyện, giúp nhân dân mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. 

Thực hiện dự án, Ban Quản lý dự án huyện đã khảo sát điều kiện kinh tế, xã hội và tình hình chăn nuôi vịt Cổ Lũng tại 6 xã thông qua phiếu điều tra với 120 người và lựa chọn các hộ dân tham gia mô hình.

Hiện giống vịt bản địa Cổ Lũng được nuôi nhiều nhất tại 2 xã Lũng Niêm và Cổ Lũng với quy mô từ 10-20 con/hộ hoặc hộ chăn nuôi khá đạt khoảng 40 con. Tại xã Cổ Lũng, dự án đã chọn đủ 30 hộ tham gia và tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn các hộ tham gia mô hình. Nhiều người dân tham gia đạt hiệu quả tốt, nâng cao thu nhập. 

Ông Hà Trọng Quỳnh, trú tại thôn Lọng, xã Cổ Lũng là người đi đầu trong việc phát triển và chăn nuôi giống vịt Cổ Lũng của xã. Khi dự án triển khai, ông được hướng dẫn thực hiện mô hình.

Tới nay, ông đang nuôi khoảng 200 con vịt Cổ Lũng đẻ trứng và chuyên bán cho các đơn vị trong, ngoài tỉnh, đem lại mức thu nhập bình quân khoảng 80 triệu đồng mỗi năm. 

Ông Hà Văn Luyến - Phó chủ tịch UBND xã Lũng Niêm cho biết, nhờ được tập huấn kỹ thuật và tham gia các mô hình, người dân thay đổi phong tục tập quán chăn nuôi theo hình thức chăn thả, không phụ thuộc vào nguồn thức ăn từ tự nhiên mà chủ động tạo nguồn thức ăn tại chỗ. 

Bên cạnh đó, dự án còn góp phần bảo tồn giống vịt bản địa Cổ Lũng chất lượng tốt, mở ra hướng phát triển chăn nuôi vịt chất lượng cao, đem lại lợi ích kinh tế trực tiếp cho nông dân và là cơ sở để lưu giữ các nguồn gen quý. 

Thời gian tới, huyện Bá Thước sẽ chỉ đạo các xã hướng dẫn từng hộ dân thực hiện đúng các quy trình nuôi để phát triển nhanh số lượng vịt, tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ nhu cầu ngày một tăng của khách hàng và bảo tồn được con giống; đồng thời, thực hiện thêm 2 đề tài, dự án mới gồm: “Quản lý và phát triển nguồn gen vịt Cổ Lũng” và “Xây dựng quản lý, chỉ dẫn địa lý vịt Cổ Lũng”. Huyện cũng sẽ đề nghị cấp có thẩm quyền sớm công nhận thương hiệu cho vịt Cổ Lũng.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu