17:20 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Sôi động thị trường Tết Đoan Ngọ 2023

Tú Linh (t/h) | 16:29 21/06/2023

(THPL) - Tết Đoan Ngọ hay còn gọi Tết Giết sâu bọ là ngày 5/5 Âm lịch hàng năm. Cứ đến ngày này, hầu hết các gia đình Việt Nam đều tổ chức cúng lễ và thưởng thức các loại trái cây, thực phẩm đầu mùa.

Hiện nay, nhiều khu chợ ở Hà Nội đã nhộn nhịp người bán, kẻ mua. Qua khảo sát tại chợ Ngô Sỹ Liên, chợ Hôm, chợ Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng), chợ Hàng Bè (quận Hoàn Kiếm)... thị trường hàng hóa phục vụ Tết Đoan Ngọ đã bắt đầu sôi động.

Theo tiểu thương ở chợ Ngô Sỹ Liên, mận hậu, vải thiều, xôi nếp cẩm, xôi nếp cái hoa vàng là những mặt hàng không thể thiếu trong mỗi mâm cỗ thắp hương ngày Tết Đoan Ngọ. Tuy nhiên, những mặt hàng này luôn sẵn và người dân thường mua trước 1-2 ngày, mận hậu loại ngon hiện giá khoảng 40.000 đồng/kg, vải thiều ngon giá 30.000 - 35.000 đồng/kg.

Sôi động thị trường Tết Đoan Ngọ 2023. Ảnh: NLĐ

Chị Hoa - tiểu thương ở chợ Hàng Bè, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho hay, vài ngày trước Tết Đoan Ngọ, lượng khách đặt mâm lễ cúng tăng cao, những mâm lễ của cửa hàng có giá từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng, thậm chí có khách đặt tới 2- 3 triệu đồng tùy yêu cầu của khách.

Còn theo các tiểu thương một số chợ lớn cho biết, thông thường, cơm rượu nếp, hoa quả như mận, vài...  sẽ được ăn đầu tiên vào buổi sáng sớm khi bạn vừa thức dậy trong ngày Tết Đoan Ngọ, do vậy đến đúng ngày Tết các mặt hàng hoa quả, rượu nếp sẽ rất sôi động giá tăng nhẹ so với thường.

Tại làng Phú Thượng, mỗi dịp Tết Đoan Ngọ, người dân lại tất bật nấu và ủ cơm rượu nếp, bởi theo quan niệm dân gian, đây là món ăn không thể thiếu trong ngày này nên được rất nhiều người dân tìm mua. Từ lâu, làng Phú Thượng đã nổi tiếng khắp Hà Nội với đặc sản xôi cùng món rượu nếp thơm dẻo, không đâu sánh bằng. Vì thế, rượu nếp Phú Thượng luôn đắt hàng, được khách rất ưa chuộng.

Sôi động thị trường Tết Đoan Ngọ trên "chợ" mạng. Ảnh: Facebook Ngân Giang

Năm nay, thị trường Tết Đoan Ngọ trên "chợ" mạng xã hội Facebook, Tik Tok... cũng sôi động hơn hẳn mọi năm. Nhiều chủ tài khoản là chủ cửa hàng thực phẩm, cá nhân kinh doanh... rao bán và nhận đặt hàng bánh ú tro, cơm rượu, chè trôi nước, chè hạt kê, hoa tươi, vải tươi Bắc Giang, Hải Dương đi đường hàng không... Hầu hết các mặt hàng có giá tương đương giá bán trực tiếp ở chợ, cửa hàng, siêu thị..

Theo quan niệm cổ truyền, vào dịp này, người dân thường làm mâm cúng Tết Đoan Ngọ dâng lên tổ tiên để thể hiện lòng thành, cầu mong một vụ mùa bội thu, có nhiều sức khỏe và gặp may mắn. Mâm cúng Tết Đoan Ngọ thường gồm: Vải, mận, rượu nếp, cơm rượu nếp, bánh gio (bánh ú tro, bánh tro)...Ngoài ra, theo phong tục của từng vùng miền, ở một số nơi, mâm cúng còn có thêm các lễ vật khác, đặc trưng.

Dưới đây là gợi ý mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ ba miền:

Mâm cúng Tết Đoan Ngọ miền Bắc:

Hương, hoa; Nước, rượu nếp; Các loại hoa quả: mận, vải...; Xôi, chè; Bánh tro, bánh ú: Loại bánh được làm từ gạo nếp, ngâm trong nước tro, gói bằng lá chuối. Bánh dễ ăn, dễ tiêu, ngon hơn khi ăn với đường hoặc mật.

Cơm rượu nếp: Đây là món đặc trưng của người miền Bắc, đặc biệt là món cơm rượu nếp cái hoa vàng bởi không phải nơi nào cũng có và ngon như ở nơi đây. Một số nơi còn có thêm cơm rượu nếp cẩm.

Một mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ. Ảnh: Internet

Mâm cúng Tết Đoan Ngọ miền Trung:

Hương, hoa; Nước, rượu nếp; Các loại hoa quả như: vải, mận…; Bánh tro, bánh ú; 

Chè kê: Đây là món đặc biệt quen thuộc và xuất hiện trong mâm cúng tết Đoan ngọ của người dân ở tỉnh Quảng Nam.

Thịt vịt: Món ăn này thường có trên mâm lễ cúng tết Đoan ngọ của người miền Trung. Theo quan niệm xưa, thịt vịt có tính mát, ăn vào sẽ giải nhiệt cho cơ thể, có khả năng bổ máu và tốt cho hệ tiêu hóa.

Cơm rượu: Món này ở miền Trung được làm bằng phương pháp lên men cổ truyền, có hình dạng vuông vức.

Mâm cúng Tết Đoan Ngọ miền Nam:

Hương, hoa; Nước, rượu nếp. Các loại hoa quả như: vải, mận…

Cơm rượu: Món này ở miền Nam không để rời mà được vo thành những viên tròn trước khi ủ. Đến khi rượu dậy mùi thì thêm nước đường vào. Ăn cảm giác giống như xôi chè ở miền Bắc.

Bánh ú bá trạng: Bánh được làm tương tự như bánh tro nhưng to hơn một chút. Bánh làm từ gạo nếp và được nhồi nhiều loại nhân, sau đó gói trong lá rồi đem đi luộc hoặc hấp chín.

Chè trôi nước: Những viên chè tròn to được làm bằng bột nếp trắng, có nhân đậu xanh thơm bùi, ăn cùng với nước đường gừng và nước cốt dừa.

Tú Linh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu