12:44 ngày 05/10/2024 | HOTLINE : 094.210.6666 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Nét văn hóa riêng độc đáo của Tết Đoan ngọ ở làng quê xứ Huế

14:44 30/05/2017

(THPL) - Tết Đoan ngọ còn được dân gian gọi bằng một cái tên dân dã hơn: “Tết diệt sâu bọ”. Vào giờ chính Ngọ, nhiều làng quê xứ Huế còn có phong tục phơi củi hay đứng giữa sân đứng nhìn lên bầu trời, đó là những tục lệ được truyền lại từ xưa cho đến nay.

Mâm cỗ Tết Đoan ngọ ở Huế

Nguồn gốc ngày Tết Đoan ngọ

Theo truyền thuyết, vào một ngày sau vụ mùa, nông dân ăn mừng vì trúng mùa nhưng sâu bọ năm ấy lại kéo dày, ăn mất cây trái, thực phẩm đã thu hoạch. Nhân dân đau đầu không biết làm cách nào để có thể giải được nạn sâu bọ này, bỗng nhiên có một ông lão từ xa đi tới tự xưng là Đôi Truân.

Ông chỉ cho dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng gồm đơn giản có bánh tro, trái cây, sau đó ra trước nhà mình vận động thể dục. Nhân dân làm theo chỉ một lúc sau, sâu bọ đàn lũ té ngã rã rượi. Lão ông còn bảo thêm: Sâu bọ hằng năm vào ngày này rất hung hăng, mỗi năm vào đúng ngày này cứ làm theo những gì ta đã dặn thì sẽ trị được chúng.

Dân chúng biết ơn định cảm tạ thì ông lão đã đi đâu mất. Để tưởng nhớ việc này, dân chúng đặt cho ngày này là ngày "Tết diệt sâu bọ", có người gọi nó là "Tết Đoan ngọ" vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ.

Vào giờ chính Ngọ, nhiều làng quê xứ Huế còn có phong tục phơi củi hay đứng giữa sân đứng nhìn lên bầu trời (nhiều thôn trong xã Phú Lương, Huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế vào giờ chính ngọ trong ngày tết, dân làng trong thôn ra đứng ngoài sân nhìn lên mặt trời, theo người xưa truyền lại là có thể trị một số bệnh về mắt nên người dân làng vẫn giữ tục lệ này truyền lại cho đến nay).

Không thể thiếu trong mâm cỗ là Vịt luộc, chè kê và bánh tráng nướng.

Ba món ăn không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ

Tết Đoan Ngọ ở xứ Huế còn đặc sắc bởi các món ăn, là thức cúng gia tiên trong ngày tết này. Có ba món không thể thiếu, dù nhà giàu hay nhà nghèo, đó là: Thịt vịt, chè kê, bánh tráng nướng. Dịp Tết Đoan Ngọ, vịt được người dân quê Huế chế biến thành nhiều món, như bún măng vịt, vịt hon, cháo vịt... Nhưng phổ biến nhất vẫn là vịt luộc chấm nước mắm gừng ăn kèm rau sống (gồm quả vả, khế chua, chuối chát và rất nhiều rau thơm các loại). Sự kết hợp của món ăn này vô cùng hợp lí và hấp dẫn. Bởi vịt, theo Đông y có tính hàn , nên được dùng vào thời tiết nắng nóng là thích hợp, rồi khi chế biến, người nội trợ lại thêm một lần kết hợp “nóng lạnh“ nữa nên món ăn vịt luôc chấm nước mắm gừng không chỉ thơm ngon mà còn bổ dưỡng!

Hạt kê dùng để nấu chè Trong ngày tết phải được lựa chọn từ giống kê nếp, một loại kê có hạt mẩy và dẻo thơm.

Chè kê cũng là thức cúng không thể thiếu được của người dân quê Xứ Huế. Hạt kê dùng để nấu chè mồng 5 phải được lựa chọn từ giống kê nếp - một loại kê có hạt mẩy và dẻo thơm khi được nấu chín. Hạt kê phải được làm sạch vỏ, ngâm nước ấm cho hạt nở đều rồi mới đồ cho đến lúc chín nhừ thì thêm đường cát hay đường phèn và gừng giã nhỏ, khi ăn mới có vị ngọt thanh hấp dẫn.

Trong Tết Đoan Ngọ, người xứ Huế còn có một phong tục không kém phần đặc sắc đó là "Tết sui gia". Vào dịp này gia đình nhà trai thường chuẩn bị một cặp vịt và chục lon nếp đến thăm nhà gái thể hiện sự chia ngọt sẻ bùi, kết nối tình thân giao thắm thiết hai bên thông gia.

Vào giờ chính ngọ, người dân trong làng lại theo tục lễ ra ngoài sân và nhìn lên bầu trời.

Ngày nay, một số phong tục cổ truyền ở xứ Huế tuy có bị mai một, có khi biến tướng. Nhưng ngày Tết Đoan Ngọ vẫn được người dân làng quê lưu giữ như một nét đẹp văn hóa của đất cố đô, góp phần làm nên bản sắc văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam.

Thiên Trường

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu