14:38 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Sản xuất thép giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm 2023

Phương Linh (t/h) | 18:12 19/07/2023

(THPL) - Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, sản xuất thép thành phẩm đạt 13,103 triệu tấn, giảm 20,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) công bố, trong tháng 6/2023, sản xuất thép thành phẩm đạt 2,012 triệu tấn, giảm 9,52% so với tháng 5/2023 và giảm 16,2% so với cùng kỳ 2022. Tiêu thụ thép các loại đạt 2,161 triệu tấn, giảm 6,41% so với tháng trước và giảm 4% so với cùng kỳ 2022;

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, sản xuất thép thành phẩm đạt 13,103 triệu tấn, giảm 20,9% so với cùng kỳ năm 2022. Tiêu thụ thép thành phẩm đạt 12,481 triệu tấn, giảm 17,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Nguyên nhân khiến sản xuất và tiêu thụ thép ảm đạm là do cầu thị trường xuống thấp. Đối với thị trường trong nước, hoạt động bán hàng chịu tác động mạnh từ thị trường bất động sản đóng băng bởi các chính sách tín dụng bất động sản siết chặt; thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp khó khăn, lãi suất tăng cao… Thị trường xây dựng dân dụng đối mặt với sức mua yếu do lạm phát.

Sản xuất thép giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm 2023. Ảnh minh hoạ

Về tình hình xuất khẩu các sản phẩm thép, 5 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 4,383 triệu tấn thép tăng 10,12% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu đạt 3,448 tỷ USD giảm 16,21% so với cùng kỳ năm 2022.

Còn theo số liệu của Bộ Công thương, 6 tháng, xuất khẩu sắt thép đạt 5,233 triệu tấn, trị giá 4,13 tỷ USD, tăng 9% về lượng nhưng lại giảm 17,2% về trị giá. Xuất khẩu sản phẩm từ thép đạt hơn 2 tỷ USD, giảm 15,3%.

Liên quan đến ngành thép, VSA cho hay, năm 2023, sản xuất thép của Việt Nam sẽ tăng khoảng 2-3% so với năm 2022, đáp ứng đủ nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu một phần ra nước ngoài. Tuy nhiên, do nhu cầu thép yếu tại hầu hết các khu vực trên thế giới và tâm lý tiêu cực đã tác động đến giá bán thép thành phẩm. Xu hướng giảm giá thép trên phạm vi toàn cầu càng được củng cố thêm khi các doanh nghiệp thép Trung Quốc đang tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu với tốc độ giá giảm nhanh để cạnh tranh.

Tiêu thụ tại nội địa suy giảm cả về sản lượng lẫn giá bán vì thị trường bất động sản ảm đạm, giải ngân đầu tư công chưa như mong đợi, nhưng xuất khẩu cũng trầy trật hơn bởi các nước xuất khẩu hầu hết đã và đang chuẩn bị điều tra thuế chống phá giá, như EU đưa Việt Nam vào danh sách áp quota với thép nhập khẩu.

Cùng đó, chi phí đầu vào tăng cao; chi phí vận tải quốc tế, giá cước phí tàu bè cao, logistic bao gồm đường xá, cảng chậm được cải thiện cũng làm giảm năng lực cạnh tranh, ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất nội địa.

Nhận định về ngành thép, ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam, dự báo thời gian tới thị trường thép vẫn còn khó khăn. Trong bối cảnh đó Tổng công ty tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trong hệ thống phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo, quyết đoán trong công tác điều hành sản xuất kinh doanh tại đơn vị mình nhằm kiểm soát tình hình, khắc phục và từng bước vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất kế hoạch được giao; đồng thời chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tranh thủ cơ hội khi thị trường phục hồi.

Phương Linh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu