00:56 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Ngành thép tồn kho kỷ lục hơn 110.000 tỷ đồng

Bảo An (tổng hợp) | 09:33 02/08/2022

(THPL) - Giá thép liên tục giảm mạnh đã ảnh hưởng đáng kể đến bức tranh lợi nhuận ngành thép. Hầu hết doanh nghiệp thép đều ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận âm trong quý II vừa qua, thậm chí lỗ.

Theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), ngành thép đang ở tâm điểm của nền kinh tế toàn cầu, thông thường, xu hướng giảm giá thép và nguyên liệu trong những tháng gần đây sẽ được người tiêu dùng hoan nghênh. Tuy nhiên, thực tế sự sụt giảm nhu cầu thép đó là kết quả xu hướng lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. Nhu cầu thép giảm đã tác động trực tiếp đến giá nguyên liệu đầu vào.

Theo báo cáo của VSA, giá quặng sắt loại (62% Fe) ngày 11/7/2022 giao dịch ở mức 113 USD/Tấn CFR cảng Thiên Tân, Trung Quốc, giảm khoảng 33,75 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 6/2022. Mức giá này giảm khoảng 100 USD/tấn so với mức giá cao nhất được ghi nhận hồi đầu tháng 5/2021 (~210 – 212 USD/tấn); than mỡ luyện cốc từ 520 USD/tấn xuống còn khoảng 320 USD/tấn.

Trước thông tin trên, các chuyên gia ngành thép cho rằng, do nhu cầu đầu tư xây dựng của thị trường trong nước giảm và giá nguyên liệu sản xuất lao dốc khiến cho giá mặt hàng thép liên tục điều chỉnh giảm thời gian qua. Nhu cầu thấp, dẫn tới hàng tồn kho các sản phẩm vẫn ở mức cao gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ngành thép tồn kho kỷ lục hơn 110.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Theo báo Kinh tế và Đô thị, tổng lượng tồn kho của các doanh nghiệp (DN) thép trên sàn chứng khoán tính đến cuối quý II/2022, xấp xỉ lên đến 110.000 tỷ đồng, tăng 20.000 tỷ so với cuối quý I/2022. Trong đó, Hòa Phát với hơn 57.500 tỷ đồng, cao hơn 11.500 tỷ so với cuối quý III/2021. Đây là mức tồn kho kỷ lục của ngành thép từ trước tới nay, vượt xa đỉnh cũ hồi cuối quý III năm ngoái. Như vậy, sau 4 quý liên tiếp chững lại quanh mức 85.000 – 90.000 tỷ đồng, các doanh nghiệp thép đã đẩy mạnh tích trữ tồn kho trong quý vừa qua.

Phần lớn các doanh nghiệp thép đều tăng tích trữ tồn kho trong quý II, tuy nhiên giá trị tăng xét theo số tuyệt đối không quá lớn ngoại trừ Hòa Phát. Trong số những doanh nghiệp còn lại, duy nhất chỉ có Thép Việt Nam (VNSteel – mã TVN) ghi nhận mức tăng hơn nghìn tỷ tồn kho trong quý vừa qua.

Tồn kho ngành thép tăng vọt trong bối cảnh giá thép liên tục giảm mạnh từ đầu tháng 5. Theo Trading Economics, giá thép cây tại thị trường thế giới thời điểm 30/6 đã giảm khoảng 13% so với mức cao nhất trong quý II và thấp hơn gần 25% so với đỉnh. Xu hướng vẫn tiếp diễn khiến giá thép cây có thời điểm đã chạm 3.900 CNY/tấn, thấp nhất kể từ tháng 11/2020 trước khi hồi phục lên hơn 4.100 CNY/tấn vào cuối tháng 7.

Tương tự, giá thép cuộn cán nóng (HRC) cũng đã giảm gần 40% trong quý II vừa qua và vẫn đang tiếp tục dò đáy. So với đỉnh hồi quý III năm ngoái, giá HRC đến thời điểm hiện tại đã giảm đến 56%.

Theo tạp chí Kinh tế Việt Nam, nguyên nhân chủ yếu do ít hoạt động xây dựng và sản xuất hơn trong bối cảnh lạm phát trên toàn thế giới, và đặc biệt là do nhu cầu yếu ở Trung Quốc trước tình hình giãn cách xã hội, thời tiết bất lợi và thị trường bất động sản tăng trưởng chậm lại do lãi suất tăng.

Không nằm ngoài xu hướng trên, giá thép nội địa cũng đã giảm liên tiếp 11 lần trong gần 3 tháng với tổng mức giảm cao nhất khoảng hơn 3,9 triệu đồng/tấn, tùy từng thương hiệu, loại thép, vùng miền. Việc lượng hàng tồn kho quá cao đã khiến các công ty thép buộc hạ giá bán nhằm kích cầu, khiến giá thép giảm từ đầu tháng 6.

Lượng thép tồn kho nội địa đến hết tháng 5/2022 đã đạt mức kỷ lục là 1,49 triệu tấn tương đương sản lượng tháng 5/2022, cao hơn nhiều so với mức 56% sản lượng tháng trung bình 3 năm 2019-2021.

Bảo An (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu