16:34 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Nhiều tín hiệu tích cực cho xuất khẩu cá tra vào thị trường UAE

Tuấn Minh (t/h) | 17:05 23/04/2024

(THPL) - Hiện nay, dư địa xuất khẩu cá tra sang UAE vẫn tốt khi dân số tại khu vực này ngày càng tăng, thu nhập của người dân cao và tốc độ đô thị hóa nhanh. Thu nhập khả dụng tăng và giới trẻ ưa chuộng protein thủy hải sản cùng với các chuyến du lịch dự báo sẽ thúc đẩy tiêu thụ thủy hải sản tới Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 3/2024, Việt Nam xuất khẩu hơn 2 triệu USD cá tra sang Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), tăng 62% so với tháng 3/2024. Lũy kế xuất khẩu cá tra 3 tháng đầu năm nay sang thị trường này đạt hơn 7 triệu USD, tăng 67% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, UAE chủ yếu nhập khẩu sản phẩm phile đông lạnh mã HS 0304 từ Việt Nam với hơn 2 triệu USD trong tháng 3/2024. Sản phẩm này chiếm đến 93% tỷ trọng trong tổng xuất khẩu cá tra Việt Nam sang UAE.

Quý I/2024, thị trường này nhập khẩu gần 7 triệu USD cá tra phile đông lạnh của Việt Nam, tăng 56% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, 3 tháng đầu năm 2024, UAE cũng nhập khẩu cá tra tươi/đông lạnh/khô (thuộc mã 03) và cá tra giá trị gia tăng với giá trị lần lượt là 517 nghìn USD và 152 nghìn USD.

Nhiều tín hiệu tích cực cho xuất khẩu cá tra vào thị trường UAE. Ảnh minh hoạ

Theo tìm hiểu, UAE là nhà nhập khẩu ròng thủy hải sản và 90% lượng thực phẩm tiêu thụ của thị trường này đến từ việc nhập khẩu. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), UAE tiêu thụ hơn 220.000 tấn thủy sản mỗi năm và có mức tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người là 28,6 kg/năm, cao hơn mức trung bình toàn cầu.

Dư địa xuất khẩu cá tra sang khu vực này vẫn tốt khi dân số tại UAE ngày càng tăng, thu nhập của người dân cao và tốc độ đô thị hóa nhanh. Thu nhập khả dụng tăng và giới trẻ ưa chuộng protein thủy hải sản cùng với các chuyến du lịch dự báo sẽ thúc đẩy tiêu thụ thủy hải sản ngày càng tăng. Hơn thế nữa, Ngân hàng Trung ương UAE đã tăng dự báo tăng trưởng năm 2024 cho nền kinh tế nước này lên 5,7%, từ mức 4,3% trước đó.

Ngoài ra, dự kiến ngành du lịch và lữ hành của UAE dự kiến sẽ tạo thêm 23.600 việc làm vào năm 2024 để đạt tổng số khoảng 833.000 việc làm trong năm nay. Việc du lịch được phát triển, kéo theo các dịch vụ liên quan đến nhà hàng, ăn uống gia tăng, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành xuất khẩu thủy sản trong đó có cá tra tiến sâu hơn vào thị trường này.

Bên cạnh những tín hiệu tích cực, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo, những biến động của thế giới sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Điển hình là những căng thẳng trên Biển Đỏ đang gây ra không ít những khó khăn trong quá trình vận tải hàng hoá xuất khẩu nói chung và hàng thuỷ sản nói riêng khi cược vận chuyển tăng cao. Giá bán đến tay người tiêu dùng tăng cao sẽ ảnh hưởng lớn đến quyết định mua hàng.

Liên quan đến ngành cá tra, trước đó nhiều chuyên gia cũng cho rằng, tình hình xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang Hoa Kỳ và châu Âu sẽ tăng tốc trong thời gian tới do cuối năm 2023, Hoa Kỳ đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu diện rộng đối với một số loại thuỷ sản có nguồn gốc từ Nga. Đồng thời, Hội đồng châu Âu (EC) cũng đã quyết định không cho phép các thuỷ sản có nguồn gốc từ Nga được hưởng ưu đãi miễn thuế trong giai đoạn 2024-2026.

Hồi tháng 11/2023, Liên minh châu Âu cũng quyết định tăng cường kiểm soát việc nhập khẩu các sản phẩm cá từ Trung Quốc để kiếm soát hoạt động đánh bắt phi pháp không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Hiện một số tổ chức và doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam kỳ vọng các động thái trên có thể tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các sản phẩm thuỷ sản của Việt Nam, đặc biệt là cá tra phi lê, tại thị trường Mỹ và châu Âu. Đây là hai thị trường xuất khẩu cá tra trọng điểm của Việt Nam. 

Trước những yếu tố cung - cầu của thị trường, Tổng Thư ký Hiệp hội VASEP Trương Đình Hoè cho rằng, các doanh nghiệp cần tập trung vào sản phẩm có giá cả cạnh tranh, bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, đây là vấn đề tiên quyết. Cùng với đó, nghiêm túc tuân thủ các quy định về kinh tế tuần hoàn, tiếp tục đổi mới quy trình sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, tập trung chế biến sâu. Lưu ý, tận dụng phụ phẩm chế biến để tạo ra sản phẩm mới và gia tăng giá trị nhằm thúc đẩy thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Tuấn Minh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu