05:38 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Năm 2021: Ngành thép tiêu thụ được 23 triệu tấn, thu về hơn 12,7 tỷ USD

Phương Anh (tổng hợp) | 13:49 19/01/2022

(THPL) - Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), năm 2021 toàn ngành thép đã tiêu thụ được 23 triệu tấn thép, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), năm 2021 là năm thuận lợi của ngành thép Việt Nam và toàn cầu. Trong bối cảnh các Hiệp định thương mại, chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã gây ra nhiều khó khăn cho thị trường cung ứng toàn cầu, đây là cơ hội cho Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có ngành thép Việt Nam.

Sản xuất thép thô cả năm ước đạt 23 triệu tấn, tăng 16% so với năm 2021. Sản xuất thép thành phẩm các loại đạt 33 triệu tấn, tăng 19% và bán hàng thép thành phẩm các loại đạt 29 triệu tấn, tăng 16%. 

Báo Tuổi trẻ đưa tin, riêng xuất khẩu thép xây dựng năm 2021 tăng gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2020, tương ứng 2,22 triệu tấn, với các yếu tố thuận lợi được xác định từ hàng loạt chính sách môi trường, điều chỉnh hoàn thuế xuất khẩu của Chính phủ Trung Quốc, cùng với biến động giá quặng, than Coke, phế liệu vừa qua đã ảnh hưởng đến thị trường thép Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Như vậy, xuất khẩu sản phẩm thép năm 2021 cũng có được những kết quả tích cực, đạt hơn 14 triệu tấn thép thành phẩm và bán thành phẩm với hơn 12,7 tỷ USD, đóng góp lớn nguồn thu ngoại tệ cho đất nước. Sản phẩm thép của Việt Nam xuất khẩu đến hơn 30 quốc gia khu vực và thế giới.

Ngành thép bán được 23 triệu tấn, thu về hơn 12,7 tỷ USD. Ảnh minh họa

Tạp chí TCDN thông tin thêm, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 kéo dài suốt 2 năm vừa qua GDP Việt Nam đã giảm còn 1 - 2% nhưng ngành thép Việt Nam vẫn có sự tăng trưởng tích cực. Thị trường trong nước bị chững lại nhưng các doanh nghiệp thép đã đẩy mạnh xuất khẩu và trở thành quốc gia xuất ròng thép, sản lượng sản xuất lớn nhất Đông Nam Á.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, nếu top 5 thị trường xuất khẩu thép năm 2020 là ASEAN (42,6%), Trung Quốc (36,53%), EU (2,88%), Đài Loan (2,86%) và Mỹ (1,87%) thì năm 2021 đã có sự thay đổi: ASEAN vẫn là thị trường truyền thống (28,64%), Trung Quốc (21,32%), EU (12,56%), Mỹ (7,51%) và Đài Loan (5,05%).

Ở chiều ngược lại, Việt Nam tiếp tục nhập khẩu thép nhiều nhất từ Trung Quốc, chiếm khoảng 41,38% tổng lượng thép nhập khẩu và 39,04% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Các quốc gia tiếp theo cung cấp thép cho Việt Nam là Nhật Bản (14,51%), Hàn Quốc (13,63%), Ấn Độ (12,2%) và các quốc gia khác.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, triển vọng thị trường thép Việt Nam năm 2022 sẽ tốt hơn khi Chính phủ ban hành chỉ đạo ổn định và phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh thích ứng linh hoạt với đại dịch COVID-19 xuyên suốt. Nghị quyết 01/NQ-CP được ban hành ngày 09/01/2022 với các giải pháp phát triển, phục hồi kinh tế xã hội và dự toán ngân sách năm 2022.

Ba trọng tâm để duy trì đà tăng trưởng, khai thác các động lực tăng trưởng mới được Chính phủ xác định trong năm 2022, gồm khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh xuất khẩu và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, huy động mọi nguồn lực phát triển hạ tầng.

Phương Anh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu