14:05 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Ninh Thuận: Nhiều dấu hiệu sai phạm tại dự án nuôi tôm giống Hạo Phương - Đại Ninh

Mạnh Hùng | 10:18 17/08/2023

(TH&PL)- Trong khoảng thời gian từ cuối năm 2022, nhiều phương tiện thi công tại công trường dự án nuôi tôm giống Hạo Phương-Đại Ninh gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng chăn nuôi, khiến nhiều hộ nuôi trồng thủy sản tại thôn Long Bình 2 (xã An Hải huyện Ninh Phước) bức xúc.

Sử dụng phương tiện trọng tải lớn phá hỏng cầu, đường dân sinh, gây ô nhiễm môi trường.

Nhận được phản ánh từ các hộ nuôi tôm trên địa bàn, những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8-2023, phóng viên liên tục nhiều ngày có mặt để ghi nhận thực tế. Trên đoạn đường dân sinh có độ dài tầm 2km từ đường ven biển Ninh Thuận vào khu nuôi trồng thủy hải sản thuộc thôn Long Bình 2, xã An Hải, huyện Ninh Phước chúng tôi ghi nhận nhiều phương tiện có tải trọng lớn ra vào. Có thể kể tới là nhiều xe tải ben “ ba chân” tải trọng trên 15 tấn, xe đầu kéo kéo theo bồn chở xi măng rời có tải trọng lên tới 40 hoặc 50 tấn, và rất nhiều xe tải thùng tải trọng lớn khác lưu thông. Điều đáng nói là trên đoạn đường này có chiếc cầu bắc qua kênh N1 đã được cắm biển cấm các phương tiện có tải trọng trên 2,5 tấn lưu thông qua cầu.

Xe bồn xi măng tải trọng lớn qua cầu giới hạn 2,5 tấn (ảnh: Nguyễn Phong)

Ông T.N.Lý, chủ một cơ sở nuôi trồng thủy sản cho biết, ông đã nuôi trồng hàng chục năm ở đây. Tuy nhiên từ khi có dự án thi công thì ông bị ảnh hưởng rất lớn. Đó là bụi kéo theo sau các chuyến xe tạt thẳng vào nhà “không thể ngồi nghỉ ngơi hay ăn uống gì được, phía dự án cũng không hề tưới nước dập bụi, khiến cuộc sống ngột ngạt khó thở. Nhưng việc bụi nhiều bay xuống ao nuôi mới nguy hiểm vì bụi lắng dày trong ao buộc tôi phải tăng thêm công nhân thu dọn vệ sinh ao, làm chi phí phát sinh đáng kể mà phía doanh nghiệp không hề có đối thoại hay hỗ trợ gì.”

Một cơ sở gần đó còn bức xúc hơn: “Nhà báo thấy đó, chúng tôi phải dùng các loại bạt, lưới che kín tường nhà để tránh bụi. Ao nuôi ốc hương thì chúng tôi phải mua lưới che kín toàn bộ cả héc ta ao thì đủ hiểu mức độ ảnh hưởng như thế nào. Con đường này xưa nay các hộ dân vẫn góp chi phí tự tu sửa đường sau mỗi mùa mưa thì mới giữ được hiện trạng như bây giờ, tháng 6 vừa qua lúc xe dự án làm sập cầu, các hộ dân đã kéo nhau ra ngăn cản nhưng không hiểu sao được ít hôm họ lại chạy trở lại”.

Nhà dân phải bịt kín bằng đủ loại chất liệu để chống bụi khi dàn xe này đi qua ( Ảnh: Mạnh Hùng)

Liên hệ với lãnh đạo UBND huyện Ninh Phước, Đội CSGT Công an huyện, chúng tôi nhận được thông tin là Dự án này đã được sự cho phép của đơn vị quản lí tuyến kênh là Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận (Công ty thủy lợi) cho phép gia cố và sử dụng chiếc cầu này.

Tiếp tục tra cứu hồ sơ, chúng tôi tìm được văn bản số 81/ CTKTTL-QLNCT do ông Phạm Hòa Bình, Phó giám đốc Công ty thủy lợi ký ngày 24-2-2023. Trong đó, tại mục 1 của văn bản này ghi: “ Hiện nay kênh N1, hệ thống thủy sản An Hải do Công ty quản lý tạm thời không cấp nước phục vụ sản xuất nên việc gia cố cầu qua kênh theo như phương án doanh nghiệp đề xuất tại văn bản số 01/2023/CV-HPĐN ngày 18-2-2023 không ảnh hưởng đến việc điều tiết của kênh N1. Do đó, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp sớm đi vào hoạt động phát triển kinh tế địa phương, Công ty chấp thuận cho phép Công ty TNHH Đầu tư Hạo Phương Đại Ninh ( Dự án) được gia cố mặt cầu qua kênh N1 tại vị trí K3+200 thuộc hệ thống thủy sản An Hải theo phương án doanh nghiệp đã đề xuất để sử dụng tạm thời cầu vận chuyển hàng hóa, vật tư vào khu vực dự án”.

Trên thực tế, tại cây cầu N1 chúng tôi ghi nhận hai bên thành cầu ( lan can) đã bị đập bỏ, phía dưới cầu được gia cố bằng các bao cát xếp chồng lên nhau, mặt cầu đã hư hỏng và được trải bằng tấm thép để các phương tiện qua lại trên đó. Đến đây, vấn đề đặt ra là Dự án Hạo Phương Đại Ninh đã sử dụng chính con đường dân sinh của người dân làm đường thi công (đường công vụ) và dự án này đã phá hỏng công trình thủy lợi của hệ thống thủy lợi An Hải. Việc Công ty thủy lợi là đơn vị được giao quản lý, khai thác và bảo vệ nhưng lại ban hành văn bản “định đoạt” các công trình đó. Cầu đường là tài sản công, để doanh nghiệp dùng “lá bùa” này đối phó với sự kiểm tra của một số cơ quan, gây tác động tiêu cực làm hư hỏng công trình, liệu có vượt thẩm quyền, có đúng chức năng?

Tự ý xây dựng và vận hành trạm trộn bê tông khi chưa hoàn thiện thủ tục.

Trong thời gian nhiều ngày ghi nhận thực tế tại công trường, PV đã tận mắt chứng kiến trạm trộng bê tông tươi của dự án vận hành. Tại trạm này, luôn có 2 chiếc xe “ba chân” mang biển số 61.. phục vụ chở cát- đá ra vào. Các máy xúc và xe bồn phục vụ trạm cũng liên tục phục vụ và nhận bê tông từ trạm trộn này để phục vụ thi công trong khu vực dự án.

Toàn cảnh khu vực trạm trộn bê tông. (Ảnh : Nguyễn Phong)

Để làm sáng tỏ thông tin một cách khách quan, chúng tôi đã đăng kí làm việc với một số Sở- Nghành liên quan của tình Ninh Thuận. Qua trao đổi với ông Hồ Xuân Ninh, giám đốc Sở TN&MT tỉnh Ninh Thuận, ông Ninh cho biết: “Dự án Hạo Phương Đại Ninh đang vận hành trạm trộn bê tông nhưng chưa hoàn thiện thủ tục. Trong hồ sơ được phê duyệt ban đầu, đơn vị này không xây dựng phương án dựng trạm bê tông, tuy nhiên trong quá trình hoạt động đã xin bổ sung phương án xây dựng trạm. Cho đến thời điểm này ( tháng 8), hồ sơ môi trường vẫn chưa hoàn thành nhưng doanh nghiệp đã đưa trạm trộn vào hoạt động từ tháng 3/ 2023”.

Văn bản của Công ty thủy lợi Ninh Thuận. 

Thực tế, tại văn bản số 3221/STNMT-MT do Sở TNMT tỉnh Ninh Thuận ban hành ngày 4/7/2023 do ông Lê Khắc Huy Anh, PGĐ Sở ký, cũng thể hiện: Dự án được UBND tỉnh cấp Giấy phép môi trường số 46 GPMT-UBND ngày 30/8/2022 với công suất 04 tỷ con giống/ năm và theo Báo cáo đề xuất cấp Giấy phép môi trường, toàn bộ bê tông phục vụ xây dựng Dự án được Công ty mua từ bên ngoài. Nay Công ty thay đổi phương án từ mua bê tông ngoài sang phương án lắp đặt trạm trộn bê tông công suất 35m3/giờ ( Văn bản số 04/CV-HPĐN ngày 3-4- 2023) để cụng cấp cho dự án và khi trạm trộn bê tông đi vào hoạt động, Dự án sẽ tăng số lượng nguồn phát sinh nước thải, khí thải…

Văn bản số 3221 của Sở TNMT Ninh Thuận. 

Mục 2 của văn bản này cũng chỉ rõ : “ Theo báo cáo của Công ty ( tại Văn bản số 04/CV-HPĐN ngày 3-4- 2023) Công ty đã lắp đặt và đưa trạm trộn bê tông vào hoạt động từ ngày 1/3/2023. Việc Công ty lắp đặt và đưa trạm trộn vào hoạt động khi Dự án Đầu tư trại sản xuất tôm giống Hạo Phương Đại Ninh- Ninh Thuận chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường là vi phạm quy định điểm d khoản 4 Điều 30 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính Phủ.

Toàn cảnh dự án trại nuôi tôm giống Hạo Phương Đại Ninh. ( Ảnh: Nguyễn Phong)

Như vậy, sai phạm của Dự án xây dựng trại tôm giống Hạo Phương Đại Ninh đã rõ. Điều khó hiểu là mặc dù được xây dựng khi chưa đảm bảo thủ tục pháp lý nhưng trạm trộn bê tông này vẫn hoạt động ngang nhiên gần nửa năm nay mà không bị cơ quan chức năng “ tuýt còi”? Có hay không sự ưu ái bất chấp dành cho doanh nghiệp này? Chúng tôi xin chuyển câu hỏi trên đến các cơ quan liên quan thuộc UBND tỉnh Ninh Thuận.

Mạnh Hùng

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu