06:34 ngày 25/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Nhà thơ Hạnh Loan: “Sải cánh giữa chiêm bao” trên quê hương Hà Tĩnh

Ngân An | 09:32 05/12/2018

(THPL) - Sau khi ra mắt thành công ở Hà Nội, tối ngày 1/12, tại Trung tâm Thương mại và Khách sạn BMC, thành phố Hà Tĩnh, quê hương của nhà thơ Nguyễn Thị Hạnh Loan đã diễn ra chương trình thơ nhạc “Sải cánh giữa chiêm bao”, giới thiêu tập thơ cùng tên do nhà xuất bản Văn học ấn hành tháng 9/2018 của nhà báo, nhà thơ Nguyễn Thị Hạnh Loan, do Hội Liên hiệp văn học và nghệ thuật Hà Tĩnh tổ chức.

Tham dự chương trình có Tiến sỹ Trần Đình Đàn, Nguyên Ủy viên Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Tiến sỹ Võ Hồng Hải – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh, các đồng chí lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, các nhà văn, nhà thơ , nhạc sỹ nhà nghiên cứu, phê bình trên địa bàn, lãnh đạo Hội nhà báo Hà Tĩnh, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Tĩnh, Báo Hà Tĩnh, đại diện một số Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các cơ quan thông tấn báo chí và đông đảo người yêu thơ, đồng nghiệp, bạn bè, người thân của tác giả.

Đông đảo mọi người đến tham gia chương trình nhạc thơ Sải cánh giữa chiêm bao. 

Chương trình thơ nhạc “Sải cánh giữa chiêm bao” tại thành phố Hà Tĩnh đã diễn ra trong không khí ấm cúng và đầy cảm xúc . Tham dự chương trình có các nhà văn Phan Trung Hiếu, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Hà Tĩnh, nhà thơ Yến Thanh, Nhà thơ Lê Kim Phượng, Nhà nghiên cứu lý luận phê bình Hà Quảng, Tiến sỹ Văn học Nguyễn Trọng Đức, nhạc sỹ Quốc Việt, Nhạc sỹ Trần Nguyên Phú… cùng những người yêu thơ đã bày tỏ tình cảm chân thành, nồng ấm với tác giả Nguyễn Thị Hạnh Loan và tập thơ “Sải cánh giữa chiêm bao”.

Khách mời đến tham dự. 

Nhà báo, Nhà thơ Nguyễn Thị Hạnh Loan sinh ngày 21/7/1976 tại Thành phố Hà Tĩnh, là cử nhân Luật, Thạc sỹ Báo chí. Hiện chị là  Phó Trưởng phòng Thời sự - Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Tĩnh, hội viên Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Tĩnh. Trước đó, năm 2017, Nguyễn Thị Hạnh Loan đã để lại dấu ấn đặc biệt với độc giả khi cùng lúc xuất bản hai tập thơ “Hãy nói yêu khi hoa hồng nở” và “Khoảng trời sau cửa sổ”. Sau thành công của hai tập thơ, tháng 10 năm 2018, nhà thơ Nguyễn Thị Hạnh Loan tiếp tục ra mắt độc giả tập thơ thứ 3 có tên gọi “Sải cánh giữa chiêm bao” với số lượng in 1.500 bản sách và tái bản cuốn Hãy nói yêu khi hoa hồng nở với 500 bản sách.

 “Sải cánh giữa chiêm bao” là tập thơ gồm có 72 bài thơ, 13 bài hát do các nhạc sỹ phổ thơ Hạnh Loan với nhiều tên tuổi nổi tiếng trong làng âm nhạc Việt Nam như nhạc sỹ, NSUT Đỗ An, nhạc sỹ Quỳnh Hợp, Nhạc sỹ Lê Quốc Thắng, Nhạc sỹ Phạm Phương ….Đặc biệt có một số ca khúc do chính tác giả Nguyễn Thị Hạnh Loan phổ nhạc. Trong tập thơ “Sải cánh giữa chiêm bao”, tác giả Nguyễn Thị Hạnh Loan đã đề cập đến nhiều cung bậc của tình yêu, mà mỗi khung cảnh, thời gian lại đề cập một thông điệp, một thái độ sống, một cách ứng xử nhân văn. Sách được Họa sỹ, Nhà văn Đỗ Phấn vẽ tranh minh họa.

Chị sinh ra ở Hà Tĩnh. 

Phát biểu tại chương trình, nhà văn Phan Trung Hiếu, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Hà Tĩnh cho biết, Hạnh Loan là cây bút nữ quen thuộc đã xuất hiện tại Hà Tĩnh mấy chục năm trước đây từ khi là học sinh chuyên văn khóa 1, trường Trung học Phổ thông năng khiếu Hà Tĩnh, và chị đã từng đạt giải Nhì cuộc thi thơ học trò Hà Tĩnh lần thứ nhất năm 1992. Bẵng đi thời gian khá lâu, trong 2 năm gần đây chị liên tục cho ra đời 3 tập thơ, chứng tỏ một sức viết mãnh liệt và những thành công nhất định của chị.

Nhà nghiên cứu phê bình Hà Quảng lại chỉ ra những phát hiện mới về tình yêu táo bạo và bất ngờ, mang nét riêng trong cách nhìn và tứ thơ rất mới và hiện đại của Hạnh Loan, gây nên sự thích thú và hấp dẫn đối với người đọc. Ông khẳng định, thơ Hạnh Loan đứng được trong lòng độc giả là bởi sự mới mẻ, những nét riêng.  Nhà nghiên cứu cũng nhận xét, “ Sải cánh giữa chiêm bao” là một tập thơ lạ, vì Hạnh Loan viết không giống những tác giả khác, khiến ông có lúc bị choáng. Bởi nhiều câu viết rất độc đáo và dữ dội: Ví dụ : “Em đã hộc thành thơ rồi anh ạ, Máu tim anh quyện phủ huyết tim anh…” ( Xóa nợ). Hay là : Bỏ lại ta một kẻ cũ rích với những rụt rè định kiến/’ Kẻ tự buộc mình vào sợi đây cột chặt những thói quen bổn phận/ Và cả những vỏ bọc đạo đức dối lừa… (Chạy trốn)

    Ông cũng cho rằng: Thơ Hạnh Loan rất thành thực nhưng lại đượm sắc màu hiện đại. Đặc biệt, thơ Hạnh Loan có rất nhiều bài mang chiều sâu trí tuệ như : Tự làm mới mình bằng ly sượu say/ Trong cay đắng nhấm nháp nhiều vị ngọt/ Ta mới lạ mỗi khi ta sống hết/ Thấy mình cạn rỗng đáy chai/ Và ông nói : Hạnh Loan cho rằng như chai rượu cạn rồi mới tìm thấy điều mới mẻ, Tình yêu tột cùng đau khổ thì sẽ có sự thay đổi ”  . Rất nhiều bài thơ, Hạnh Loan biểu hiện đòi hỏi nữ quyền, ngang bằng trong tình yêu… Cho nên trong thơ Hạnh Loan không có sự yếu ớt, than thở, mà có sự mạnh bạo, mạnh mẽ. Và ông kết luận, độc giả trân trọng tác giả Hạnh Loan , không chỉ bởi Hạnh Loan là một phụ nữ tài hoa, nhà báo giỏi, một ca sỹ hát hay và xinh đẹp mà chính bởi là vì Hạnh Loan đã có những vần thơ chân thực, chạm đến trái tim người đọc, khiến người ta rung động. Ông nói thêm : Thành thật trong văn chương nghệ thuật rất quan trọng, bởi đó là yếu tố giúp trái tim đến với trái tim.


Còn Tiến sỹ văn học Nguyễn Trọng Đức thì cho rằng, cái đẹp nhất, hay nhất trong thơ Hạnh Loan chính là triết luận tình yêu, với một lối ứng xử văn hóa rất riêng, mang tính nhân văn. Đối với Hạnh Loan, trong tình yêu , dẫu buồn đau, mất mát, hạnh phúc , đổ vỡ như thế nào cũng tuyệt đối không có thù hận. Dường như chị đã tỏa ánh sáng tâm hồn của mình vào thơ ca, và chạm đến cảm xúc sâu xa từ trái tim của người đọc.  Cây bút phê bình trẻ của Hà Tĩnh còn tự tin cho rằng, Hà Tĩnh là một mảnh đất của thi ca nhạc họa, thời kỳ nào cũng có những văn nhân tầm cỡ. Hiện tại thì chưa có ai đạt tầm cỡ tác gia lớn, tuy nhiên, đọc thơ Hạnh Loan xét về tư tưởng, thì rất hy vọng đây là dấu hiệu khởi đầu cho một nhà thơ lớn.  

Cũng tại chương trình, Tiến sỹ văn hóa Võ Hồng Hải và Tiến sỹ Trần Đình Đàn thì cho rằng, sự đam mê thi ca , nghệ thuật của Hạnh Loan và cách mà Hạnh Loan kết nối thi ca, âm nhạc với độc giả đã rất thành công, góp phần đưa thơ Hạnh Loan đến với công chúng, được người đọc ghi nhận, đánh giá cao và nhận được sự mến mộ của mọi người.

Trước đó, trong lời tựa tập thơ Sải cánh giữa chiêm bao, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã cho rằng : “ Cái “đầm lầy” mà không ít các nhà thơ ở Việt Nam viết thơ tình thường bị sa vào đó là thiếu sự suy tưởng về tình yêu mà thừa cảm xúc thông thường. Chính vì lẽ đó mà khi lướt qua tập bản thảo Sải cánh giữa chiêm bao của tác giả Nguyễn Thị Hạnh Loan tôi thực sự lo lắng. Với một tập thơ khá dày mà hầu hết là thơ tình thì quả là một thách thức với nhà thơ. Nếu lại nước mắt tràn trề, lại trái tim tan vỡ, lại bờ môi rách nát, lại thề nguyền sống chết vì tình yêu...thì quả là một nguy cơ dẫn đến sự thất bại. Và thật may mắn, trong tập thơ Sải cánh giữa chiêm bao tác giả đã không sa vào cái “đầm lầy” ấy và vì thế tôi cũng không bị sa vào nó. Chị viết về tình yêu với nhiều cung bậc của cảm xúc, nhiều suy nghĩ về hạnh phúc lứa đôi, nhưng điều quan trọng nhất là mỗi bài thơ của chị đã gọi ra một điều gì đó của tình yêu bằng chính hình ảnh, hình tượng mà ngôn ngữ thi ca mang lại. 

Và ông khẳng định : Nguyễn Thị Hạnh Loan đã gọi tên được bằng thơ những triết luận tình yêu sau những cảm xúc yêu đương muôn thuở và quen thuộc của con người”  Và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã viết trong lời tựa cuốn sách, gọi tập thơ của Hạnh Loan là Một lối đi của hoa hồng.

Nhiều người yêu thơ đến dự cũng đã nhận xét về thơ Hạnh Loan và cách thức Hạnh Loan đem thơ đến với mọi người trong thời đại công nghệ số. 

Tại chương trình thơ nhạc Sải cánh giữa chiêm bao, nhiều người yêu thơ đến dự cũng đã nhận xét về thơ Hạnh Loan và cách thức Hạnh Loan đem thơ đến với mọi người trong thời đại công nghệ số. Đó là những bài thơ của chị thường được đăng trên facebook cá nhân luôn thường thu hút được số lượng like và bình luận lớn. Nhiều người bình luận cho rằng, họ đọc thơ Hạnh Loan và tìm thấy mình trong thơ của chị. Bên cạnh đó, việc ra mắt các cuốn sách ở Hà Nội và Hà Tĩnh với sự tham gia của các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình và độc giả yêu thơ là cách để Hạnh Loan kết nối, chia sẻ tình yêu thơ ca , âm nhạc với mọi người.

  Nhà báo, nhà thơ Hạnh Loan cũng đã bộc bạch suy nghĩ của mình về thi ca, nghệ thuật. Chị khẳng định vai trò của người đọc đối với tác phẩm, và nhấn mạnh : “ Người đọc chính là người sáng tạo tác phẩm lần thứ hai” . Chị tâm sự , chính sự yêu mến của độc giả đối với thơ Nguyễn Thị Hạnh Loan chính là nguồn cổ vũ to lớn cho những sáng tác của chị. Chị cũng nêu quan điểm của chị khi viết về tình yêu, đó là món quà tuyệt vời của Thượng đế dành cho con người. Tình yêu có sức mạnh cảm hóa và vượt lên cái chết.

Chương trình thơ nhạc Sải cánh giữa chiêm bao đã góp phần tôn vinh vẻ đẹp của thơ ca, âm nhạc, nghệ thuật trong cuộc sống hôm nay, làm sôi động thêm đời sống Văn hóa Nghệ thuật của Hà Tĩnh, vùng đất sản sinh ra nhiều nhà thơ nổi tiếng như Xuân Diệu, Huy Cận.. và đặc biệt của quê hương Đại thi hào Nguyễn Du, Uy viễn tướng công Nguyễn Công Trứ.  

Trong đêm thơ nhạc, khán giả cũng được thưởng thức các bài thơ của Hạnh Loan do chính độc giả yêu thơ Hạnh Loan trình bày, cùng các ca khúc do các nhạc sỹ phổ thơ Hạnh Loan như bài Quên của nhạc sỹ Phạm Phương, bài Anh hãy cứ gồ ghề như đá của Nhạc sỹ - NSUT Đỗ An và bài hát Từ ngày lạc mất anh, là bài do chính nữ thi sĩ, ca sỹ Nguyễn Thị Hạnh Loan sáng tác và biểu diễn. Hạnh Loan đã chứng tỏ mìnhcòn là một ca sỹ có giọng hát trầm ấm và đầy nội lực thu hút. Được biết, trước đó, Hạnh Loan từng đạt giải Ba tiếng hát Học sinh PTTH Toàn quốc năm 1993. Năm 2000, chị lại đạt Huy chương Vàng tại tiếng hát các nhà báo Toàn quốc. Và năm 2001, Hạnh Loan đã đạt giải Nhì tại cuộc thi giọng hát  Sao Mai Truyền hình Toàn quốc khu vực bắc Miền Trung và Tây Nguyên.

 Chương trình thơ nhạc Sải cánh giữa chiêm bao đã góp phần tôn vinh vẻ đẹp của thơ ca, âm nhạc, nghệ thuật trong cuộc sống hôm nay, làm sôi động thêm đời sống Văn hóa Nghệ thuật của Hà Tĩnh, vùng đất sản sinh ra nhiều nhà thơ nổi tiếng như Xuân Diệu, Huy Cận.. và đặc biệt của quê hương Đại thi hào Nguyễn Du, Uy viễn tướng công Nguyễn Công Trứ.  

Cũng trong chương trình thơ nhạc Sải cánh giữa chiêm bao, Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Thị Hạnh Loan đã dành số tiền bán sách ủng hộ cho quỹ chương trình “Vòng tay nhân ái” của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Tĩnh để sẻ chia một phần khó khăn của những mảnh đời bất hạnh trên quê hương Hà Tĩnh.

Ngân An

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu