11:47 ngày 29/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Nghề nuôi nghêu tại Tiền Giang đạt chứng nhận quốc tế ASC

15:18 16/11/2023

(THPL) - Nghề nuôi nghêu tỉnh Tiền Giang đạt chứng nhận ASC là một niềm vui lớn cho cộng đồng ngư dân, cũng là một cú hích “phá băng” thời kỳ suy thoái, giúp nâng cao giá trị, hình ảnh và đặc biệt là “sức cạnh tranh” của sản phẩm nghêu Việt trên trường quốc tế.

Tiền Giang là một trong những tỉnh có nghề nghêu phát triển tại Việt Nam từ rất sớm với tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững. Đến nay, toàn tỉnh có 187 hộ được Nhà nước cho thuê đất để nuôi nghêu với tổng diện tích 2.320ha, riêng huyện Gò Công Đông có 182 hộ với diện tích 2.200ha, góp phần giải quyết nhiều vấn đề kinh tế - xã hội của địa phương, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động.

Tuy có quá trình phát triển lâu dài nhưng nghề nuôi nghêu ở Gò Công Đông trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, dịch bệnh, giá cả bấp bênh thu nhập thiếu ổn định, đặc biệt trong bối cảnh “suy thoái kinh tế toàn cầu”, yêu cầu của thị trường nhập khẩu ngày càng cao.

Để nâng cao giá trị, thương hiệu sản phẩm nghêu Tiền Giang, năm 2011, UBND tỉnh đã chấp thuận cho triển khai đề tài khoa học công nghệ “Xây dựng vùng quản lý khai thác nghêu (Meretrix lyrata) tại Gò Công, Tiền Giang theo tiêu chuẩn của Hội đồng Quản lý biển (MSC - Marine Stewardship Council)”.

Nghề nuôi nghêu tại Tiền Giang đạt chứng nhận quốc tế ASC. Ảnh minh hoạ

Từ năm 2018, chương trình MSC nghêu tỉnh Tiền Giang tiếp tục được hỗ trợ bởi Dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu ở Việt Nam” do Liên Minh Châu Âu tài trợ, Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản Bền vững (ICAFIS), Tổ chức OXFAM tại Việt Nam thực hiện.

Sau thời gian dài nỗ lực, Vùng nuôi nghêu của Ban Quản lý Cồn Bãi huyện Gò Công Đông đã được Tổ chức Chứng nhận quốc tế toàn cầu (Control Union) đánh giá vào ngày 30 và 31/8/2023 và được cấp Giấy chứng nhận ASC vào ngày 07/11/2023.

Ngày 15/11/2023, tại huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, đã diễn ra Lễ trao chứng nhận và ký liên kết Chuỗi giá trị nghêu Tiền Giang. Chứng nhận ASC được trao cho vùng nuôi nghêu của Ban quản lý Cồn Bãi huyện Gò Công Đông. Chứng nhận theo tiêu chuẩn ASC là sự xác nhận cấp quốc tế đối với thủy sản được nuôi có trách nhiệm, giảm thiểu tối đa tác động xấu lên môi trường, hệ sinh thái, cộng đồng dân cư và đảm bảo tốt các quy định về lao động.

Theo ông Đinh Xuân Lập, Phó Giám đốc ICAFIS, cho biết Chứng nhận ASC là chứng nhận quốc tế, như là một tấm “thẻ thông hành” đưa nghêu Việt Nam đi vào nhiều thị trường khó tính như Châu Âu, Nhật Bản…Khi tuân thủ chứng nhận ASC cho sản xuất nghêu của tỉnh sẽ mang lại nhiều lợi ích: Nâng cao giá trị lợi nhuận nghêu khi xuất khẩu ra thị trường quốc tế, tạo đà phát triển cho nghêu của tỉnh nâng cao năng xuất, chất lượng đảm bảo cung cấp cho thị trường xuất khẩu.

Cùng với đó, tập trung nghiên cứu, áp dụng khoa học công nghệ trong quá trình sản xuất như: môi trường nước, thức ăn trong quá trình ương nuôi nghêu giống, quy trình thu hoạch nghêu giống, nghêu thịt bằng phương tiện cơ giới, xử lý nghêu sạch trước khi bán ra thị trường tiêu thụ, sản phẩm nghêu qua sơ chế, chế biến nhằm tạo ra sản phẩm nghêu đạt chất lượng, giá trị kinh tế cao.

Ông Lập khẳng định: "Thông qua quy trình kỹ thuật ASC, sẽ theo dõi quản lý được tình hình dịch bệnh, ô nhiễm môi trường và công tác cảnh báo để người nuôi nghêu chọn thời điểm thả nuôi, kích cỡ nuôi, thu hoạch vụ nuôi cho thích hợp mang lại hiệu quả kinh tế. Người nêu nghêu được tham gia tích cực vào quá trình xử lý rác thải bãi nuôi, nâng cao ý thức cộng đồng trong quản lý rác thải, chất thải độc hại vào môi trường; phục hồi hệ sinh thái biển qua việc quản lý phương tiện, ngư cụ khai thác gây cạn kiệt nguồn tài nguyên".

Đồng thời, sẽ tăng cường phối kết hợp với tổ quản lý cộng đồng, Hội đồng đánh giá nhuyễn thể hai mãnh vỏ huyện và chính quyền địa phương để kiểm tra, quản lý, theo dõi nguồn nghêu giống, sò giống sinh sản tự nhiên theo quy định pháp luật nhằm gia tăng nguồn lợi tự nhiên để tái tạo nguồn tài nguyên thiên.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ của Việt Nam 9 tháng năm 2023 đạt 98 triệu USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng xuất khẩu ngao đạt 62 triệu USD, giảm 19%. Sản phẩm ngao Việt Nam hiện đã có mặt và chinh phục gần 60 thị trường trên thế giới. Cùng với những lợi thế về sản xuất trong nước cộng với dư địa lớn về thị trường tiêu thụ, hướng đi bền vững, ngành hàng ngao kỳ vọng sẽ vươn tầm cao mới trong tương lai.

Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Việt Nam có các đối tượng nhuyễn thể có vỏ khá phong phú như: ngao, sò huyết, ốc hương, điệp, hàu… và cũng ngành hàng chủ lực đem lại giá trị kinh tế, tiềm năng phát triển. Riêng về ngao được nuôi nhiều ở các tỉnh như: Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh…

Nghề nuôi ngao phát triển đã khai thác một cách hiệu quả diện tích bãi triều ven biển. Diện tích nuôi ngao ước khoảng 15.700 ha, sản lượng ước đạt 190.000 tấn, năng suất đạt 11,82 tấn/ha. Thời gian vừa qua, nuôi ngao có nhiều giai đoạn thăng trầm, bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, tác động của ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, giá cả bấp bênh thu nhập thiếu ổn định, đặc biệt trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, yêu cầu của thị trường nhập khẩu ngày càng cao.

Để nâng cao giá trị, thương hiệu sản phẩm, nhiều địa phương đã có sự đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật để xây dựng các vùng nuôi ngao bền vững, đạt chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế như: MSC, ASC… Đến nay, có khoảng 3.000 ha ngao của các địa phương như: Ninh Bình, Nam Định, Trà Vinh và sắp tới là Tiền Giang đạt các chứng nhận bền vững trên.

Minh Đức (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu