17:12 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Xuất khẩu thuỷ sản gặp khó, giá tôm trong nước giảm mạnh

Mai Anh (t/h) | 16:47 16/06/2023

(THPL) - Hiện đang là mùa thu hoạch tôm chính vụ tại ĐBSCL, dù người nuôi trúng mùa nhưng giá tôm lại rất thấp. Người nuôi đang gặp rất nhiều khó khăn, không ít hộ lên kế hoạch không tiếp tục sản xuất.

Theo chia sẻ của ông Phạm Văn Chu - xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu, Bạc Liêu cho biết: "Tôm bây giờ rất rẻ và hiện tại bà con nuôi tôm chúng tôi đang rất là nao núng". Cụ thể, thương lái thu mua tôm thẻ loại 40 con/kg chỉ còn khoảng 100.000 đồng, giảm đến 60.000 đồng/kg so với thời điểm đầu năm. Tôm thẻ loại 70 con/kg giá cũng thấp, ở mức gần 110.000 đồng.

Còn anh Nguyễn Trọng Nam - xã Long Điền, Đông Hải, Bạc Liêu đang cố gắng thu hoạch những ao tôm cuối cùng thả sau Tết Nguyên đán, với một ao nuôi sản lượng ước đạt hơn 4 tấn tôm thương phẩm. Tuy nhiên, anh cho biết với cỡ 40 con/kg thương lái chỉ mua giá 100.000 đồng.

Giá tôm nguyên liệu giảm sâu không chỉ gây bất lợi trực tiếp cho nông dân, mà còn kéo theo hàng loạt hệ lụy một khi nhà nông treo ao, bỏ đầm. Đây cũng là lo lắng chung của các doanh nghiệp chế biến về vấn đề nguyên liệu trong thời gian tới.

Xuất khẩu tôm tiếp tục gặp khó, giá tôm trong nước lao dốc. Ảnh minh hoạ

Từ cuối năm ngoái đến nay, kim ngạch xuất khẩu thủy sản liên tục giảm, trong đó có ngành tôm. Trong năm tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái, khi chỉ đạt 1,2 tỷ USD. Tình hình tiêu thụ đến gần cuối quý II vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc về sức mua lẫn giá cả. Nguyên nhân thứ nhất là do lạm phát, suy thoái toàn cầu khiến người tiêu dùng Mỹ, EU thắt chặt hầu bao.

Bên cạnh đó, các nước như Indonesia, Ecuador thu hoạch tôm sớm, sản lượng tôm nuôi trúng mùa, cả về lượng và kích cỡ tôm lớn, cạnh tranh lớn với tôm Việt Nam. Các nước này cũng cung ứng với giá rẻ hơn tôm Việt Nam từ 1 USD - 2 USD/kg, khiến việc tìm đơn hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu tôm khó khăn.

Dự kiến, phải đến quý III/2023, việc tiêu thụ tôm trong nước sẽ khởi sắc hơn bởi thị trường sẽ vào giai đoạn cao điểm tiêu thụ ở EU, Bắc Mỹ; mùa lễ Tết ở Nhật Bản và sau đó là nhu cầu tập kết hàng cho đợt tiêu thụ cuối năm.

Liên quan đến xuất khẩu thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, dù nhiều khó khăn nhưng doanh nghiệp ngành thủy sản vẫn có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo việc làm cho người lao động, duy trì, đa dạng hóa thị trường và vượt rào cản thương mại. Tuy nhiên, ngành này vẫn cần bệ đỡ để lấy đà hồi phục trong năm tiếp theo.

"Việc này đã được Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, phải giảm lãi suất, tăng room, thời gian cho vay phải phù hợp với chu kỳ sản xuất của từng đối tượng. Trong điều kiện dự trữ, tập trung nguyên liệu thì thời gian dự trữ tương ứng với thời gian vay", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc sớm hoàn tất thủ tục ký nghị định thư về yêu cầu an toàn thực phẩm, kiểm dịch, kiểm tra đối với sản phẩm thủy sản, hỗ trợ doanh nghiệp gia tăng thị phần ở thị trường tỷ dân.

Mai Anh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu