18:30 ngày 27/07/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Kiến nghị làm rõ những bất cập trong hồ sơ mời thầu dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu

09:32 26/07/2024

(THPL) - Cho rằng có nhiều nội dung bất cập liên quan đến công tác đấu thầu gói thầu Thi công xây dựng công trình (bao gồm khảo sát và lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, dự toán) thuộc Dự án thành phần 2 (Km16+000 - Km27+430) thuộc cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1, một doanh nghiệp đã gửi đơn kiến nghị đến UBND tỉnh Tiền Giang để làm rõ.

Theo nội dung đơn kiến nghị của Công ty TNHH MTV Văn Sáu, Công ty này đang quan tâm đến gói thầu thi công đoạn từ Km16+000 - Km27+430 thuộc cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, có mã thông báo mời thầu số IB2400210513 đăng tải ngày 4/7/2024 do phát hành. Qua xem xét E-HSMT (hồ sơ mời thầu đối với đấu thầu rộng rãi qua mạng) và đối chiếu với quy định pháp luật, Công ty Văn Sáu cho rằng HSMT có nhiều điểm bất hợp lý.

Về phương thức lựa chọn nhà thầu, căn cứ theo khoản 1 điều 31 Luật đấu thầu 2023 (có hiệu lực ngày 1/1/2024), đơn vị này cho rằng phương thức “một giai đoạn 2 túi hồ sơ” đang được bên mời thầu áp dụng là không phù hợp với quy định pháp luật. Lý do gói thầu trên là gói thầu xây lắp thông thường, không thuộc trường hợp kỹ thuật cao theo quy định của pháp luật về khoa học, công nghệ. Do đó, Công ty Văn Sáu kiến nghị Chủ đầu tư, bên mời thầu thực hiện theo phương thức “1 giai đoạn 1 túi hồ sơ” theo đúng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 30 Luật Đấu thầu 2023.

Đại diện Công ty Văn Sáu cũng “hoài nghi” về năng lực của đơn vị đang tư vấn thẩm định E-HSMT. Theo kết quả tra cứu dữ liệu tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, đơn vị tư vấn thẩm định là Công ty TNHH MTV Xây dựng Phú Quý mới được thành lập ngày 22/11/2023 (chưa được 1 năm tính đến thời điểm hiện tại) và có vốn điều lệ 800 triệu đồng.

Thi công cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1.
Thi công cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1.

“Thành lập và hoạt động chưa tròn 1 năm thì khó có thể có đầy đủ năng lực kinh nghiệm đảm đương vai trò tư vấn thẩm định theo quy định”, ông Phạm Văn Bé Sáu - Giám đốc Công ty Văn Sáu thông tin, đồng thời đề nghị chủ đầu tư tiến hành lựa chọn lại đơn vị tư vấn đủ năng lực thẩm định E-HSMT theo quy định tại khoản 7 Điều 126 Nghị định số 24/2024 của Chính Phủ.

Bên cạnh đó, Công ty Văn Sáu cũng cho rằng, trong E-HSMT có nhiều yêu cầu về nhân sự, trang thiết bị và kinh nghiệm thực hiện hoạt động xây lắp tương tự không cần thiết và thiếu khách quan.

Đơn cử, tại Bảng 02 E-HSMT, số lượng cán bộ phụ trách kỹ thuật thi công phần đường yêu cầu là 8 người nhưng số lượng cán bộ giám sát lại lên đến 6 người; số lượng cán bộ phụ trách kỹ thuật thi công phần cầu là 8 người nhưng số lượng cán bộ giám sát cũng là 11 người. Nhà thầu cho rằng yêu cầu nhân sự tại các vị trí này là quá mức cần thiết bởi đây là các vị trí giám sát chất lượng, không trực tiếp thi công xây dựng. Việc này gây lãng phí nguồn lực do chi phí phải trả cho số lượng lớn cán bộ, kỹ sư giám sát trong thời gian dài là gánh nặng không nhỏ cho nhà thầu, trong khi dự toán gói thầu tư vấn giám sát thường không cao.

Về quy định liên quan đến kinh nghiệm thực hiện hợp đồng xây lắp tương tự, E-HSMT quy định nhà thầu phải có 1 công trình đường bộ (cấp I) có giá trị V1 là 467 tỷ đồng với tư cách là nhà thầu chính, nhà thầu quản lý hoặc nhà thầu phụ. Tuy nhiên, trong đó lại quy định công trình này phải có “nền mặt đường bê tông nhựa nóng giá trị >= 210 tỷ đồng, xử lý nền đất yếu bằng cọc xi măng đát và/hoặc bác thấm với giá trị phần khối lượng xử lý nền >= 92 tỷ đồng, hệ thống chiếu sáng, hệ thống thoát nước”.

Việc yêu cầu cụ thể giá trị của hạng mục kết cấu nền và xử lý đất yếu nhưng lại không yêu cầu giá trị của hạng mục chiếu sáng, hệ thống thoát nước là không đảm bảo tính cạnh tranh trong đấu thầu bởi các hạng mục này đều quan trọng như nhau. Hơn nữa, Công ty Văn Sáu cũng đặt nghi vấn rằng giá trị tổng các hạng mục này lại nhỏ hơn giá trị V1 (467 tỷ đồng) là có dấu hiệu tạo ra lợi thế cho một số nhà thầu, gây sự cạnh tranh không lành mạnh, làm hạn chế nhà thầu tham dự thầu.

Cũng liên quan đến mục kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự, có yêu cầu kinh nghiệm thực hiện công trình đường bộ cấp II có giá trị V2 chỉ là 35 tỷ đồng, trong khi yêu cầu đối với công trình III lại lên đến 680 tỷ đồng. Nhà thầu cho rằng đây là yêu cầu không phù hợp do giá trị thực công trình cấp III lại lớn hơn công trình cấp II và cấp II trong khi độ khó và quy mô đầu tư dự án thì ngược lại.

Với những điều đã nêu ra tại văn bản, Công ty Văn Sáu kiến nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Tiền Giang (chủ đầu tư) xem xét và làm rõ nhằm đảm bảo công tác đấu thầu công bằng, minh bạch và tuân thủ đúng pháp luật.
Gói thầu Thi công xây dựng công trình (bao gồm khảo sát và lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, dự toán) thuộc Dự án thành phần 2 (Km16+000 - Km27+430) Công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1 có giá 2.475,619 tỷ đồng, lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi qua mạng, thời điểm đóng thầu vào lúc 11h00, ngày 27/7/2024.

Dự án thành phần 2 có tổng mức đầu tư 3.855 tỷ đồng, do UBND tỉnh Tiền Giang là cơ quan chủ quản. Dự án có tổng chiều dài khoảng 11,43 km, trong đó đoạn thuộc địa phận Đồng Tháp dài khoảng 3,81 km và Tiền Giang khoảng 7,62 km.

Tuấn Nguyễn

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu