03:15 ngày 25/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Phó Thủ tướng chỉ đạo kiểm soát tốt diễn biến giá thị trường trong năm 2024

Tú Linh (t/h) | 19:06 31/01/2024

(THPL) - Chủ động và linh hoạt là hai yếu tố quan trọng trong quản lý, điều hành giá được Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đặc biệt nhấn mạnh; các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý để có biện pháp điều hành phù hợp.

Mới đây, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá, đã đặc biệt nhấn mạnh, không thể chủ quan trong công tác điều hành giá năm 2024. Năm 2024, nhiều yếu tố khó lường như biến động giá cả của một số mặt hàng thiết yếu (xăng dầu, thực phẩm, thiên tai, biến đổi khí hậu)..., do đó cần dự báo sát tình hình thực tế, hết sức cẩn thận, không được chủ quan, để sẵn sàng các phương án quản lý, điều hành giá phù hợp, kịp thời, hiệu quả.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các bộ, ngành phải chủ động hơn nữa, chuẩn bị tốt phương án điều hành giá các mặt hàng nhà nước định giá, các dịch vụ công thiết yếu, quan trọng theo lộ trình thị trường, đặc biệt là giá dịch vụ y tế, giáo dục, mặt hàng xăng dầu. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động trong việc tính toán, sớm chuẩn bị các phương án giá, lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng để tránh bị động trong triển khai chính sách;

Phối hợp với Tổng cục Thống kê đánh giá tác động đến CPI để từ đó thực hiện điều chỉnh giá các mặt hàng nhà nước quản lý theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định mức độ, thời điểm điều chỉnh phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát.

“Chủ động” và “linh hoạt” là hai yếu tố quan trọng trong quản lý, điều hành giá được Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đặc biệt nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý để có biện pháp điều hành phù hợp.

Chủ động và linh hoạt là hai yếu tố quan trọng trong quản lý, điều hành giá. Ảnh minh hoạ

Liên quan đến điều hành giá, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá và Bộ Tài chính - cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ, đã có kinh nghiệm trong điều hành, theo sát thực tiễn để dự báo giá cả thị trường. Trên cơ sở đó, cơ quan chức năng xây dựng các phương án, kịch bản điều hành giá cho từng tháng, quý, năm. Nhờ đó, liên tục trong 10 năm qua, lạm phát được kiểm soát thấp hơn mục tiêu đề ra, góp phần quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô.

Còn theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), năm 2023, các yếu tố tác động đến Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là: giá các nhóm dịch vụ giáo dục, nhà ở và vật liệu xây dựng, giải trí và du lịch, các mặt hàng thực phẩm, gạo và điện, dịch vụ y tế. Trong số các mặt hàng này, có nhóm mặt hàng tăng theo quy luật vào dịp lễ, Tết, như: thực phẩm, giải trí và du lịch; có nhóm mặt hàng tăng theo diễn biến giá thế giới, như: vật liệu xây dựng, gạo và nhóm mặt hàng do Nhà nước quản lý như: điện, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục... đã được điều chỉnh theo lộ trình.

Các yếu tố chính làm giảm CPI, bao gồm: giá nhiên liệu là xăng dầu và gas, là các mặt hàng có biến động phức tạp theo giá thế giới. Tính đến ngày 29/12/2023, liên Bộ Công thương-Tài chính đã có 37 lần điều hành giá xăng dầu, trong đó, mặt hàng xăng mới có 5 lần và dầu chỉ có 4 lần chi sử dụng Quỹ bình ổn giá.

Bên cạnh yếu tố làm tăng/giảm CPI nêu trên, công tác quản lý, điều hành giá của Chính phủ là một nhân tố quan trọng giúp kiểm soát lạm phát theo mục tiêu. Công tác này luôn được thực hiện chủ động, linh hoạt, quyết liệt, góp phần bình ổn giá, hạn chế tác động tiêu cực của mặt bằng giá đến phát triển kinh tế-xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân.

Ngay từ đầu năm, việc chủ động trong công tác dự báo, đánh giá tác động, xây dựng kịch bản điều hành giá và tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương là yếu tố then chốt giúp kiểm soát lạm phát năm 2023 ở mức thấp, tạo cơ sở cho việc triển khai đồng bộ các chính sách về tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác.

Trong năm qua, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp các bộ, ngành theo dõi sát nhằm nhận định các tác động từ tình hình dịch bệnh và diễn biến kinh tế, chính trị thế giới tác động đến thị trường trong nước; qua đó phân tích, đánh giá các yếu tố có thể tác động lên mặt bằng giá để xây dựng và cập nhật các kịch bản điều hành giá chi tiết theo từng quý và cả năm. Việc xây dựng kịch bản điều hành giá sát với thực tiễn là một trong các cơ sở quan trọng cho việc định hướng, triển khai chính sách tài khóa phù hợp, phối hợp cùng với các chính sách tiền tệ, thương mại và các chính sách kinh tế vĩ mô khác một cách hiệu quả hướng đến mục tiêu phục hồi tăng trưởng.

Năm 2024, nhiệm vụ, thách thức cho các cơ quan quản lý nhà nước là bám sát mục tiêu kiểm soát lạm phát và linh hoạt trong điều hành giá để đạt được ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục suy giảm, biến động địa chính trị gia tăng, xu hướng bảo hộ lan rộng. Trong đó, Bộ Tài chính cần chú trọng theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới để có những giải pháp ứng phó phù hợp; giám sát chặt chẽ biến động giá cả thị trường trong nước để tham mưu chính sách, kịch bản điều hành giá phù hợp, linh hoạt, kịp thời với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, nhất là thời điểm có biến động giá như lễ, Tết, điều chỉnh chính sách tiền lương...; điều hành chính sách tài khóa phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để góp phần kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Tú Linh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu