03:34 ngày 29/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Một số giải pháp nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024

15:33 24/01/2024

(THPL) - Theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam cần kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường; bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, ngoại giao kinh tế.

Năm 2024, Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng trong khoảng 6-6,5%. Theo một số chuyên gia, đây được xem là mục tiêu vô cùng thách thức trong bối cảnh nền kinh tế đang đối mặt với nhiều khó khăn. Nhiều định chế tài chính quốc tế dự báo, kinh tế toàn cầu năm 2024 có khả năng chỉ ở mức tăng khoảng 2,4-2,9% (giảm nhẹ từ mức khoảng 3% năm 2023). Trong khi đó, rủi ro tài chính, tiền tệ và nợ trên thế giới còn cao. Rủi ro an ninh năng lượng, an ninh lương thực, rủi ro chuỗi cung ứng còn hiện hữu…

Liên quan đến những thách thức của nền kinh tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng: Năm 2024, dự báo các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường chính trị - kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và tiếp tục tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Diễn biến bất lợi của thế giới, khu vực sẽ tiếp tục tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư… của Việt Nam. Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: Cơ cấu cầu thế giới thay đổi theo hướng tới “tiêu dùng xanh” tạo ra thách thức không nhỏ đối với các sản phẩm của Việt Nam trong việc đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, nguồn gốc xuất xứ.

Sản xuất kinh doanh, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn; sức chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn, hậu quả và tác động của dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài, cộng hưởng với những khó khăn, thách thức mới từ đầu năm 2023 đến nay; du lịch đối diện với nhiều thách thức… cũng tác động đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024.

Một số giải pháp nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024. Ảnh minh hoạ

Trước những thách thức trên, để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và 5 năm đã đặt ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, Việt Nam cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, bao gồm: Quán triệt, triển khai quyết liệt, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội, các ngành, lĩnh vực, vùng và địa phương… Quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch đã ban hành…

Bám sát tình hình, nâng cao chất lượng dự báo, triển khai linh hoạt, kịp thời, hiệu quả các giải pháp điều hành để ứng phó với tình hình phát sinh, bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tranh thủ cơ hội, thời cơ từ quan hệ đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện, nhất là với các nền kinh tế lớn nhằm huy động hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước để thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế, đổi mới sáng tạo.

Thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Phát triển các ngành, lĩnh vực mới về kinh tế số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành công nghiệp mới như chíp, bán dẫn… Thu hút nguồn lực tài chính xanh, tín dụng xanh ưu đãi; xây dựng và phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam cần tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược, nhất là đột phá về kết cấu hạ tầng chiến lược, nhất là đầu tư cho các dự án hạ tầng chiến lược, trọng điểm, có tính động lực, kết nối, liên vùng. Cùng với đó, nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ của nền kinh tế; cải thiện năng lực sản xuất trong nước, tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp FDI với khu vực trong nước; đa dạng hóa thị trường đầu ra, đầu vào nguyên vật liệu, công nghệ, làm chủ công nghệ, chuỗi cung ứng, bảo đảm cung – cầu hàng hóa thiết yếu, an ninh năng lượng, an ninh lương thực trong nước.

Kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường; bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, ngoại giao kinh tế.

Cũng liên quan đến kinh tế Việt Nam, trong một số dự báo vừa được các tổ chức cập nhật đã thể hiện cái nhìn lạc quan về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024. Cụ thể, theo Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2024 sẽ đạt 6% vào quý I và II/2024, trong khi cả năm 2024, mức tăng trưởng được dự báo đạt 6%, sau đó vượt lên 6,4% trong năm 2025. Lạm phát trong cả năm 2024 được dự báo sẽ ở mức 3,5%, trước khi giảm xuống mức 3,2% trong năm 2025 - thấp hơn mục tiêu là 4 - 4,5%.

Cũng với góc nhìn khá lạc quan, dự báo của Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI, kỳ vọng trong năm 2024, tăng trưởng GDP sẽ khởi sắc hơn khi đạt 6-6,5% với sự phục hồi của thương mại, tiêu dùng và đầu tư công. Chính phủ duy trì chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng khi thông điệp đưa ra vẫn tập trung vào tăng trưởng, do ổn định vĩ mô đã được đảm bảo. Tuy nhiên, tình trạng tăng trưởng chậm lại của kinh tế thế giới, cũng như các xung đột địa chính trị gia tăng là các rủi ro cần quan sát trong năm 2024. Trong ngắn hạn, sự chú ý sẽ tập trung vào chi tiết kế hoạch hành động của Chính phủ cho năm 2024.

Với góc nhìn thận trọng hơn, Ngân hàng Thế giới dự báo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024 đạt 5,5%. Do có mối quan hệ thương mại chặt chẽ giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm hơn sẽ có tác động tiêu cực đến cầu ở cả khu vực. Tăng trưởng khu vực sản xuất, chế tạo chậm lại ở Trung Quốc sẽ làm giảm thương mại khu vực, đặc biệt là với các nền kinh tế mở, hướng mạnh vào xuất khẩu như Malaysia và Việt Nam.

Thanh Mai (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu