17:32 ngày 18/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Các doanh nghiệp kiến nghị 5 giải pháp nhằm phục hồi và phát triển nền kinh tế

21:11 17/11/2023

(THPL) - Gia hạn và giảm thuế; Kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô; Rà soát cắt giảm các thủ tục hành chính, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; Thực hiện các gói tín dụng ưu đãi và hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý, minh bạch hóa thông tin là những kiến nghị của cộng đồng các doanh nghiệp tới Chính phủ nhằm góp phần phục hồi và phát triển nền kinh tế.

Tại báo cáo công bố Bảng xếp hạng VNR500 - Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2023 mới đây cho biết, những động thái hỗ trợ của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là điểm tựa quan trọng cho doanh nghiệp. Nhiều chính sách tài khóa lẫn tiền tệ nhằm mục tiêu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế được ban hành ở nhiều lĩnh vực như y tế, thị trường vốn, đất đai, bất động sản, du lịch…

Một số chính sách được nhiều doanh nghiệp đánh giá có những tác động lớn, tích cực kể đến như Nghị định 12/NĐ-CP về giãn hoãn thuế, tiền thuê đất, giảm một số thuế, phí năm 2023, chính sách giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng cuối năm… Đặc biệt, động thái 4 lần giảm lãi suất điều hành nhằm giảm lãi suất cho vay, góp phần tăng khả năng tiếp cận và cung cấp vốn cho nền kinh tế của NHNN, Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép cơ cấu lại nợ, giãn hoãn nợ và Thông tư 03/2023/TT-NHNN nới lỏng một số điều kiện về cho vay, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng đã tạo ra những tác động đáng kể đến triển vọng phục hồi của doanh nghiệp.

Trong một năm mà tiêu dùng và xuất khẩu đều chậm lại thì đầu tư càng được kỳ vọng là lực kéo mạnh mẽ thúc đẩy sự hồi phục của nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng.

Nguồn: Khảo sát doanh nghiệp thực hiện bởi Vietnam Report - Tháng 10/2023

Nhận thức được vai trò to lớn của các chính sách hỗ trợ, xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, giúp khơi thông các nguồn lực để tạo đà phát triển trong tương lai, một số giải pháp trọng tâm hỗ trợ được các doanh nghiệp kiến nghị bao gồm: Gia hạn và giảm thuế, Kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô, Rà soát cắt giảm các thủ tục hành chính, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, Thực hiện các gói tín dụng ưu đãi, Hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý, minh bạch hóa thông tin.

Trong thời điểm thị trường bấp bênh, doanh nghiệp sẽ càng chú trọng vào tín hiệu từ kinh tế vĩ mô để cân nhắc, quyết định kế hoạch đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Do đó, các doanh nghiệp mong muốn rằng trong năm 2024, Chính phủ sẽ tiếp tục ổn định tình hình kinh tế - chính trị - xã hội làm điểm tựa cho thị trường, tạo niềm tin cho người đầu tư, làm tiền đề phát huy hiệu quả các chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng, thúc đẩy đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các thị trường.

Cùng với giảm thuế, hoãn thuế, phí dịch vụ, các gói tín dụng ưu đãi, việc tận dụng tốt các FTA (Hiệp định thương mại tự do) đã ký kết, đẩy mạnh đàm phán, ký kết thêm các hiệp định mới, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp “gõ cửa” các thị trường mới tiềm năng cũng không kém phần quan trọng. Đặc biệt, việc rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh cũng như hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý, minh bạch hóa thông tin được nhận định là cơ sở quan trọng tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh, tích cực, khai thông cho các thị trường bị nghẽn trong năm qua như bất động sản hay trái phiếu doanh nghiệp, mở đường cho tăng trưởng kinh tế và sự phát triển bền vững.

Năm 2023 là một năm đầy thử thách để kiểm chứng sức bền của các doanh nghiệp. Hướng tới năm 2024 - năm bứt phá để hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2021-2025 của Chính phủ với mục tiêu tăng trưởng GDP được Quốc hội đặt ra là 6-6,5%, các doanh nghiệp đứng trước thời điểm để phục hồi và đón nhận những cơ hội quan trọng để thay đổi toàn diện. Thời điểm này, những nỗ lực kiên trì và khả năng thích nghi là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp đảm bảo nguồn doanh thu ổn định, bền vững trong giai đoạn khó khăn, đồng thời là nền tảng cho sự phục hồi mạnh mẽ hơn của doanh nghiệp trong năm 2024.

Tuấn Kiệt

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu