16:16 ngày 25/03/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 / 091.33.05.882 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

WB nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam lên 6,8% trong năm 2025

15:41 13/03/2025

(THPL) - Ngày 12/3, Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB) đã nâng mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,8% cho năm 2025 và 6,5% cho năm 2026.

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố báo cáo cập nhật kinh tế "Điểm lại", trong đó dự báo GDP thực của Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% vào năm 2025 và 6,5% vào năm 2026. Dự báo này cao hơn lần lượt 0,2% và 0,1% so với con số được đưa ra hồi tháng 1 vừa qua.

Theo báo cáo của WB, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024 được hỗ trợ nhờ sự phục hồi của xuất khẩu, do nhu cầu toàn cầu về các sản phẩm công nghệ gia tăng.

WB nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam lên 6,8% vào năm 2025. Ảnh minh họa

Phân tích về các động lực tăng trưởng chính của kinh tế Việt Nam, các chuyên gia WB nhận định: tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2024 được thúc đẩy bởi một số yếu tố quan trọng. Đầu tiên là sự phục hồi mạnh mẽ của xuất khẩu, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao. Kim ngạch xuất khẩu hàng điện tử tăng mạnh, đặc biệt là máy tính và linh kiện điện tử. Các mặt hàng này đóng vai trò then chốt trong sự phục hồi của ngành chế biến, chế tạo, giúp sản lượng công nghiệp tăng cao so với năm trước.

Bên cạnh xuất khẩu, tiêu dùng nội địa cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì tăng trưởng. Nhờ thị trường lao động được cải thiện và mức lương tăng, thu nhập khả dụng của người dân đã tăng lên, tạo động lực cho chi tiêu tiêu dùng. Dịch vụ du lịch và khách sạn cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao, với lượng khách quốc tế đạt 17,6 triệu lượt trong năm 2024, tăng 39,5% so với năm trước.

Thị trường bất động sản tuy chưa phục hồi hoàn toàn nhưng đã có những tín hiệu tích cực. Đầu tư công cũng đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng, đặc biệt là các dự án hạ tầng quy mô lớn như đường cao tốc, sân bay và hệ thống logistics.

Bên cạnh những yếu tố tích cực, các chuyên gia WB cho rằng, đà tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay dự kiến sẽ chậm lại. Những bất ổn chính đối với triển vọng tăng trưởng bao gồm tăng trưởng toàn cầu chậm hơn dự kiến và gián đoạn thương mại, đặc biệt là giữa các đối tác thương mại lớn của Việt Nam.

Báo cáo của WB khuyến nghị, để đạt được mục tiêu đã đề ra, Việt Nam cần có bối cảnh toàn cầu thuận lợi với lực cầu mạnh từ các đối tác thương mại chính như Hoa Kỳ, Châu Âu. Việt Nam cũng cần có điều kiện toàn cầu bên ngoài thông thoáng, ví dụ như lãi suất toàn cầu không giảm nữa.

Trong nước, cần có chính sách tài khóa hiệu quả hơn nữa, không chỉ tăng giải ngân đầu tư công mà cần tăng chất lượng đầu tư công - còn nhiều dư địa cho điều này. Mức nợ công cũng còn dư địa tài khoá để tăng, đặc biệt là các ngành hạ tầng giao thông, hạ tầng điện và phát triển về nguồn vốn con người.

Theo bà Nguyễn Thị Hương - Cục trưởng Cục Thống kê (Bộ Tài chính) thông tin, trong 2 tháng đầu năm 2025, sản xuất công nghiệp tăng trưởng tích cực và đạt mức tăng cao nhất của cùng kỳ trong 5 năm qua. Hoạt động thương mại, dịch vụ sôi động và duy trì mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm 2025 đạt 127,07 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xuất khẩu tăng 8,4%; nhập khẩu tăng 15,9%. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 1,47 tỷ USD.

"Nhiều hoạt động thu hút khách du lịch quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh ngay từ đầu năm 2025. Khách quốc tế đến nước ta trong tháng 2 đạt gần 1,9 triệu lượt người, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 2tháng đầu năm 2025, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 3,96 triệu lượt người, tăng 30,2%.

Những tín hiệu khởi sắc từ các hoạt động sản xuất kinh doanh, du lịch, thương mại đã tạo động lực nâng cao nguồn thu ngân sách nhà nước. Tính chung 2 tháng đầu năm 2025, thu ngân sách Nhà nước ước đạt 499,8 nghìn tỷ đồng, bằng 25,4% dự toán năm và tăng 25,7% so với cùng kỳ năm trước" - bà Hương phân tích.

Minh Anh

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu