01:04 ngày 25/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Tình trạng sạt lở ở Tây Nguyên khiến nhiều người dân lo lắng

Đức Anh (TH) | 11:40 06/08/2023

(THPL) - Hàng trăm cư dân Đăk Nông rất lo lắng khi tường nhà, mặt đất xuất hiện nhiều vết nứt và lan rộng, tình trạng này cũng xảy ra liên tiếp nhiều nơi khác ở các tỉnh Tây Nguyên.

Điểm sụt lún cạnh nhà dân ở xã Quảng Trực.

Những ngày qua, tại các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng, Đắk Lắk liên tục xảy ra sạt lở, nứt lún đất, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân. Tại nhiều nơi, hiện tượng nứt lún đất chưa dừng lại mà ngày càng rộng hơn.

Sau hai ngày rời khỏi bon Bu Krăk, xã Quảng Trực - nơi đất bị sụt lún, nứt kéo dài, chị P (30 tuổi) vẫn còn cảm giác thấp thỏm và chưa biết lúc nào có thể trở lại cuộc sống bình thường trong căn nhà của mình.

Được bố mẹ cho căn nhà cấp 4 ở bon Bu Krăk, mấy năm nay chị sống một mình và làm nương rẫy. Căn nhà lớn làm bằng gỗ, bếp được xây bê tông từ lâu, nhưng vẫn còn kiên cố, chưa có dấu hiệu nứt nẻ. Tuy nhiên, sau nhiều trận mưa kéo dài, sáng 1/8 chị bất ngờ thấy trên nền nhà, tường bê tông xuất hiện nhiều vết nứt. Một số vị trí rộng đến 5 cm.

Nước mưa theo vết nứt tạt vào, khiến căn bếp ướt nhẹp. Một lúc sau, chị P mới biết nhiều nhà dân trong xóm cũng bị tình trạng tương tự. Ngoài đường, cũng xuất hiện hàng loạt vết nứt. "Mấy chục năm sống ở đây, tôi chưa từng thấy cảnh tượng nay bao giờ", chị P nói và cho biết đã dời đến ở với bố mẹ cách đó hơn 10 km để tránh trú, theo sự vận động của chính quyền địa phương.

Đường tránh Ea H'leo bị sụt lún, nứt toác. 

Cách xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức khoảng 80 km, hôm 2/8, cơ quan chức năng cũng phát hiện hơn 20 m mặt đường quốc lộ 14 đoạn qua trung tâm thành phố Gia Nghĩa bị nứt. Nhà cửa dọc tuyến đường cũng bị nứt nẻ, buộc chính quyền phải di tản 48 người. Phạm vi ảnh hưởng của vị trí sụt lún khoảng 300 m. Cùng ngày, huyện Đăk Song ghi nhận thêm hai vết nứt dài chừng 300 m (rộng 20 cm-2 m) ở thôn 8, xã Trường Xuân và thôn 11, xã Nam Bình.

Cùng thời điểm, khu dân cư cạnh dự án hồ chứa nước Đông Thanh, huyện Lâm Hà cũng xuất hiện nhiều vết nứt khoảng 30 cm. Một số vị trí vết nứt rộng đến 50 cm, đất sụt lún sâu 1,5 m. Một số người dân ngụ xã Đông Thanh, cho biết đầu tư xây căn nhà hết 3,7 tỷ đồng, vừa mới tân gia hồi tháng 3. Tuy nhiên, sau nhiều trận mưa lớn, cả khu đất bị kéo xuống khiến căn nhà bị nứt tường, buộc gia đình ông và hàng xóm cũng phải rời đi để đảm bảo an toàn.

Trước đó, hôm 30/7, đất đá trên đèo Bảo Lộc tràn xuống vùi lấp trạm cảnh sát giao thông Madagui khiến 4 người tử vong, trong đó có 3 chiến sĩ. Theo thống kê, trên địa bàn hiện tỉnh này vẫn còn 163 vị trí bị sạt lở và có nguy cơ.

Lượng mưa quá lớn và kéo dài khiến sạt lở tại đèo Bảo Lộc.

Theo lãnh đạo xã Quảng Trực cho biết, vết nứt ở bon Bu Krăk ban đầu dài khoảng 200 m, sau đó lan rộng gần 1,5 km, kéo dài đến bon Bu Prăng. Đến hôm nay, vết nứt không tiếp tục lan dài, nhưng miệng vết nứt mở rộng thêm 2 cm và xuất hiện nhiều vết chân chim.

Để đảm bảo an toàn cho người dân, trước mắt chính quyền đã di dời khoảng 200 người dân. Đa số họ được bố trí ở tạm trong trường học, số còn lại đến nhà người thân tạm trú. "Nhiều người vẫn còn lo lắng, song địa phương đã trấn an, đồng thời cử lực lượng bảo vệ tài sản cho họ", ông Thuận nói.

Trong khi đó, chiều 3/8, sau khi kiểm tra tình trạng sụt lún quanh hồ thuỷ lợi Đông Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp yêu cầu phải quan trắc hàng ngày; tiếp tục thực hiện đồng thời các giải pháp kỹ thuật, kiểm tra địa chất để có hướng xử lý. Đồng thời, các sở ngành được yêu cầu mời các chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu, đánh giá, đưa ra kết luận cụ thể về tình trạng sạt lở, sụt lún trên địa bàn tỉnh.

Chuyên gia này giải thích, vết nứt thường bắt đầu từ trên đỉnh của khối trượt. Theo diễn biến này, nếu vết nứt rộng thêm, khả năng trượt sẽ càng cao. Trong vài ngày, nếu vết nứt phát triển từ 200 m đến hàng km, có nghĩa khối trượt đang dịch chuyển và nguy cơ sạt lở lớn có thể xảy ra. Hiện tượng trượt lở này có thể dự báo được và cơ quan chức năng về lâu dài cần xây dựng bản đồ dự báo cảnh báo sớm.

Theo cơ quan chức năng của 3 tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk và Đắk Nông, việc sạt lở, nứt lún đất diễn ra trong thời gian vừa qua một phần do lượng mưa quá lớn và kéo dài.

Hiện các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk và Đắk Nông đang tiếp tục theo dõi, khắc phục hậu quả, đồng thời giao cơ quan chuyên môn xác định nguyên nhân các vụ nứt đất, sụt lún nghiêm trọng nói trên.

Đức Anh (TH)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu