22:18 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Hạnh phúc ngọt ngào của vợ chồng khiếm thị

| 14:37 10/05/2018

(THPL) - Nhiều năm nay, ở thôn Thanh Ấm, thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội, người dân vẫn kể với nhau câu chuyện về nghị lực của vợ chồng chị Nông Thị Hợi (SN 1982) và anh Nguyễn Hữu Lai (SN 1968).

Không còn thấy mặt trời

Anh Lai và chị Hợi đang chăm sóc dỗ dành con gái 8 tháng tuổi.
Anh Lai và chị Hợi đang chăm sóc dỗ dành con gái 8 tháng tuổi.

Khi sinh ra, chị Nông Thị Hợi vẫn bình thường như bao đứa trẻ cùng trang lứa. Nhưng khi lên 3 tuổi, do mắc bệnh sởi, chị bị biến chứng và không còn thấy ánh sáng nữa. Thấy con như vậy, bố mẹ chị Hợi cũng không đành cho con đến trường vì lo lắng con không theo kịp các bạn bình thường khác. Chị không được đến trường, bạn bè gần nhà cũng không muốn chơi với một cô bé mù. Chị chỉ quanh quẩn ở nhà giúp đỡ bố mẹ một vài việc lặt vặt.

Đến năm chị 28 tuổi, được nhiều người giới thiệu việc làm tại một trung tâm bấm huyệt của người khiếm thị ở Hà Nội, chị thuyết phục bố mẹ cho xuống Hà Nội làm việc. Vốn sinh ra và lớn lên tại một bản thuộc vùng núi cao của tỉnh Lạng Sơn, bố mẹ chị Hợi rất lo lắng cho tình trạng của con mình nên ngần ngại. Nhưng thấy được mong muốn của con, mẹ chị Hợi quyết định theo con gái xuống Hà Nội xin việc và đi theo để tiện bề chăm sóc.

Anh Lai và chị Hợi đang dỗ dành con gái bé bỏng 8 tháng tuổi.
Anh Lai và chị Hợi đang dỗ dành con gái bé bỏng 8 tháng tuổi.

Làm việc được một thời gian, chị gặp anh Nguyễn Hữu Lai, một người khiếm thị cũng đang làm nghề bấm huyệt như chị. Anh Lai vốn là một người bình thường, nhưng mãi đến khi gần 30 tuổi, sau một tai nạn nghề nghiệp, anh bị mất đi đôi mắt. Gặp nhau một tháng ngắn ngủi, hai người chỉ nghe giọng nói của nhau mà trở nên cảm mến, nảy sinh tình cảm và mong muốn kết hôn với nhau.

Anh Lai tâm sự: “Từ khi ý thức được sự thiệt thòi của mình, tôi chưa bao giờ dám mơ tưởng đến người con gái nào. Nhưng khi gặp Hợi, cô gái có dáng người bé nhỏ, cũng có cùng cảnh ngộ khiếm thị cùng nụ cười luôn nở trên môi, lòng tôi bỗng xao động lạ thường. Chỉ biết trao gửi niềm thương qua nói chuyện tin nhắn điện thoại và may mắn được cô ấy đáp lại, tôi mừng vui không diễn tả thành lời”. Tình yêu dung dị của anh chị cứ thế lớn dần qua ngày tháng. Không lời mật ngọt, tình yêu của họ được nuôi dưỡng bằng sự đồng cảm, chân thành cùng một “ước mơ về ngôi nhà và những đứa trẻ”.

Viết nên một chuyện tình cổ tích

Anh Lai và chị Hợi hạnh phúc bên hai  cô con gái bé nhỏ của mình.
Anh Lai và chị Hợi hạnh phúc bên hai cô con gái bé nhỏ của mình.

Những tưởng cuộc sống đã mỉm cười, điều hai người không ngờ là cả hai gia đình đều cương quyết phản đối cuộc hôn nhân này. Lý do được đưa ra là một người mù đã rất khó khăn để sinh hoạt bình thường, cả hai người đều chung hoàn cảnh, sẽ lao đông ra sao, chăm sóc con cái thế nào. Không chịu chùn ý chí và từ bỏ hạnh phúc của đời mình, anh chị đã bàn kế hoạch giả có thai. May thay, tình yêu đã chiến thắng tất cả, để rồi năm 2014, họ chính thức đến với nhau… Niềm vui của vợ chồng anh Lai và chị Hợi tăng lên gấp đôi khi không lâu sau đó anh chị đón hai thiên thần: Nguyễn Phương Thảo (SN 2015) và Nguyễn Ánh Tuyên (SN 2017).

Một thời gian sau, em bé đầu ra đời, cũng là lúc khó khăn nhất với gia đình hai con người thiếu may mắn. Chị chỉ có thể làm những công việc lặt vặt trong nhà, còn lại việc chăm sóc con đều phải nhờ mẹ đẻ giúp đỡ. Khi con đủ tuổi theo học mẫu giáo, vợ chồng anh chị phải thuê một người xe ôm để đưa đón con đi học mỗi ngày.

Chị Hợi đang bấm huyệt cho khách tại quán của hai vợ chồng.
Chị Hợi đang bấm huyệt cho khách tại quán của hai vợ chồng.

“Ngày lên xe hoa về nhà chồng, họ hàng và bà con lối xóm xung quanh dị nghị nhiều lắm, thậm chí bố mẹ và em trai của tôi còn kịch liệt phản đối vì bản thân hai vợ chồng đều bị khiếm thị đến vệ sinh cá nhân còn khó chứ nói gì đến cuộc sống mưu sinh và chăm sóc con cái sau này. Nhưng bỏ qua tai tất cả, vợ chồng tôi quyết tâm đến với nhau. Khi nghe bác sĩ nói con sinh ra khỏe mạnh, kháu khỉnh và mắt sáng, vợ chồng tôi cảm thấy hạnh phúc. Giờ chỉ mong mình có sức khỏe để đi làm cho con có đủ cơm ăn, được đến trường.  Đối với vợ chồng tôi, con cái là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao nhất, là động lực để chúng tôi bước tiếp” - chị Hợi chia sẻ.

Nhớ lại những ngày còn đang ẵm ngửa đứa con đầu lòng, chị Hợi chia sẻ: “Những ngày đầu sinh con, Không nhờ cậy được gia đình nội ngoại ở xa, 2 đứa con đều một tay tôi ẵm bồng, chăm sóc. Ban đầu cũng lóng ngóng không biết nuôi con như thế nào, tất cả đều phải tự mình mò mẫm, riết cũng quen, hóa ra chăm con nhỏ cũng không khó lắm”. Khi con đến tuổi biết lẫy, biết bò, anh chị còn nghĩ ra cách đeo lục lạc vào chân con, con tập bò đến đâu thì cứ theo tiếng leng keng mà biết đường trông chừng. “Tôi chẳng mong gì hơn thấy chúng nó lớn lên khỏe mạnh, ngoan ngoãn là tôi mừng rồi. Đứa lớn năm nay cũng đã 3 tuổi, đứa bé cũng đã 8 tháng tuổi. Chúng nô đùa, hiếu động lám anh ạ” - Anh Lai nói không che giấu được sự tự hào đang dâng trào trong chất giọng – “2  đứa con tôi đặt tên là Phương Thảo và Ánh Tuyên với mong muốn sau này các cháu nhất định hiếu thuận với cha mẹ, thắng lợi trên cuộc sống nhọc nhằn mưu sinh”.

Chị Hợi và anh Lai đang chăm sóc dỗ dành con gái 8 tháng tuổi.
Chị Hợi và anh Lai đang chăm sóc dỗ dành con gái 8 tháng tuổi.

Đến nay, anh chị đã sinh được hai bé gái. Việc chăm sóc con cái vợ chồng chị phải trông cậy vào bà ngoại và những người hàng xóm. Hiểu và thương tình cho hoàn cảnh của anh chị, hàng ngày có người giúp đi chợ mua thức ăn, đồ đạc, có người lại giúp cho con cái ăn uống, thay đồ... Anh Lai tâm sự: “Cho dù chăm con có vất vả và phải nhờ cậy nhiều người, nhưng đối với tôi, hai con chính là điều quý giá nhất. Nếu hai cháu bị ốm đau, người đưa các cháu đi bệnh viện cũng không thể là hai vợ chồng. Vì vậy, hai vợ chồng cố gắng kiếm tiền để lo cho con, cho cuộc sống gia đình...”.

Hiện tại, để có đủ kinh tế lo cho cuộc sống và chăm sóc hai con, vợ chồng chị thuê mặt bằng và mở một cửa hàng bấm huyệt, tẩm quất nhỏ ở thị trấn Vân Đình (huyện Ứng Hòa, Hà Nội). Trung bình mỗi tháng, cửa hàng của anh chị cũng có khoảng 200 lượt khách và mang lại thu nhập hơn 10 triệu đồng một tháng. Trong những thời điểm đông khách, anh chị cũng phải thuê thêm những người khiếm thị khác cùng sinh hoạt tại Hội Người mù huyện Ứng Hòa để đảm bảo công việc, giúp tạo công ăn việc làm cho những người có hoàn cảnh kém may mắn như mình.

Mặc dù cả hai vợ chồng đều bị khiếm thị nhưng anh Lai và chị Hợi vẫn chăm sóc cho hai con gái bé bỏng.
Mặc dù cả hai vợ chồng đều bị khiếm thị nhưng anh Lai và chị Hợi vẫn chăm sóc cho hai con gái bé bỏng.

"Cuộc sống của vợ chồng mình giờ đây đơn giản lắm, có công ăn việc làm, có thu nhập mỗi ngày và ngày ngày được ngắm con yêu lớn lên. Con chính là động lực để vợ chồng mình cùng nhau cố gắng. Dù là người khiếm khuyết nhưng vợ chồng mình sẽ mang tất cả tình yêu thương để chăm sóc, nuôi dạy con thành người có ích sau này.", anh Lai chia sẻ.

Nghị lực của chị Hợi và anh Lai, cùng với gia đình hạnh phúc của họ, đã góp phần thắp sáng lên tia hy vọng cho nhiều hoàn cảnh khiếm thị khác. Cho dù cuộc sống đã không cho họ đôi mắt để nhìn, nhưng bằng nghị lực của mình, họ đã cảm nhận cuộc đời bằng trái tim để cùng nhau đi tìm và vun đắp tình yêu, tìm động lực sống và hạnh phúc gia đình. Để ngày hôm nay được nghe tiếng con khóc, nghe tiếng con bi bô tập nói, căn nhà nhỏ của anh chị lại rộn rã tiếng cười đầy hạnh phúc...

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu