06:44 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Hà Nội: 17 hộ dân có nguy cơ mất nhà sau hơn 30 năm sinh sống

Đại Vụ Nam | 10:06 23/06/2022

(THPL) - Đang sinh sống ổn định hàng chục năm trời, nhiều gia đình 3 đến 4 thế hệ bỗng nhiên có nguy cơ mất nhà, mất đất vì dự án liên quan đến công trình nhà văn hóa tổ dân phố số 3 Hòe Thị, phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Hoang mang sẽ không còn chỗ ở

Vừa qua, Tòa soạn Thương hiệu & Pháp luật nhận được phản ánh của người dân tổ dân phố số 3 Hòe Thị, phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) về việc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) để triển khai Dự án xây dựng Nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng. Tuy nhiên để thực hiện dự án này, 17 hộ dân tại đây sẽ phải bàn giao toàn bộ diện tích đất đã sinh sống yên ổn nhiều năm, nhiều thế hệ.

Đại diện các hộ dân trao đổi với phóng viên - Ảnh: Mạnh Nghiệp

Hộ bà Nguyễn Thị Liên, tổ dân phố số 3 Hòe Thị, phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm đã ra sinh sống trên thửa đất số 110, tờ bản đồ 22 này từ năm 1986. Theo bà Liên, từ năm 1989 đến 2010, nhà bà đã 3 lần xây dựng và cải tạo để có được căn nhà kiên cố như hiện tại nhưng chưa bao giờ bị chính quyền nhắc nhở hay lập biên bản vi phạm xây dựng trên đất sản xuất. Hiện, căn nhà có 3 thế hệ cùng chung sống với 3 sổ hộ khẩu, 9 nhân khẩu. Việc phải bàn giao toàn bộ diện tích đất này để xây dựng nhà văn hóa khiến cả gia đình bà hoang mang. Bà Nguyễn Thị Liên chia sẻ: “Tôi ở đây từ năm 1986, sau thời gian dành dụm đến năm 1989 bắt đầu xây dựng nhà ở, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đông anh em, không mua được đất giãn dân của xã, chồng tôi đi bộ đội, sau khi hoàn thành nghĩa vụ về quê hương không có việc làm chỉ làm ruộng. Giờ chính quyền thu hồi đất, chúng tôi sẽ không có chỗ ở, chúng tôi gia đình 3 thế hệ sẽ không biết sống như thế nào”. Tương tự như gia đình bà Liên, gia đình ông Nguyễn Thế Đông cùng nhiều hộ dân ở đây cũng đã làm nhà kiên cố và sinh sống ổn định trên đất nuôi trồng thủy sản và đất nông nghiệp trên 30 năm nay. Giờ nhà nước thu hồi toàn bộ nhà đất, nhưng không thuộc diện được tái định cư khiến họ lo lắng không còn chỗ ở.

Ông Nguyễn Thế Đông cho biết, tôi ở mảnh đất này từ năm 1986, thời điểm đó nhà ở trong làng không có chỗ ở, bố mẹ tôi nói ra đây vì là đất các cụ để lại, tôi xin ra từ năm 1986 với ăn lều nhỏ, đến năm 1990, tôi xây dựng nhà cấp 4, cuối năm 2007 tôi phá bỏ nhà cấp 4 để xây dựng nhà 3,5 tầng cho các con cháu sinh sống. Thời điểm tôi làm nhà, chính quyền địa phương không ngăn căn hay có văn bản gì yêu cầu dừng. Đến năm 2017, phường có thông báo về xây dựng nhà văn hóa, tôi nhất trí với việc này, nhưng với điều kiện tránh các hộ dân đang sinh sống ổn định nhiều năm, vì thực tế nếu thu hồi thì gia đình nhiều thế hệ, nhiều khẩu cùng sinh sống sẽ không biết ở đâu. Tôi thấy rằng khu vực vẫn còn rất nhiều đất công, đất để hoang hóa còn lớn.

Mong muốn ổn định cuộc sống

Chị Đinh Thị Hằng, tổ dân phố số 3 Hòe Thị cho rằng, việc xây dựng nhà văn hóa các hộ dân vẫn ủng hộ, nhưng đề nghị chính quyền sở tại dịch chuyển dự án xây nhà văn hóa sang khu đất công bên cạnh khu dân cư chúng tôi đang sinh sống.

Cũng như rất nhiều hộ dân khác, phần lớn các hộ dân tại khu vực tổ dân phố 3, phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm đều cho rằng, trên địa bàn phường còn rất nhiều diện tích đất công đã bị bỏ hoang nhiều năm nay không trồng cấy tăng gia sản xuất. Những địa điểm đó nếu bố trí để xây dựng nhà văn hóa thì sẽ thuận lợi cho sinh hoạt văn hóa cho các hộ dân. Vì vậy không cần thiết phải giải tỏa, giải phóng mặt bằng lấy đi diện tích nhà ở của 17 hộ gia đình đang sinh sống ổn định trên dưới 30 năm, trong đó gần 100 nhân khẩu cùng nhà cửa các công trình trên đất, làm xáo trộn cuộc sống của những gia đình ở đấy. Các hộ dân cho rằng với số dân khoảng 700 người, gồm hơn 200 hộ gia đình thì quy mô nhà văn hóa lớn và giải tỏa hơn 11.500 m2 (chi phí 15 tỷ đồng) đất là không cần thiết.

Thông báo Thu hồi đất cuả UBND quận Nam Từ Liêm

Được biết, Dự án xây dựng Nhà văn hóa tổ dân phố số 3, quận Nam Từ Liêm đã ra thông báo thu hồi đất đối với 17 hộ gia đình, với tổng diện tích 3.322,4m2. Hiện, phường mới công khai danh sách quy chủ sơ bộ các hộ trong chỉ giới GPMB. Các bước tiếp theo, phường sẽ tiến hành rà soát, nếu hộ dân nào không còn chỗ ở hợp pháp nào khác, hoặc khó khăn về nhà ở phường sẽ có đề xuất lên quận vấn đề này.

Có thể nói, việc xây dựng nhà văn hóa hay điểm sinh hoạt cộng đồng cũng là để nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân. Tuy nhiên việc cần một chỗ ở để ổn định cuộc sống của các hộ dân nơi đây là nhu cầu chính đáng rất cần được các cấp chính quyền quan tâm, đặc biệt là những hộ dân đã sinh sống hàng chục năm liền. 

Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, vào năm 1998, thực hiện chủ trương cấp đất giãn dân, xã Xuân Phương (nay được tách thành phường Phương Canh) đã bình xét được 91 hộ đủ tiêu chuẩn cấp đất, tuy nhiên các hộ này khi đó chưa đủ điều kiện. Việc các hộ xây dựng nhà trên đất nông nghiệp là trái quy định, nhưng để xảy ra tình trạng này trách nhiệm đầu tiên thuộc về chính quyền trước đây khi không kịp thời hướng dẫn, nhắc nhở, hay lập biên bản vi phạm nên đã gây ra những vướng mắc trong GPMB khi triển khai dự án. Và đây cũng không phải là câu chuyện hiếm khi thực hiện các dự án đầu tư xây dựng mà nguyên nhân là sự buông lỏng quản lý đất đai từ nhiều năm trước của không ít các địa phương trên địa bàn thủ đô.

Thương hiệu và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc!

Đại Vụ Nam

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu