19:36 ngày 18/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Doanh nghiệp Việt và bài toán nâng tầm thương hiệu cho nông sản

18:41 19/07/2022

(THPL) - Xây dựng thương hiệu cho nông sản không phải là câu chuyện mới nhưng luôn mang ý nghĩa thời sự, đặc biệt với Việt Nam - quốc gia xếp trong nhóm hàng đầu thế giới về xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp nhưng không có nhiều thương hiệu được định danh trên thị trường quốc tế.

Hiện ngành nông nghiệp đã và đang phối hợp với các địa phương xây dựng thương hiệu cho những mặt hàng nông sản có lợi thế để mở rộng thị trường xuất khẩu...Tuy nhiên, để có nhiều thương hiệu nông sản Việt Nam đứng vững trên thị trường trong nước và quốc tế thì doanh nghiệp Việt cần phát huy thế mạnh, tận dụng cơ hội và sớm giải được bài toán thương hiệu. 

Là một đất nước nông nghiệp, với nhiều mặt hàng nông sản có thế mạnh, Việt Nam luôn xếp top đầu trong các quốc gia xuất khẩu các mặt hàng gạo, cà phê, tiêu, các loại trái cây, cây công nghiệp và thuỷ sản. Thế nhưng sản phẩm nông sản của Việt Nam có thương hiệu trên thị trường quốc tế lại rất ít. Điều này làm giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông sản giảm đáng kể. Do đó, cả sản xuất và thương mại nông sản phải bắt đầu từ việc định hướng thị trường, gắn với quy hoạch vùng sản xuất và các giải pháp nhằm bảo đảm sự ổn định thị trường, đặc biệt là vấn đề xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Việt Nam luôn xếp top đầu trong các quốc gia xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp. Ảnh: Internet

Đơn cử như sản phẩm chè, hiện có tới 80% sản lượng chè sản xuất trong nước được xuất khẩu tới hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, song rất ít người tiêu dùng nước ngoài biết đến thương hiệu chè Việt Nam. Lý do là phần lớn chè của chúng ta được xuất khẩu ở dạng thô, rời, chưa được chế biến và gia công. Sau khi nhập về, các doanh nghiệp nước ngoài mới chế biến và sử dụng tên, thương hiệu của họ và bán dưới nhãn chè của nhiều nước như: Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc... Cà phê cũng vậy, chúng ta là quốc gia đứng thứ hai thế giới về sản xuất cà phê, trong đó đứng đầu thế giới về cà phê robusta, song vẫn chưa có thương hiệu cà phê của Việt Nam theo đúng nghĩa. Lý do là cà phê nước ta chủ yếu chỉ bán hạt cho các nhà rang xay lớn trên thế giới, sau đó họ chế biến, đóng hộp với thương hiệu của họ để bán cho người tiêu dùng với giá gấp nhiều lần giá mua vào…

Cạnh đó, nhiều địa phương và doanh nghiệp chưa thực sự thấy rõ vai trò và ý nghĩa của việc xây dựng cũng như bảo vệ thương hiệu hàng nông sản. Đặc biệt, hàng nông sản của Việt Nam còn chịu nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh khó kiểm soát… Thiếu sự đầu tư cho công tác tiếp thị, nghiên cứu thị trường… cũng là những yếu tố cản trở chiến lược xây dựng thương hiệu nông sản Việt.

Vì thế, việc xây dựng thương hiệu cho nông sản của Việt Nam rất cần phải có một đầu mối chung, đó chính là khai thác được thế mạnh của thương hiệu quốc gia gắn với các chỉ dẫn địa lý. Đây là một trong những định hướng mà rất nhiều quốc gia lớn trên thế giới đã làm và doanh nghiệp Việt cần nghiên cứu và xây dựng chiến lược cho phù hợp. 

Báo Hà Nội mới đưa tin, để mở rộng thương hiệu nông sản quốc gia, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho hay, Bộ đang triển khai Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản đến năm 2030 (Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 174/QĐ-TTg ngày 5/2/2021), trong đó bao gồm kế hoạch xây dựng thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chủ lực. Bộ NN&PTNT cũng sẽ tăng cường phối hợp với địa phương, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng: Hạt điều, chè, cà phê...; xây dựng vùng sản xuất quy mô lớn, bảo đảm việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ… đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu.

Có thể nói, việc nâng tầm giá trị, phát triển thương hiệu nông sản Việt gắn với khai thác yếu tố vùng miền không chỉ giúp các địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn góp phần nâng cao đời sống người nông dân.

Theo báo Nông nghiệp Việt Nam, trước đó tại kì họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Hoan cho rằng ngành nông nghiệp không đứng yên mà chủ động thích ứng với sự thay đổi. Tuy vậy, nền nông nghiệp đang đứng trước ba biến gồm biển đối khí hậu, biến đổi thị trường - có thị trường mở ra, có thị trường đóng lại cùng với cánh cửa hàng rào kỹ thuật, biến chuyển xu thế tiêu dùng trên thế giới, không chỉ ăn no mà phải là sản phẩm sạch.

"Những yếu tố đó cần có khoảng thời gian để nâng cao năng lực sản xuất với nông nghiệp, khi một ngành chỉ đa phần sản xuất. Tôi hoàn toàn đồng ý và chia sẻ với ý kiến của đại biểu, cá nhân tôi cũng thấy chưa làm hết trách nhiệm, nhưng thông qua vấn đề của đại biểu chúng tôi sẽ nghiên cứu và trả lời đại biểu sau", ông Hoan nói.

Tú Anh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu