19:44 ngày 28/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Hướng đi nào giúp nông sản Việt vươn tầm quốc tế?

07:29 20/04/2022

(THPL) – Dù nông sản Việt đã thâm nhập được khá nhiều thị trường lớn và khó tính nhưng nhiều mặt hàng có chất lượng chưa ổn định, chưa hoàn toàn đáp ứng các tiêu chuẩn cao của thị trường lớn nên thường gặp khó khăn trong các đợt kiểm tra về chất lượng, an toàn thực phẩm, dịch bệnh.

Liên quan đến thông tin trên, ông Trần Mạnh Báo - Tổng giám đốc Tổng công ty giống cây trồng Thái Bình thừa nhận, xuất khẩu nông sản còn nhiều thách thức. Đơn cử, thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam hiện nay đang đối diện với các hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật (tiêu chuẩn chế biến bảo quản gạo, chất lượng sản phẩm gạo).

Chưa có sự chuyên môn hóa và hợp tác phát triển giữa các doanh nghiệp trong từng khâu: từ nghiên cứu phát triển giống gạo cho đến chế biến, xuất khẩu gạo thành phẩm…

Nhận định về nông sản Việt, tạp chí Tài chính đưa tin, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, hơn 80% hàng nông sản được bán ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài. Do chưa có thương hiệu nên khi xuất khẩu ra các thị trường lớn, sức cạnh tranh của nhiều loại nông sản rất kém.

Nguyên nhân của tình trạng nông sản Việt "sống tầm gửi" thương hiệu nước ngoài là do công nghệ trước và sau thu hoạch còn lạc hậu. Việc tham gia chuỗi từ khâu sản xuất, chế biến đến khâu marketing, phân phối và tiêu thụ còn hạn chế...

"Do đó, để thương hiệu thực sự bền vững, nông sản phải đáp ứng được hai yêu cầu quan trọng, đó là chất lượng và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Để đáp ứng được hai yêu cầu này, cần xây dựng những quy chuẩn phù hợp với yêu cầu của từng thị trường xuất khẩu. Có như thế chúng ta mới mong xây dựng thương hiệu bền vững cho nông sản Việt", Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đề xuất.

Chế biến, sơ chế hoa quả để giữ được sản phẩm tươi ngon ngay sau khi thu hoạch là yêu cầu căn bản cho xuất khẩu nông sản. Ảnh: Internet

Trong diễn biến liên quan, bà Lê Hoàng Oanh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương kiến nghị, đổi mới công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ kết nối doanh nghiệp xuất khẩu và tăng cường xây dựng thương hiệu cho hàng nông sản.

Song song với các phương thức xúc tiến thương mại truyền thống, cần nghiên cứu tổ chức tuần hàng hoặc lễ hội hàng nông sản đặc sắc Việt Nam trong và ngoài nước để tuyên truyền. Căn cứ nhu cầu, đặc điểm thị trường xuất khẩu, nghiên cứu xây dựng thương hiệu, bao bì riêng cho hàng nông sản Việt Nam tại từng thị trường cụ thể.

Trước đó, trong một hội nghị của ngành nông nghiệp Việt Nam cuối năm 2021, Thủ tướng Chính phủ bày tỏ: “Các sản phẩm Việt Nam chưa xây dựng được các thương hiệu quốc gia mang tầm quốc tế”.

Tuy chúng ta làm được một số việc nhưng còn rất nhiều việc phải làm để xây dựng thương hiệu hàng hoá nông sản Việt Nam. Vậy việc xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam đang gặp phải những khó khăn trở ngại gì? Đó là bài toán cần lời giải sớm trong 5-10 năm tới để nông sản Việt có thể đi xa hơn.

Liên quan đến nội dung trên, theo báo Tin tức, ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay, thị trường nông sản, công nghiệp chế biến nông sản vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: chưa đáp ứng được yêu cầu đầu ra cho khâu sản xuất nguyên liệu, gia tăng giá trị hàng nông sản qua chế biến còn thấp; dây chuyền thiết bị cũ, công nghệ còn lạc hậu, sản phẩm đơn giản, tiêu hao nhiều nguyên liệu và năng lượng… Lượng rau quả, thịt được đưa vào chế biến chỉ chiếm 5 - 10% sản lượng hằng năm. Các sản phẩm như: mía, lúa gạo, cà phê, tiêu, điều, sắn, thủy sản… không đủ công suất chế biến khi vào chính vụ.

Trong khi đó, bảo quản sau thu hoạch vẫn là khâu yếu. Tổn thất sau thu hoạch còn lớn, tùy lĩnh vực nhưng giao động từ 10 - 20%. Cơ sở vật chất như phương tiện chứa đựng, tích trữ, kho bảo quản còn thiếu thốn, không phù hợp; công nghệ bảo quản tiên tiến chưa được nghiên cứu, chuyển giao áp dụng nhiều trong thực tiễn.

Trên đây là một trong những nguyên nhân làm cho người sản xuất hàng hoá ít quan tâm tới việc xây dựng thương hiệu. Mặt khác 80% các sản phẩm nông sản Việt Nam hiện nay tiêu thụ chưa qua chế biến sâu vì vậy thu được giá trị gia tăng rất thấp. Trong lĩnh vực bao bì đóng gói, giới thiệu hàng hoá trên bao bì sản phẩm chưa hấp dẫn đối với khách hàng trong và ngoài nước.

Trước thực trạng trên đòi hỏi phải có một chiến lược phát triển thương hiệu để hàng hoá nông sản Việt Nam vươn xa hơn.

Từ năm 2008, Chính phủ đã phê duyệt lấy ngày 20/4 hàng năm là ngày thương hiệu quốc gia, chính là để tôn vinh, quảng bá những thương hiệu hàng hoá Việt Nam tại thị trường nội địa cũng như xuất khẩu và chương trình Thương hiệu quốc gia 2020-2030 với nội dung gắn kết thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp với các hoạt động thu hút đầu tư quảng bá văn hoá du lịch.

Dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự hỗ trợ của các bộ ngành liên quan cùng các địa phương có sản phẩm, chắc chắn trong thời gian không xa, thương hiệu hàng hoá nông sản Việt Nam sẽ vươn xa, đứng vững ở thị trường nội địa và vươn tầm quốc tế. 

Tú Linh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu