00:17 ngày 30/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Doanh nghiệp ngành gỗ vẫn gặp khó trong những tháng cuối năm 2023

20:46 31/07/2023

(THPL) - Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ còn phải đối mặt với các quy định, yêu cầu mới từ thị trường Liên minh châu Âu (EU)... Do vậy, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong những tháng cuối năm sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 6/2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,1 tỷ USD, tăng 3,7% so với tháng 5/2023, nhưng giảm 23,3% so với tháng 6/2022. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 6,1 tỷ USD, giảm 28,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 4,1 tỷ USD, giảm 32,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, xuất khẩu tới thị trường Hoa Kỳ chiếm 54% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, đạt 3,3 tỷ USD, giảm 33% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới Hoa Kỳ giảm mạnh khiến ngành gỗ khó đạt được mục tiêu đạt 18 tỷ USD trong năm 2023.

Trước kết quả trên, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập cho biết: Mặc dù xuất khẩu gỗ giảm mạnh trong nửa đầu năm 2023 nhưng vẫn có nhóm hàng tăng trưởng. Đơn cử như mặt hàng ván sợi có kim ngạch xuất khẩu sang Ấn Độ đạt gần 32 triệu USD, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Hay mặt hàng dăm gỗ, nửa đầu năm 2023, xuất khẩu đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2022. Trung Quốc và Nhật Bản vẫn là 2 thị trường chính tiêu thụ dăm gỗ xuất khẩu từ Việt Nam, trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm trên 70%.

Doanh nghiệp ngành gỗ vẫn gặp khó trong những tháng cuối năm 2023. Ảnh minh hoạ

Và để đạt mục tiêu xuất khẩu lâm sản và gỗ đạt 18 tỷ USD như kế hoạch đề ra, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam khuyến cáo các doanh nghiệp cần tìm hướng đi riêng biệt, đổi mới mẫu mã sản phẩm, tăng cường sản phẩm đồ gỗ theo nhu cầu thị trường, đồng thời phát triển thị trường ngách để duy trì tăng trưởng.

“Các doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, trong đó tập trung vào tiêu chí giá sản phẩm phải tốt; sản phẩm phải phù hợp với thị hiếu; sản phẩm phải đạt chất lượng và có chính sách hậu mãi tốt. Cùng với đó, đẩy mạnh sản xuất sản phẩm sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước để giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm” - ông Đỗ Xuân Lập khuyến cáo.

Liên quan đến ngành gỗ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị cho biết, Bộ đã chỉ đạo ngành Lâm nghiệp tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả giải pháp phát triển bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ. Song song đó, phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại, kiểm soát chặt chẽ gỗ nhập khẩu từ các nước có nhiều rủi ro.

Đặc biệt là bám sát, xây dựng kịch bản điều hành về xuất, nhập khẩu, bảo đảm mục tiêu đề ra năm 2023; tiếp tục phối hợp các đơn vị, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản phát triển thị trường xuất khẩu lâm sản phù hợp với luật pháp quốc tế.

Hiện Việt Nam xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang hơn 140 quốc gia. Cùng với sự nỗ lực từ phía các cơ quan chức năng, về phía các doanh nghiệp phải chuẩn bị sẵn sàng khi thị trường ấm lên. Đây cũng là giai đoạn doanh nghiệp cần nhìn lại để tái cơ cấu sau nhiều năm phát triển và tăng trưởng nóng. Đáng nói, hiện nay có tình trạng doanh nghiệp chủ yếu gia công và xuất khẩu qua các nhà buôn lớn mà chưa có được thương hiệu riêng, vì vậy, doanh nghiệp cần thiết phải đầu tư xây dựng thương hiệu để đi đường dài.

Nhìn chung, nhu cầu thị trường gỗ toàn cầu gia tăng mỗi năm từ 7-8%, tức là ta còn nhiều dư địa, cơ hội phát triển trong tương lai. Do đó, các chuyên gia cho rằng, khó khăn hiện nay chỉ là nhất thời, do khó khăn chung của thị trường. Thị trường có thể ấm lên khi lạm phát được kiểm soát, nhu cầu của các thị trường ấm trở lại.

Trước đó, khi đề cập về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) Tô Hoài Nam cho rằng: Chính phủ và các bộ, ngành cần khẩn trương tiến hành đối thoại công - tư nhằm phân tích các giải pháp tối ưu thị trường, tìm kiếm thị trường thay thế hoặc bổ sung trong bối cảnh nhiều thị trường truyền thống xuất khẩu gặp khó khăn. Trong quá trình này, cần chú trọng phân tích các xu hướng và yêu cầu mới phát sinh, nhất là xu hướng thiết lập các hàng rào kỹ thuật gắn với mục tiêu xanh hóa, giảm phát thải do các liên minh đang thúc đẩy trên phạm vi toàn cầu.

Với giải pháp trước mắt, điều quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp là duy trì dòng tiền. Ngoài các phương án thu hẹp sản xuất, tiết giảm chi phí, doanh nghiệp cần được hỗ trợ nhiều mặt về chính sách. Cùng với đó, Nhà nước nên khẩn trương có các thông tư hướng dẫn, thi hành các Nghị định hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn. Hiện, các văn bản mặc dù đã ban hành nhưng không có thông tư hướng dẫn về giải ngân, vay vốn nên việc thực thi bị chậm trễ.

Phương Anh (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu