12:37 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Doanh nghiệp ngành gỗ cần tận dụng cơ hội, nỗ lực vượt khó trong năm 2023

Hải Long (t/h) | 21:13 16/02/2023

(THPL) - Trong bối cảnh thị trường giảm cầu và khó đoán định như hiện nay, các doanh nghiệp ngành gỗ cần triển khai đồng loạt các giải pháp, nỗ lực vượt khó, đón đầu cơ hội phục hồi trong năm 2023.

Tại báo cáo mới đây của Tổng cục Lâm nghiệp, năm 2022, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam ước đạt gần 17 tỷ USD, tăng 6,1% so với năm 2021. Dù kịp cán mốc mục tiêu xuất khẩu đề ra nhưng đây lại là bước lùi sau chục năm liên tục duy trì tăng trưởng hai con số.

Hiện xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam có quy mô lớn thứ 5 thế giới, trong đó tăng trưởng chính bằng hai mảng là nguyên liệu trung gian và chế biến sâu - tức đồ nội thất. Chủ tịch Hiệp Hội Gỗ Và Lâm Sản Việt Nam (Vifores) Đỗ Xuân Lập ví hai mảng này như "hai chân" của tăng trưởng ngành gỗ. Tuy nhiên năm ngoái, ngành này phải tăng trưởng bằng một chân là nguyên liệu trung gian (với khoảng 8 mã hàng từ ván ép đến viên nén, dăm gỗ). Các thị trường Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn mua nhiều viên nén và dăm gỗ của Việt Nam năm qua.

Trong khi đó, mảng chế biến sâu - tức đồ nội thất - suy giảm do lạm phát, suy thoái, thắt chặt chi tiêu ở các thị trường chính như châu Âu, Mỹ. Theo Vifores, xuất khẩu nội thất nửa đầu năm 2022 vẫn tăng trưởng 15-20%. Tuy nhiên, đơn hàng giảm sâu trong thời gian còn lại, với quý IV giảm đến 50%. Đến nay, các doanh nghiệp đã có đơn hàng trở lại trong tháng 1/2023. Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hawa dự báo tháng 4, đơn hàng sẽ phục hồi đáng kể, khoảng 70% so với trước.

Doanh nghiệp ngành gỗ cần tận dụng cơ hội, nỗ lực vượt khó trong năm 2023. Ảnh: Internet

Đại diện công ty Minh Đức, một nhà nhập khẩu và cung cấp nguyên liệu ngành nội thất cho hay tình hình đầu năm nay có khởi sắc hơn. "Chúng tôi đang tìm nguyên liệu cho các nhà máy đặc thù, phục vụ phân khúc thị trường cao cấp. Công ty còn tồn tại và phát triển đến giờ này cũng nhờ những dòng cao cấp từ châu Âu và Mỹ", ông nói.

Còn ông Đỗ Xuân Lập cho rằng thị trường nội thất nội địa với quy mô 5-6 tỷ USD cũng đáng lưu tâm. Thị trường này có nhu cầu lớn và vẫn nhập khẩu nhiều từ nước ngoài. "Khi đơn hàng quốc tế giảm sút, các doanh nghiệp tìm giải pháp quay về thị trường nội địa như là kênh hỗ trợ tốt", ông Lập nhận định.

Nhận định về thị trường đồ gỗ, ông Vũ Quang Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần TEKOM cho biết, từ giữa năm 2022, kinh tế thế giới khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu làm các doanh nghiệp đau đầu vì thiếu đơn hàng. Đến đầu năm 2023, không ai dự báo được thị trường thời gian tới sẽ phát triển như thế nào bởi thị trường nội địa đang bị ảnh hưởng từ việc bất động sản “đóng băng” còn xuất khẩu giảm sút hẳn do lạm phát.

Nhưng trong nguy luôn có cơ, doanh nghiệp ngành gỗ vẫn đang nhìn thấy nhiều cơ hội từ thách thức. Điển hình như với ván ép, hiện nay thị trường xuất khẩu chính là Mỹ đang gặp khó khăn nhưng đang có cơ hội tại châu Âu. Xung đột quân sự Nga - Ukraine khiến châu Âu hụt nguồn chung chính từ Nga và cần tìm nguồn cung ván nhân tạo để bù vào khoảng trống khá lớn này.

Đây là cơ hội để doanh nghiệp chế biến gỗ các quốc gia khác tham gia chuỗi cung ứng mới, nếu đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của thị trường thì doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành ứng viên thay thế. Tương tự với sản phẩm nội thất, tủ bếp, doanh nghiệp đã bắt đầu đón nhận những tín hiệu mới từ từ thị trường Mỹ nhưng cũng phải đề phòng các rủi ro về phòng vệ thương mại liên quan đến xuất xứ hàng hoá.

Ông Huy nhấn mạnh: "Nguy và cơ luôn song hành, nhiệm vụ của các doanh nghiệp hiện nay là lựa chọn góc nhìn, chọn hướng đi nào để đón cơ, tránh nguy. Thị trường hàng hoá luôn có tính chu kỳ, sau giảm sẽ tăng. Chủ động thích ứng để vượt qua khó khăn, doanh nghiệp sẽ đón được cơ hội khi thị trường phục hồi.”

Hải Long (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu