15:09 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ thực hiện tốt công tác bảo vệ nguồn nước

Đỗ Khuyến | 09:58 04/03/2023

(THPL) - Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ là đơn vị quản lý, sử dụng nguồn nước sông Đa Độ dài 48,6 km, bắt nguồn từ cụm công trình đầu mối cống Trung Trang, xã Bát Trang, huyện An Lão, cuối nguồn là cụm công trình cống tiêu Cổ Tiểu, xã Đoàn Xá huyện Kiến Thụy. Dọc theo hai lưu vực hệ thống quản lý là 266 công trình kênh, 73 cống dưới đê, 151 trạm bơm điện, 549 công trình trên kênh và hàng trăm cống đập điều tiết hai bờ Đa Độ, nội đồng

Hàng năm, công ty cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản trên 32.000ha/năm; cấp nước thô cho nhà máy nước sạch thành phố gần 30 triệu m3/năm; cấp và tiêu nước cho các khu công nghiệp, khu dân cư và cấp nước cho các ngành kinh tế: công nghiệp, dịch vụ, du lịch, dân sinh trên 5 quận, huyện; phối hợp phòng chống thiên tai, bão lũ toàn bộ lưu vực hệ thống.

(Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ)

Hiện trạng hệ thống sông Đa Độ

Hệ thống sông được hoàn chỉnh thủy nông từ những năm 1970-1980 thế kỷ trước. Qua quá trình khai thác sử dụng đến nay các hạng mục công trình đã xuống cấp nghiêm trọng. Được sự quan tâm của HĐND, UBND thành phố, các sở, ngành trong nhiều năm qua đã tạo mọi điều kiện, nguồn kinh phí để Công ty thực hiện giải tỏa cây cối, vật kiến trúc, nạo vét các bãi bồi hoàn trả nguyên trạng lòng sông; nâng cấp bờ và các cống đập điều tiết trên sông nhằm đảm bảo cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh kinh tế và ngăn chặn nước thải ô nhiễm vào nguồn nước hệ thống. Tuy nhiên do nguồn kinh phí còn nhiều hạn chế nên việc nâng cấp cải tạo chưa được hoàn chỉnh và đồng bộ. Hiện nay vẫn còn khoảng 45ha diện tích đất ao đầm trong lòng sông và 30.000 cây cối các loại nằm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi tồn tại do lịch sử để lại chưa được giải tỏa; 30km bờ sông và gần 100 cống đập điều tiết chưa được nâng cấp, cải tạo.

Các đoạn sông đi qua khu vực dân cư: thị trấn An Lão, xã An Thắng, Tràng Minh, Văn Đẩu, xã Đông Phương, Đại Đồng, thị trấn Đối, xã Minh Tân, Thanh Sơn gặp nhiều vướng mắc liên quan đến phạm vi bảo vệ công trình của các tuyến bờ sông, bờ kênh theo các tiêu chuẩn, và quy định pháp luật hiện hành bị trùng lặp với diện tích địa phương đã giao đất cho dân sử dụng từ trước. Việc giải tỏa các vi phạm lấn chiếm vô cùng khó khăn. Các cống đập trên bờ Đa Độ chưa được cải tạo đã hư hỏng, không đảm bảo vận hành, một số đoạn bờ xuống cấp chưa được nâng cấp không đảm bảo ngăn nước thải nông nghiệp, sinh hoạt, công nghiệp, làng nghề, bệnh viện từ nội vùng nguy cơ tràn vào sông Đa Độ.

Hầu hết khu vực nông thôn chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung. Hệ thống công trình thủy lợi (đặc biệt ngoài vùng nội thị) đang phải tiếp nhận hầu như toàn bộ nước thải khu dân cư chưa qua xử lý xả trực tiếp vào công trình thủy lợi, hiện chưa có giải pháp để ngăn chặn ô nhiễm, nguy cơ gây thẩm thấu vào nguồn nước sông Đa Độ.

Các nghĩa trang hung táng, cát táng ngay bên bờ sông: như nghĩa trang (Tân Dân, Thị trấn An Lão, Tân An, Tân Viên, Tràng Minh, Phù Liễn, Hữu Bằng, Minh Tân); khu bãi rác các xã Tân Dân, Tân Viên, Mỹ Đức (huyện An Lão); Bãi rác khu Cầu Đen (huyện Kiến Thụy),... vẫn chưa được các cấp chính quyền lập phương án di dời. Ngoài ra, hệ thống còn bị ảnh hưởng của đô thị hóa tăng nhanh, phát triển quy hoạch hạ tầng kỹ thuật chưa thực sự đồng bộ, làm chia cắt vùng sản xuất, co hẹp mặt cắt các tuyến kênh làm giảm năng lực tưới tiêu của công trình thủy lợi.

Kết quả thực hiện công tác quản lý, bảo vệ nguồn nước giai đoạn 2010-2020

Ngay từ đầu năm 2010, Công ty đã chủ động xây dựng Chiến lược phát triển trong 10 năm 2010-2020 với mục tiêu xuyên suốt là: “Tăng cường quản lý công trình và bảo vệ chất lượng nguồn nước” phù hợp với định hướng của thành phố và Nghị quyết số 23/2013/HĐND ngày 12/12/2013 của Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng. Công ty đã triển khai kế hoạch thực hiện trong từng giai đoạn và đề ra các giải pháp thực hiện cụ thể, đạt được một số kết quả như sau:

Công ty đã phối hợp, thực hiện giải tỏa ao đầm, trang trại, vật kiến trúc, cây cối trên mặt bờ và trong lòng sông. Giải toả được 105,1ha/145ha diện tích ao đầm, trang trại trong lòng sông (mở rộng lòng sông nhiều đoạn trung bình từ 50÷60m thành 90÷130m đảm bảo mặt cắt ngang sông theo quy hoạch của thành phố). Giải tỏa được gần 2.000 m2 nhà cửa, vật kiến trúc và khoảng 300.000 cây cối các loại trên mặt bờ và trong lòng sông.

(Công ty phối hợp giải tỏa, tháo dỡ vật kiến trúc trên mặt bờ sông Đa Độ)

Sau khi giải tỏa ao đầm trong lòng sông, công ty tổ chức đắp hai bên bờ sông Đa Độ các đoạn xuống cấp với tổng chiều dài: 60,47/90km bờ Đa Độ đạt 67% để ngăn chặn xả thải tràn tự do vào nguồn nước; cải tạo, nâng cấp được 40/140 cống trên bờ Đa Độ tại những vị trí nguy cơ ô nhiễm, nhằm ngăn chặn nước thải từ kênh cấp 1 và chủ động điều tiết một chiều. Cải tạo, nạo vét được khoảng gần 100 km kênh cấp 1, nâng cấp được 50 công trình trên kênh nhằm nâng cao khả năng điều tiết vận hành hệ thống, giảm thiểu nguồn nước thải xả vào hệ thống. Hoàn thành các dự án tiểu vùng: dự án Cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi Lai - Sàng - Họng; dự án Cải tạo, nâng cấp cụm thủy nông Thái Sơn - Tân Dân - An Thắng đã góp phần nâng cao năng lực công trình.

(Công nhân dọn dẹp khơi thông dòng chảy)

Công ty đã hoàn thành “Cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ nguồn nước sông Đa Độ”, được phân công tại Quyết định số 1095/QĐ-UBND ngày 29/5/2014 của UBND thành phố Hải Phòng, với tổng số mốc: 989 mốc. Thực hiện cắm mốc chỉ giới bảo vệ hành lang các hệ thống sông tiểu vùng (Lai - Sàng - Họng, hệ thống kênh cấp 1) đến nay được 594 mốc. Công ty dã lập danh mục các nguồn nước cần phải cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ nguồn nước báo cáo các cấp ngành và tiếp tục xây dựng kế hoạch cắm mốc chỉ giới cho từng năm.

(Một cống thủy lợi được quản lý, vận hành từ xa nhờ ứng dụng thiết bị năng lượng mặt trời)

Bên cạnh đó công ty thực hiện nghiên cứu, ứng dụng khoa học, xây dựng cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin và kiểm soát nguồn nước thải. Lập và bảo vệ thành công đề tài khoa học: “Nghiên cứu ứng dụng thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời để quản lý, vận hành từ xa hệ thống cống thủy lợi”, đã được cấp bằng sáng chế. Đã lắp đặt thí điểm 03 cống. Lập bản đồ quản lý công trình, bản đồ vị trí các nhà máy nước, bản đồ vị trí xả thải, bản đồ cảnh báo nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước trên google map (có thể tìm kiếm, tra cứu thông tin, hướng đi một cách nhanh chóng, thuận tiện). Lắp đặt 11 điểm quan trắc mực nước tự động đảm bảo cập nhật thường xuyên liên tục mực nước trong hệ thống để kịp thời vận hành điều tiết hợp lý. Lắp đặt 01 trạm đo mưa tự động, quan trắc lượng mưa phục vụ công tác vận hành. Ngoài ra công ty còn hợp đồng với trạm khí tượng thuỷ văn Đông Bắc cung cấp các dữ liệu quan trắc mặn tại 4 cống: Trung Trang, Cẩm Văn, Kim Côn, Xuân Quan) trên sông Văn Úc, lắp đặt 01 vị trí đo mặn tự động tại cống Trường Sơn trên sông Lạch Tray đảm bảo kiểm soát nồng độ mặn trước khi lấy nước vào hệ thống. Lập và triển khai dự án ứng dụng khoa học và công nghệ cấp thành phố “Xây dựng mô hình ứng dụng tự động hóa trong vận hành cống thủy lợi tại Hải Phòng”, tiến tới xây dựng phòng quản lý và điều hành tự động.

Công tác quản lý, bảo vệ nguồn nước giai đoạn 2021-2022

Giai đoạn 2021-2022, công ty tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động đến toàn thể nhân dân nâng cao ý thức trách nhiệm chung tay bảo vệ công trình thủy lợi, bảo vệ nguồn nước. Xây dựng Kế hoạch giải tỏa các tuyến bờ sông Đa Độ xuống cấp còn lại theo thứ tự ưu tiên. Chỉ đạo 2 đội QLST Khu vực I,II phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động các hộ dân tự giác giải tỏa cây cối, phá bỏ các bãi bồi mở rộng lòng sông nhằm nâng cao năng lực tiêu thoát, tích, trữ nước hệ thống. Cụ thể:

Địa bàn huyện An Lão: tuyên truyền, vận động các hộ dân khu Đò Nguyễn, xã Tân Viên giải tỏa được 123 cây cối trên bờ kênh; cải tạo, đắp bờ với tổng chiều dài 300m ; địa bàn thôn Minh Khai, xã Mỹ Đức giải tỏa được 1.296 cây cối trên bờ kênh, phá bỏ 7000m2 bãi bồi, cải tạo đắp bờ tổng chiều dài 850m; phá bỏ các bãi bồi trong lòng sông trong phạm vi 700m thuộc địa bàn thôn Lang Thượng (hạ lưu cầu Đầm Bầu), xã Mỹ  Đức, mở rộng đoạn co hẹp lòng sông từ 70m lên 110m.

(Tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay bảo vệ công trình thủy lợi, bảo vệ nguồn nước)

Địa bàn huyện Kiến Thụy: tuyên truyền vận động nhân dân đào phá các bãi bồi, ao đầm nuôi trồng thủy sản đã hết thời gian hợp đồng với tổng diện tích 20.000m2 thuộc thôn Tam Kiệt, xã Hữu Bằng (phía thượng lưu cầu Việt Hàn); thôn Văn Cao, xã Hữu Bằng 14.000m2; khu vực xã Ngũ Đoan 24000m2; xã Đoàn Xá: 26.000m2.

Song song với đó, công ty tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào công tác quản lý công trình nhằm giảm sức lao động và xây dựng cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin vào kiểm soát nguồn nước.

Một số giải pháp chủ động để bảo vệ nguồn nước ngọt trong thời gian tới

Công ty đã xây dựng chiến lược phát triển công ty 10 năm tiếp theo 2021-2030 lấy chủ đề xuyên suốt “Xây dựng hệ thống thuỷ lợi Đa Độ dần hiện đại hóa và trở thành nguồn nước ngọt trung tâm phục vụ phát triển kinh tế xã hội của thành phố”. Giai đoạn 1 (2021-2025) được Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng phê duyệt chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển tại Quyết định số 1340/QĐ-UBND ngày 18/5/2021.

Xây dựng hệ thống thủy lợi Đa Độ thành nguồn nước ngọt trung tâm của thành phố đến năm 2025 với những chỉ tiêu sau: không còn tình trạng xả nước thải không đủ tiêu chuẩn vào hệ thống; sông Đa Độ giữ vai trò như một hồ điều hòa, hai bên sông được khép kín bằng hệ thống cống điều tiết tại đầu các tuyến kênh chính, bờ sông đắp hoàn thiện kết hợp đường giao thông, trồng cây xanh hai bên bờ. Hoàn thành phân vùng hệ thống thủy lợi; khép kín hệ thống kênh chính phục vụ truyền tải nước; hoàn thành quy hoạch các trạm bơm điện phù hợp với mục tiêu tưới, tiêu tiết kiệm nước trên toàn hệ thống, áp dụng biện pháp tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt tại các vùng rau chuyên canh trên địa bàn các quận, huyện thuộc hệ thống.

Mở rộng và đẩy mạnh cung cấp sản phẩm dịch vụ thủy lợi khác, gồm: cấp nước cho sinh hoạt và công nghiệp; tiêu nước cho khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và khu công nghệ cao; nuôi trồng thủy sản trong hồ chứa nước; kết hợp giao thông... phù hợp với mục tiêu của chiến lược phát triển ngành thủy lợi. Tăng cường công tác quản lý công trình, bảo vệ và khai thác hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên nước. Việc khai thác sử dụng đi đôi với bảo vệ cả về số lượng và chất lượng, chống suy thoái, cạn kiệt nguồn nước.

Đổi mới công nghệ quản lý, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ như: xây dựng hệ thống quan trắc tự động, nghiên cứu ứng dụng tự động hóa trong quản lý khai thác, vận hành công trình, tiến tới tinh giảm bộ máy, giảm thiểu sức lao động. Tham gia các chương trình nghiên cứu: ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; năng lượng tái tạo; khoa học hệ thống; quản lý tổng hợp.

Phát triển, nâng cao nguồn nhân lực, tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu khoa học công nghệ, triển khai ứng dụng vào thực tiễn phát triển và quản lý nguồn nước từ bước quy hoạch đến thiết kế, thi công và quản lý vận hành. Nâng cao hiệu quả khai thác công trình thủy lợi, quản lý vận hành công trình an toàn, chống xuống cấp, ngăn chặn tình trạng xâm lấn hành lang chỉ giới phạm vi công trình thủy lợi và các xâm hại khác.

Bảo vệ nguồn nước, không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nước, chống ô nhiễm, có giải pháp ngăn chặn xả thải trái phép vào hệ thống. Chủ động phòng chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, ứng phó với các trường hợp bất lợi nhất, nâng cao mức đảm bảo tiêu thoát nước, phòng chống lũ, ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đỗ Khuyến

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu