13:16 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Cần nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt cho sản xuất kinh doanh trong năm 2024

Tú Anh (t/h) | 12:02 02/01/2024

(THPL) - Theo dự báo, năm 2024 vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức tác động trực tiếp, nhiều chiều tới nền sản xuất trong nước. Điều này đòi hỏi các chính sách phải thực hiện đồng bộ và quyết liệt nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt là đơn giản hóa các quy định, điều kiện, thủ tục đầu tư xây dựng… để đẩy nhanh tiến độ đưa các dự án đầu tư xây dựng mới trong các ngành công nghiệp vào hoạt động.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, rất nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam như dệt may, da giày, đồ gỗ, sắt thép, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện… bị giảm đơn hàng ngay từ năm 2022. Lần đầu tiên sau hơn hai mươi năm phát triển, nền kinh tế đã ghi nhận mức tăng trưởng “âm” tới 6,3% về chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trong 2 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo giảm sâu tới 6,9%.

Đến quý 4/2023, sản xuất công nghiệp tiếp đà tăng trưởng tích cực từ quý 3/2023, ước đạt 6,86% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2023, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp đạt 3,02% so với năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,62%, đóng góp 0,93 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,79%, đóng góp 0,14 điểm phần trăm. Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,18%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm. Riêng ngành khai khoáng giảm 3,17%, làm giảm 0,10 điểm phần trăm.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2023 của một số ngành trọng điểm cấp II tăng cao: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 13,2%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 9,5%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 8,3%; sản xuất kim loại tăng 7,6%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 7,2%; dệt tăng 7%; sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 6,1%. Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành giảm: Sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 10,7%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 5,7%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 4,2%; sản xuất xe có động cơ giảm 2,4%; khai thác than cứng và than non giảm 1,6%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 1,5%; sản xuất trang phục giảm 0,9%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 0,6%.

Cần nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trong năm 2024. Ảnh minh hoạ

Dù đã đạt một số kết quả khả quan, nhưng theo báo cáo của Bộ Công Thương, thị trường của phần lớn các ngành công nghiệp chủ yếu hướng vào xuất khẩu, phụ thuộc lớn vào thị trường toàn cầu do sản lượng sản xuất trong nước vượt xa nhu cầu của nội địa, đặc biệt là đối với các ngành hàng như dệt may, da giày, điện tử, chế biến thực phẩm, thép xây dựng… Tuy nhiên, do kinh tế thế giới suy giảm, cầu tiêu dùng vẫn ở mức thấp ảnh hưởng lớn tới các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong nước, dẫn đến sản xuất công nghiệp sụt giảm đáng kể và hồi phục rất chậm.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho rằng: "Sản xuất công nghiệp phục hồi chậm, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn, chi phí đầu vào, chi phí vốn, chi phí tuân thủ còn cao; năng lực sản xuất công nghiệp chậm được cải thiện, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp có tính nền tảng, then chốt. Mức độ liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành và liên ngành còn hạn chế; liên kết giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước còn yếu".

Được đánh giá là lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, do vậy, trước những khó khăn của thị trường, rất nhiều các biện pháp cấp bách để hỗ trợ thị trường, thúc đẩy sản xuất đã được đưa ra, trong đó có việc kích cầu đầu tư công các dự án lớn trong lĩnh vực hạ tầng, giao thông, năng lượng để tạo thị trường cho một số ngành hàng như sắt thép, xi măng, vật liệu xây dựng, phương tiện vận tải, cơ khí xây lắp và chế tạo… đồng thời với đẩy mạnh giao thương xuất khẩu hàng hóa.

Liên quan đến phát triển sản xuất công nghiệp, ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo liên quan đến cả một chuỗi sản xuất, tập trung từ nguyên liệu đầu vào, công nghiệp luyện kim nền tảng. Đặc biệt là trong thời gian vừa qua chúng ta cũng đã phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ nước ngoài, cho nên phát triển nguyên vật liệu để phục vụ phát triển sản xuất trong nước rất quan trọng.

Theo ông, với một số ngành trọng tâm trọng điểm chế biến, chế tạo, như cơ khí, gia công hay điện tử thì tiếp tục phát triển, tập trung vào nâng cao năng lực doanh nghiệp trong nước đối với những ngành nghề, lĩnh vực như vậy… Với những giải pháp đồng bộ và quyết liệt, hoạt động sản xuất và các đơn hàng đã hồi phục dần trở lại, song mức tăng trưởng chung của ngành công nghiệp năm 2023 ở mức thấp nhất kể từ năm 2017 đến nay, đòi hỏi cần phải có thêm nhiều nỗ lực mạnh mẽ hơn từ chính sách.

Trong các cơ chế, chính sách đó thì cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt là đơn giản hóa các quy định, điều kiện, thủ tục đầu tư xây dựng… để đẩy nhanh tiến độ đưa các dự án đầu tư xây dựng mới trong các ngành công nghiệp vào hoạt động là vô cùng quan trọng. Cùng với đó, phải có cơ chế thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp tư nhân trong nước vào chuỗi sản xuất công nghiệp toàn cầu thông qua liên kết với các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam.

Các dự báo cho thấy, năm 2024 vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức tác động trực tiếp, nhiều chiều tới nền sản xuất trong nước. Trong đó phải kể đến các điều kiện về sản xuất xanh và tiêu dùng bền vững - đáng kể như “cơ chế điều chỉnh biên giới carbon” (CBAM) được Liên minh châu Âu (EU) chính thức áp dụng cho 6 loại hàng hóa công nghiệp nhập khẩu vào nước này kể từ đầu tháng 10/2023.

Đây cũng là đòi hỏi của nhiều thị trường đối tác nhập khẩu lớn các mặt hàng công nghiệp chủ lực và có thế mạnh của Việt Nam. Tất cả các yêu cầu ấy đòi hỏi Việt Nam cần tiếp tục có các chính sách mạnh mẽ và phù hợp hơn, bởi muốn tăng tốc phát triển công nghiệp, phải có những đột phá trong xuất khẩu.

Nhận định về ngành công nghiệp năm 2024, Tiến sỹ Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) lưu ý việc đẩy mạnh hướng dẫn để doanh nghiệp xây dựng những báo cáo và tuân theo những quy trình sản xuất cũng như đáp ứng được Chứng chỉ Xanh để xuất khẩu vào thị trường EU.

Bên cạnh đó, hướng dẫn các doanh nghiệp kiểm soát được quy trình sản xuất, kiểm soát được tất cả các mức độ phát thải của mình đối với hàng sản xuất không chỉ đối với quy trình sản xuất và dịch vụ hàng hóa, kể cả những nguồn nguyên liệu và các vấn đề khác liên quan đến để xây dựng được các báo cáo về đáp ứng tiêu chuẩn của EU…

Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc phải lựa chọn những ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh và có tác động lan tỏa đến các ngành kinh tế khác để ưu tiên phát triển, đồng thời cũng phải là các ngành sử dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, có thế mạnh về xuất khẩu, có khả năng tạo ra giá trị gia tăng cao và có khả năng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu…

Tú Anh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu