22:21 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Cả nước có hơn 121 nghìn doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng

Tú Chi (T/h) | 14:48 14/10/2024

(THPL) - Tính chung 9 tháng năm 2024, cả nước có hơn 121,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là hơn 1.158,5 ngàn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký hơn 735,0 nghìn lao động.

Kinh tế thế giới 9 tháng năm 2024 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; biến động chính trị, xung đột quân sự tiếp tục leo thang tại một số quốc gia, khu vực; tăng trưởng kinh tế, đầu tư, nhu cầu tiêu dùng toàn cầu phục hồi chậm, thiếu vững chắc; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu đã làm gia tăng rủi ro đối với an ninh hàng hải, chuỗi cung ứng hàng hóa, thị trường tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, an ninh lương thực toàn cầu. Tuy nhiên, hòa bình, hợp tác vẫn là xu thế cơ bản. Các tổ chức quốc tế đều nhận định lạc quan hơn về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 so với các dự báo đưa ra trước đó.

Trong nước, cơn bão số 3 đã gây nhiều thiệt hại về người, tài sản, hạ tầng kinh tế – xã hội và sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ở các tỉnh phía Bắc.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão Yagi, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát. Theo đó, một số chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh, doanh nghiệp có thể kéo dài, bổ sung nguồn lực thực hiện đến hết năm 2025 để phù hợp với sự phục hồi của doanh nghiệp, hộ kinh doanh và yếu tố mùa vụ trong sản xuất kinh doanh.

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 9 tháng năm 2024 là hơn 121,9 nghìn doanh nghiệp với số vốn đăng ký hơn 1.158,5 nghìn tỷ đồng; số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới là gần 735,1 nghìn lao động.

Cả nước có hơn 121 nghìn doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng. Ảnh minh hoạ

Tính riêng tháng 9/2024, có 11.216 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký là 92.818 tỷ đồng. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 9 tháng đầu năm 2024 đạt 2.310.525 tỷ đồng. Quy mô vốn đăng ký bình quân/một doanh nghiệp đạt 9,5 tỷ đồng.

Theo khu vực, các doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tập trung chủ yếu ở vùng Đông Nam Bộ (52.381 doanh nghiệp, chiếm 43%) và vùng Đồng bằng sông Hồng (37.107 doanh nghiệp, chiếm 30,4%).

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động 9 tháng năm 2024 đạt hơn 61,1 nghìn doanh nghiệp. Trung bình mỗi tháng trong 9 tháng năm 2024 có gần 6,8 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Riêng tháng 9/2024 ghi nhận có 6.479 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trên phạm vi cả nước, giảm 23,7% so với tháng 8/2024.

Ở chiều ngược lại, trong tháng 9/2024, có 4.233 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 7.410 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; có 1.605 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Tính chung số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong 9 tháng là 86,9 nghìn doanh nghiệp; gần 61,5 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; gần 15,4 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Bình quân 1 tháng có 18,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Liên quan đến hoạt động của đội ngũ doanh nghiệp, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Khảo sát nhanh gần đây cho thấy, tình hình doanh nghiệp đã lạc quan hơn rất nhiều, thể hiện niềm tin đã được củng cố, tăng cường, cụ thể tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá “tích cực” về kinh tế vĩ mô trong 12 tháng tới cao gấp 5 lần so với kỳ khảo sát trước.

“Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, tồn tại. Tiềm năng và dư địa phát triển vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, kỹ năng quản trị còn hạn chế; còn có tư duy kinh doanh “thời vụ”, thiếu tầm nhìn chiến lược. Số doanh nghiệp quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt các chuỗi cung ứng còn ít; tính liên kết, hợp tác, khả năng tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn yếu. Một bộ phận doanh nhân có đạo đức, văn hoá kinh doanh, ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc chưa cao, còn vi phạm pháp luật. Một số cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp chậm được triển khai; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thực sự đáp ứng yêu cầu” - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu.

Để vực dậy tinh thần kinh doanh cho doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đối với cơ quan quản lý nhà nước cần tập trung tháo gỡ khó khăn, rà soát, đơn giản hoá các thủ tục hành chính; quan tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp một cách thực chất, theo tinh thần Thủ tướng đã chỉ đạo: "Đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải ra sản phẩm cụ thể". Đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng trong tiếp cận nguồn lực và chính sách hỗ trợ, không phân biệt các thành phần kinh tế.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tăng cường rà soát, sửa đổi ngay các quy định, điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật… không phù hợp với thực tế, tham vấn chặt chẽ ý kiến cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình xây dựng, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật. Khẩn trương xây dựng cơ chế, chính sách phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn nhằm phát huy vai trò tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng, có lợi thế cạnh tranh và khả năng dẫn dắt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ…

Về phía các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp, cần chủ động nghiên cứu, đánh giá thách thức và thời cơ của ngành, lĩnh vực; kịp thời chia sẻ, hướng dẫn, hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp hội viên; đẩy mạnh liên kết doanh nghiệp, hỗ trợ kết nối đầu tư kinh doanh, giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, chủ động đón bắt cơ hội mới, xu thế mới.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, cần tiếp tục nỗ lực cùng Chính phủ thực hiện các giải pháp góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các giải pháp mang tính đột phá, đổi mới, sáng tạo. Các doanh nghiệp lớn cần nêu gương đi đầu, tiên phong trong những việc lớn, việc khó, việc mới, giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia để tạo lực cho phát triển kinh tế, tạo dư địa phát triển cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở những lĩnh vực khác. Đặc biệt, các doanh nhân, doanh nghiệp cần chủ động đổi mới tư duy kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh; tăng cường đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến…

Tú Chi (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu