06:39 ngày 12/12/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Bệnh sởi tăng nhanh, TP.HCM đã ghi nhận 2.805 ca mắc

17:14 11/12/2024

(THPL) - Tại TP.HCM, các cơ sở khám chữa bệnh tiếp nhận rất đông bệnh nhân sởi từ địa phương khác, trong đó người lớn mắc sởi đang gia tăng với nhiều biến chứng nguy hiểm.

Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam ghi nhận 19.000 ca bệnh sởi. Đối tượng mắc sởi nhiều nhất là nhóm trẻ từ 1-10 tuổi, chiếm khoảng 60% tổng số ca bệnh.

Hiện dịch bệnh vẫn đang tăng nhanh ở nhiều địa phương, với 46 ổ dịch đang hoạt động. Trong đó, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM là 3 tỉnh, thành phố có số ca sởi cao nhất.

Tại TP.HCM, tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 47 (18/11 - 24/11), TP Hồ Chí Minh ghi nhận 2.805 ca mắc sởi. So sánh ca bệnh so với trung bình 4 tuần trước đó, có 19 quận, huyện có số ca tăng gồm các quận, huyện: 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Tân, Bình Thạnh, Củ Chi, Gò Vấp, Hóc Môn, Nhà Bè, Phú Nhuận, Tân Phú và TP Thủ Đức.

Bệnh sởi tăng nhanh, TP.HCM đã ghi nhận 2.805 ca mắc. Ảnh minh họa

Trước đó, vào tháng 8/2024, UBND TP.HCM đã chính thức công bố dịch sởi trên toàn thành phố trước bối cảnh ca sởi tăng nhanh và đã có 3 trẻ tử vong vì sởi. Đến nay TP có tỉ lệ tiêm chủng cho trẻ đạt hơn 100%, thế nhưng những tuần gần đây số ca sởi liên tục gia tăng.

Cụ thể tuần thứ 47 (18/11 đến ngày 24/11) ca mắc sởi ghi nhận 238 ca, tăng 41,9%, nhưng đến tuần thứ 48 (25/11 đến ngày 1/12) số ca sởi ghi nhận 319 ca, tăng hơn 58%.

Theo TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, giải thích số ca mắc sởi chủ yếu tập trung ở các quận huyện tiếp giáp với các tỉnh lân cận như Đồng Nai và Bình Dương, khu vực có nhiều khu công nghiệp.

Qua khảo sát với những trường hợp mắc bệnh, hầu như trẻ đều chưa có trong danh sách tiêm chủng. Chính vì vậy, TP.HCM đã triển khai giải pháp "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" để kiểm tra danh sách trẻ được tiêm chủng hay chưa. Thế nhưng hiện còn rất nhiều trẻ không nằm trong danh sách quản lý, thậm chí không nằm trong sách quản lý tiêm chủng của Bộ Y tế. Nguyên nhân trẻ di chuyển từ các tỉnh khác đến TP, do đó TP thực hiện chiến dịch vừa tiêm vắc xin vừa rà danh sách trẻ, nhất là các khu công nghiệp.

Theo TS-BS Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho rằng hiện nay đối tượng dễ tiếp cận tiêm vắc xin là đối tượng ít nguy cơ, trong khi đối tượng khó tiếp cận là những trẻ em di biến động dân cư, đây là đối tượng nguy cơ cao. Đây là "bài toán" gặp ngay từ đầu dịch, ở các huyện và tỉnh cũng nhận thấy điều đó. Đó là lý do dù tỉ lệ tiêm vắc xin bao phủ nhưng nhiều tuần ca mắc sởi vẫn tiếp tục tăng hoặc không thể giảm.

Với bệnh sốt xuất huyết, TP.HCM ghi nhận 659 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, giảm 6,6% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 49 (ngày 2 - 8/12) là 14.193 ca. Các quận, huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm Quận 1, Quận 7 và TP Thủ Đức.

Trong tuần 49, TP.HCM cũng ghi nhận 214 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, giảm 29,3% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca tay chân miệng tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 49 là 16.166 ca. Các địa bàn có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm huyện Cần Giờ, huyện Nhà Bè và huyện Bình Chánh.

Tuấn Kiệt (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu