12:22 ngày 16/06/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Xuất khẩu cá ngừ khởi sắc trong những tháng đầu năm 2024

14:32 23/05/2024

(THPL) - Cục xuất nhập khẩu dự báo, xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục phục hồi khi nhu cầu từ Mỹ và châu Âu tăng trở lại. Tồn kho thủy sản tại nhiều thị trường giảm, trong khi lạm phát dần được kiểm soát sẽ là yếu tố hỗ trợ nhu cầu tiêu thụ thủy sản tại nhiều quốc gia trong thời gian tới.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cá ngừ trong tháng 4/2024 tăng trưởng cao tại hầu hết các thị trường chính. Giá trị xuất khẩu cá ngừ trong tháng này đạt gần 87 triệu USD, tăng 29%. Lũy kế, 4 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 302 triệu USD, tăng 22%.

Hiện, xuất khẩu cá ngừ chế biến và đóng hộp của Việt Nam có xu hướng ngày càng tăng. Chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nhóm sản phẩm này đạt 154 triệu USD năm 2024, tăng 70% so với năm 2020.

Trong tháng 4/2024, các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam được xuất khẩu sang hơn 90 thị trường. Trong đó, xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường chính như Mỹ, EU, Israel, Canada, Nhật Bản, hay Mexicô… đều tăng nhanh hơn.

Tại thị trường Mỹ và EU, Nga hay Hàn Quốc đang có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trong tháng 4/2024 so với cùng kỳ tăng gấp đôi so với tháng trước đó, đạt lần lượt là 37%, 71%, 32% và 158%. Trong đó, đáng chú ý tại khối thị trường EU, xuất khẩu sang 3 thị trường dẫn đầu là Italy, Đức và Hà Lan đều tăng trưởng “phi mã” ở mức 3 con số. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, sự tăng trưởng này là do lượng tồn kho tại các thị trường giảm chứ nhu cầu thị trường vẫn chưa thực sự khả quan hơn.

Xuất khẩu cá ngừ khởi sắc trong những tháng đầu năm. Ảnh minh hoạ

Bên cạnh những kết quả tích cực, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, ngành cá ngừ vẫn bị kìm hãm bởi nút thắt thiếu nguyên liệu, vì sản lượng khai thác không đủ đáp ứng nhu cầu, nên phải tăng nguồn cung từ nhập khẩu. Trong khi đó, các quy định của thị trường EU và các quy định mới của Việt Nam về việc không trộn lẫn nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác nhập khẩu với nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác trong nước vào cùng một lô hàng xuất khẩu tại Nghị định 37/2024/NĐ-CP và quy định xử phạt vi phạm hành chính cho hành vi này tại Nghị định 38/2024/NĐ-CP đang khiến cho nút thắt này thêm tắc nghẽn.

Liên quan đến ngành thuỷ sản, Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục phục hồi khi nhu cầu từ Mỹ và châu Âu tăng trở lại. Tồn kho thủy sản tại nhiều thị trường giảm, trong khi lạm phát dần được kiểm soát sẽ là yếu tố hỗ trợ nhu cầu tiêu thụ thủy sản tại nhiều quốc gia trong thời gian tới.

Với nguồn cung ổn định, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng trưởng, nhưng giá thủy sản có khả năng vẫn ở mức thấp. Trong khi đó, VASEP cho hay, thời gian gần đây, thông tin Mỹ đang xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường đã mang lại niềm hy vọng lạc quan cho nhiều ngành kinh tế Việt Nam, trong đó có ngành thủy sản.

Mỹ luôn nằm trong top 3 thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, có rất nhiều dư địa, nhưng cũng không ít rào cản khiến doanh nghiệp thủy sản Việt Nam nhiều phen “lao đao”. Trong đó, có những vấn đề kéo dài nhiều năm như thuế chống bán phá giá tôm, cá tra và có vấn đề nóng sốt của năm 2024 như là thuế chống trợ cấp đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ.

Trong 10 năm gần đây, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ dao động ở mức 1,5 tỷ USD – 2,1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng đáng kể, từ 18%-23% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Trong đó, Mỹ luôn là thị trường tiêu thụ hàng đầu của các mặt hàng chủ lực như tôm, cá ngừ, cá tra… Việt Nam đồng thời cũng là một đối tác nhập khẩu cho các nhà kinh doanh thủy sản Mỹ với giá trị nhập khẩu từ 65-70 triệu USD/năm.

Dự kiến vào tháng 7/2024, DOC sẽ có quyết định về việc Việt Nam có được chuyển đổi trạng thái từ nền kinh tế phi thị trường sang nền kinh tế thị trường hay không. Nếu Việt Nam được công nhận có nền kinh tế thị trường thì đây sẽ là lợi thế cho cho các doanh nghiệp Việt Nam trong các đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá tôm, cá tra và điều tra chống trợ cấp (CVD) trong thời gian tới.

Ngoài những vấn đề như thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, các rào cản và quy định khác cũng có thể sẽ được nhìn nhận, rà soát với một phương diện nới lỏng hơn, thuận lợi hơn cho ngành thủy sản Việt Nam, đồng thời, cũng là cơ hội thu hút hơn các nhà đầu tư từ Mỹ tới với ngành thủy sản Việt Nam, mở rộng cơ hội giao thương thủy sản giữa 2 nước.

Khi các rào cản thuế quan được tháo gỡ hoặc nới lỏng thì hàng thủy sản Việt Nam sẽ lấy lại lợi thế cạnh tranh về giá tại thị trường Mỹ, đồng thời giúp người tiêu dùng Mỹ tiếp cận nhiều hơn với nguồn thủy sản chất lượng và giá tốt của Việt Nam.

Tuấn Linh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu