14:31 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Vụ án án Lê Văn Thái phạm tội “cố ý gây thương tích”: Có dấu hiệu oan sai?

HUE MINH | 13:48 12/04/2021

(THPL) - TAND huyện Thọ Xuân (tỉnh Thanh Hóa) đã tuyên phạt bị cáo Lê Văn Thái (sinh năm 1999, trú tại thị trấn Thọ Xuân, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) phạm tội “cố ý gây thương tích” theo điểm đ khoản 2 điều 134 BLHS với mức án từ 3 năm 6 tháng tù giam. Tuy nhiên, dưới góc nhìn pháp lý, các chuyên gia cho rằng TAND huyện Thọ Xuân chưa đánh giá đúng, đủ, khách quan, toàn diện bản chất vụ án, cùng với đó Lê Văn Thái cũng có đơn kháng cáo.

Diễn biến hành vi

Theo hồ sơ vụ án, vào 20h30 ngày 24/09/2019, Lê Văn Thái cùng với Nguyễn Văn Đức đang ngồi chơi tại quán nước nhà mình. Cũng lúc đó có 03 thanh niên (Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Văn Anh, Nguyễn Văn Toàn) chạy xe máy đến quán bên cạnh (quán nhà bà Thúy).

Thái nằm võng, bỗng dưng võng bị đứt, ngã xuống đất, buột miệng chửi thề “Đ.M”. Nghe được Thái chửi thề, Hùng nói sang “Đ. gì mà gớm thế”. Nghe vậy, Đức chạy lại và nói “Anh có thích Đ. không?”. Thấy vậy, Thái đã bảo Đức “thôi không có chi cả về quán đi”. Đức quay về quán. Nhưng cả Hùng, Anh, Toàn liền đi theo Đức sang quán nhà Thái.

Nguyễn Văn Anh đã gọi điện cho người thân đồng thời dọa nạt Đức và Thái. Thấy vậy, Thái tiến lại nói “anh ơi, bọn em đã chửi bới anh đâu mà anh sang quán doạ đánh bọn em”. Thấy có vẻ căng thẳng, Thái cũng điện thoại gọi cho Long nói “anh ơi có thằng dọa đánh em”.

Liệu Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm có xem xét một cách toàn diện, khách quan?

Một lúc sau, Đức có xô xát với Hùng. Thấy vậy, Thái tiến lại liền bị Anh cầm điếu đánh thẳng vào mặt Thái. Thái choáng váng, rách mí mắt, chảy máu, nằm gục xuống. Thấy Thái bị đánh, Đức chạy vào kho lấy 2 đoạn ống tuýp và ném cho Thái một cái. Long chạy lại ôm chặt lấy Anh, Đức lao vào đánh Anh, vì Thái bị Anh đánh nên bực tức cũng lao vào đánh Anh, nhưng do bị máu chảy vào mắt nên Thái vụt lung tung, không xác định được đối tượng ở vị trí nào, thậm chí đánh cả vào tay Long.

Khi Anh bỏ chạy, Thái có chạy theo nhưng không kịp nên không đuổi theo nữa, và vào nhà Giang Thanh để băng bó vết thương. Đức, Long có đuổi kịp và giữ được Anh. Đức cầm tuýp sắt tiếp tục đánh Anh. Vì bực tức do không có mâu thuẫn gì với Anh nhưng lại bị Anh cầm điếu đánh vào mặt nên Thái cũng lao vào đấm đá Anh. Sau đó Thái không đánh nữa. Thái được Long chở đi băng bó và khâu vết thương ở bệnh viện….”

Như vậy, Lê Văn Thái có phạm tội “cố ý gây thương tích” theo điểm đ khoản 2 điều 134 BLHS với mức án từ 3 năm 6 tháng tù giam hay không? Tại kết luận điều tra, cáo trạng cũng như bản án sơ thẩm nhận định và quy kết Lê Văn Thái có vai trò chính, “cố tình thực hiện phạm tội đến cùng” theo quy định tại điểm e khoản 1 điều 52 BLHS để tăng nặng trách nhiệm hình sự cho bị cáo Thái.

Được biết thêm rằng, Lê Văn Thái là người có nhân thân tốt, không có tiền án tiền sự, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, có nơi cư trú rõ ràng, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, cha bị cáo mất sớm bản thân bị cáo là lao động chính trong gia đình đang nuôi mẹ già đau ốm, gia đình Thái được xác nhận là gia đình có công với cách mạng, ông nội là liệt sĩ, bố đẻ của bị cáo là quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ. Bản thân Thái cũng đã được cơ quan an ninh, chính quyền địa phương trao tặng giấy khen và xác nhận đã cung cấp tin báo tố giác tội phạm cho cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa), giúp cơ quan này triệt phá thành công vụ án hình sự góp phần xây dựng làng xã văn minh, ổn định và phát triển. Sau khi sự việc xảy ra, Thái đã chủ động bồi thường cho Nguyễn Văn Anh số tiền 75.000.000 đồng; Thái cũng đã thành khẩn khải báo, ăn năn hối cải được quy định tại điểm s, khoản 1 điều 51 BLHS,… và nhiều tình tiết giảm nhẹ khác.

Quan điểm pháp lý

Sau khi nghiên cứu hồ sơ, Luật sư Phan Xuân Xiểm (nguyên Vụ trưởng Vụ trung ương 1A- UBKT Trung ương) cho rằng: Hồ sơ vụ án thể hiện Thái rất cầu thị và nhường nhịn mặc dù bị Hùng, Anh khiêu khích, dọa nạt. Việc Thái gọi Long lên là để giảng hòa, điều này Long thể hiện trong các bản khai và bản cung tại cơ quan điều tra. Ngược lại, Nguyễn Văn Anh đã thể hiện tính côn đồ khi cầm cây điếu là vật có khả năng gây sát thương cao đánh thẳng vào mặt Thái làm Thái rách mí mắt chảy máu. Cái điếu này là hùng khí được Anh thủ sẵn, cầm theo theo từ quán bà Thúy sang quán nhà Thái. Anh là người gây thương tích cho Thái trước nên dẫn đến tinh thần của Thái bị kích động mạnh mà lao vào đánh Anh. Nếu Anh không cầm điếu đánh vào mặt Thái chắc chắn Thái sẽ không đánh Anh, bởi Thái không có mâu thuẫn gì với Anh.

Sau khi Anh bỏ chạy, Thái đã đi đến nhà Giang Thanh để băng bó vết thương. Khi thấy Anh bị bắt quay lại. Thấy đau vì vết thương, tinh thần vẫn bị kích động mạnh, bực tức do hành vi của Anh nên Thái mới ra đấm đá Anh. Sau đó thì Thái đã dừng tay chứ không thực hiện đến cùng hành vi của mình nên không thể nói Thái “thực hiện hành vi phạm tội đến cùng” như bản án sơ thẩm của TAND Thọ Xuân nhận định.

Bản án của TAND huyện Thọ Xuân được cho là chưa làm rõ bản chất của hành vi

Cùng quan điểm với Luật sư Phan Xuân Xiểm, Luật sư Nguyễn Quang Huy – Đoàn Luật sư Hà Nội cũng cho rằng: Thái không phạm tội cố ý gây thương tích theo quy định tại điểm đ khoản 2 điều 134 BLHS như các cơ quan sơ tố tụng cấp sơ thẩm truy tố và buộc tội. Hành vi của Thái có dấu hiệu cấu thành tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” theo quy định tại khoản 1 điều 135 BLHS. Trong đó, có hành vi trái pháp luật của người bị hại (tức Anh dùng điếu đánh vào mặt Thái); hành vi của Anh xâm phạm trực tiếp đến thân thể, sức khỏe của Thái; Hành vi của Anh là nguyên nhân dẫn đến hành vi của Thái. Nếu không bị Anh cầm điều đánh vào mặt, chưa chắc Thái đã đánh lại Anh, mà Thái đánh lại Anh là do bị đánh đau, tinh thần bị kích động mạnh; và Thái cũng đã chủ động chấp dứt hành vi của mình khi bình tĩnh lại.

Nếu truy cứu Thái về hành vi này thì Lê Văn Thái lại có thể chưa bị xử lý trách nhiệm hình sự. Bởi Nguyễn Văn Anh chỉ bị thương tật có 29%. Theo đó  khoản 1 Điều 135. “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” quy định: “1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm”.

“Trên cơ sở phân tích quy định của pháp luật, hành vi, yếu tố cấu thành tội phạm, tính nhân văn, tôi cho rằng việc Viện kiểm sát nhân dân huyện Thọ Xuân truy tố và Tòa án sơ thẩm tòa án nhân dân huyện Thọ Xuân xét xử bị cáo Lê Văn Thái về tội cố ý gây thương tích” và xử phạt bị cáo 3 năm 6 tháng tù giam là quá nặng, không có cơ sở và trái pháp luật. Tôi cho rằng Tòa án cấp phúc thẩm có thể áp dụng quy định điểm a, b khoản 1 Điều 357 “Áp dụng điều, khoản của BLHS về tội nhẹ hơn”. Còn trong trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm vẫn tiếp tục xét xử Lê Văn Thái về hành vi “ cô ý gây thương tích” thì với tính chất, mức độ hành vi và nhiều tình tiết giảm nhẹ được quy định cứng trong BLHS thì HĐXX không cần phải cách ly bị cáo khỏi đời sống xã hội, Hội đồng xét xử có thể áp dụng Điều 65 BLHS cho bị cáo hưởng án treo, giao bị cáo cho chính quyền địa phương nơi cư trú bị cáo giám sát, giao dục cũng đủ điều kiện giáo dục, cải tạo bị cáo để trở thành người có ích cho xã hội”, Luật sư Nguyễn Quang Huy nêu quan điểm.

Như vậy, trên cơ sở các quy định pháp luật cũng như tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, yếu tố lỗi của người bị hại, các tình tiết giảm nhẹ,… liệu rằng Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm có xem xét một cách toàn diện, khách quan? Thương hiệu và Pháp luật tiếp tục thông tin đến bạn đọc nội dung này!

HUE MINH

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu