03:24 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

VPSA kiến nghị về việc doanh nghiệp nghi ngờ hồ tiêu xuất khẩu bị 'rút ruột'

Tuấn Minh (t/h) | 08:04 12/06/2024

(THPL) - Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) vừa có văn bản gửi Cục Hàng hải Việt Nam và Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn phản ánh về hiện tượng thiếu hụt hàng hóa xuất khẩu.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), thời gian gần đây một số doanh nghiệp hội viên phản ánh tình trạng hàng xuất khẩu bị “rút ruột” khiến đối tác mua không nhận đủ số lượng như đã giao.

Tới thời điểm hiện tại có 5 doanh nghiệp thông tin trong quá trình xuất khẩu xảy ra tình trạng doanh nghiệp cân hàng đủ nhưng khi hàng tới cảng, nhà nhập khẩu kiểm tra, phát hiện hàng hóa bị thiếu hụt so với hợp đồng. Trọng lượng container hàng đã bao gồm hàng hóa bên trong cũng giảm so với số trọng lượng container được cân khi vào cảng.

Cụ thể, một doanh nghiệp xuất khẩu 13,5 tấn càphê đi Ai Cập vào tháng 1 vừa qua bị thiếu hụt 1,68 tấn. Một doanh nghiệp khác xuất khẩu 4 lô hàng càphê, hồ tiêu đi Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Philippines trong tháng 3 vừa qua đã bị “rút ruột” mỗi lô từ 1,5-4,6 tấn hàng. Ba doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu đi Malaysia, Nauy trong khoảng thời gian từ tháng 9/2023 đến tháng 3/2024 bị hụt từ 0,2-3,3 tấn hàng.

Khối lượng hàng hóa bị mất của 5 doanh nghiệp. Nguồn: VPSA

Trước tình trạng trên, VPSA đã có văn bản gửi Cục Hàng hải Việt Nam và Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn về việc thiếu hụt hàng hóa xuất khẩu. VPSA cho biết, khối lượng hàng hóa bị mất chiếm từ 7-28% lô hàng, đều xảy ra ở cảng hạ của cảng Cát Lái và trong cùng một thời gian do tàu bị hoãn. Lô bị rút ruột nhiều nhất là hơn 4,6 tấn cà phê trong tổng số 19,2 tấn hàng.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, những lô hàng bị rút ruột này chỉ được phát hiện sau khi giao cho các đối tác nước ngoài. Nhận được thông báo của các đối tác nhập khẩu, doanh nghiệp Việt Nam đã tiến hành điều tra nội bộ. Kết quả ban đầu thấy rằng phiếu cân container có hàng tại nhà máy và phiếu cân hàng lúc vào cảng Cát Lái là trùng khớp.

Do đó doanh nghiệp nghi ngờ khả năng hàng hóa bị mất trong thời gian container hạ bãi chờ xuất tại cảng Cát Lái. Các chứng từ liên quan khác cũng được doanh nghiệp cung cấp làm cơ sở để chứng minh hàng hóa được niêm phong và đảm bảo an toàn từ lúc hàng được đóng vào container tại nhà máy cho đến lúc container vào cảng.

Kho bãi chứa container tại cảng Cát Lái. Ảnh: Internet

VSPA nhận định, tình trạng mất hàng không chỉ gây thiệt hại trực tiếp về tài chính cho doanh nghiệp khi doanh nghiệp phải đền bù hoặc bị phạt theo quy định hợp đồng mà còn ảnh hưởng đến các hợp đồng tương lai của doanh nghiệp. Không dừng lại ở đó, uy tín và hình ảnh của doanh nghiệp nói riêng và Việt Nam nói chung bị sụt giảm trên thị trường quốc tế.

"Với những nghi ngờ có cơ sở từ các doanh nghiệp thành viên, Hiệp hội kính đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam và Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn tăng cường chỉ đạo giám sát, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ cần thiết để đảm bảo an toàn hàng hóa của doanh nghiệp khi lưu tại cảng", văn bản VSPA nêu.

Đối với những trường hợp báo cáo mất hàng nói trên, VSPA đề nghị các đơn vị vào cuộc, làm việc với các bên liên quan để điều tra vụ việc và phản hồi bằng văn bản, có phương án đền bù thiệt hại việc bị mất hàng nếu sự việc xảy ra thuộc chức năng và trách nhiệm của Cảng Cát Lái. Theo đó, VSPA sẵn sàng tham gia và phối hợp hỗ trợ các bên trong khả năng và quyền hạn khi có yêu cầu.

VSPA hy vọng với sự chỉ đạo, giám sát của Cục Hàng hải Việt Nam và trách nhiệm của một đơn vị cung cấp dịch vụ là Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cùng với sự phối hợp, điều tra của các cơ quan chức năng, vụ việc mất hàng sẽ sớm được làm rõ, giữ vững niềm tin cho các doanh nghiệp đối với hệ thống quản lý và giám sát, vận hành cảng biển và tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp.

Tuấn Minh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu