17:27 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Việt Nam là nguồn cung hạt tiêu lớn nhất cho thị trường Mỹ

Tú Linh (T/h) | 11:27 08/01/2024

(THPL) - Hiện, Việt Nam đang là nước xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất vào thị trường Mỹ khi xuất khẩu sang nước này chiếm tới 23,5% trong tổng giá trị xuất khẩu.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 267.000 tấn hạt tiêu, giá trị ước đạt 912 triệu USD lần lượt tăng 16,6% về lượng nhưng giảm 6% về giá trị. Nguyên nhân khiến giá trị xuất khẩu giảm là do giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam giảm 19,4% so với năm 2022, đạt khoảng 3.420 USD một tấn trong năm 2023.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), hạt tiêu Việt Nam có lợi thế hơn so với một số nước như Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, Sri Lanka, Campuchia... nhờ lợi thế từ EVFTA. Hiện, thuế nhập khẩu hồ tiêu xay hoặc nghiền xuất khẩu sang EU giảm từ 4% xuống còn 0%.

Ngoài ra, Mỹ giảm nhập tiêu từ Ấn Độ trong khi hàng của Việt Nam có mức giá tốt và chất lượng ngày càng cao nên được nước này ưa chuộng. Ngành hồ tiêu Việt Nam cũng được đánh giá cao về năng lực chế biến với tỷ lệ hàng qua chế biến chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Việt Nam là nguồn cung hạt tiêu lớn nhất cho thị trường Mỹ. Ảnh minh hoạ

Bên cạnh những lợi thế, theo VPSA, xuất khẩu hạt tiêu dự báo vẫn sẽ duy trì ở mức thấp do nguồn cung nội địa không dồi dào, lượng tồn kho từ 2023 chuyển qua năm nay đạt mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Điều này sẽ đẩy giá tiêu tăng cao.

Khảo sát tại các vùng trồng tiêu của Việt Nam, cho thấy diện tích trồng đang dần thu hẹp. Một số nơi bị ảnh hưởng thời tiết nên sản lượng thu hoạch giảm. Vụ tiêu năm nay dự báo sản lượng giảm khoảng 10-15%, ước đạt 160.000 - 165.000 tấn.

Hiện tiêu đen được thương lái thu mua với giá 95.000 đồng một kg; tiêu chín đỏ phơi khô giá lên đến 130.000 đồng một kg. So với cùng kỳ năm ngoái, giá hạt tiêu thời điểm này tăng khoảng 30%. Đây là mức giá cao nhất trong vòng 3 năm qua.

Năm 2024 dự báo nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như: giá vật tư nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản vẫn ở mức cao, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; mưa lũ diễn biến bất thường, nắng nóng gay gắt hơn, nguy cơ hạn hán, thiếu nước nặng nề do tác động của El Nino…

Trong khi đó, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu đưa tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,0 - 3,5%, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 54 - 55 tỷ USD vào năm 2024. Để đạt được mục tiêu này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, ngành nông nghiệp chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông lâm thủy sản; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển chuỗi các ngành hàng.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp sẽ tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh, gắn với chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và xây dựng mã số vùng trồng, vùng nuôi. Đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác, hỗ trợ hợp tác, liên kết theo chuỗi, kiểm soát dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi để bảo đảm kế hoạch sản xuất, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống thiên tai để hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp…

Nhận định rõ tình hình thực tế, Bộ NN&PTNT tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và mở cửa thị trường xuất khẩu; hỗ trợ các địa phương kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ nông sản vào vụ thu hoạch. Đặc biệt, Bộ NN&PTNT sẽ kiến nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ các DN sản xuất, xuất khẩu nông sản tiếp cận nguồn vốn ưu đãi.

Đưa ra các giải pháp lâu dài, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải khuyến cáo: để bảo đảm sự phát triển bền vững, thiết lập thị trường nhập khẩu ổn định, các DN cần chủ động xây dựng chuỗi liên kết, thường xuyên cập nhật tiêu chuẩn từ thị trường nhập khẩu để có đối sách trong xây dựng nguồn nguyên liệu cũng như chế biến, đóng gói xuất khẩu.

Về phía Bộ Công Thương, tiếp tục làm tốt dự báo cung cầu, thông tin về tình hình thị trường, kết nối giữa người sản xuất với tiêu dùng, tranh thủ lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do, nhất là EVFTA, CPTPP để cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường, tháo gỡ rào cản để thâm nhập thị trường mới; đồng thời coi trọng xây dựng thương hiệu nông sản Việt.

Tú Linh (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu