16:37 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Việt Nam xuất siêu gần 25 tỷ USD, con số kỷ lục từ trước tới nay

Minh Anh (t/h) | 10:44 22/11/2023

(THPL) - Tính đến nửa đầu tháng 11/2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 25 tỷ USD. Đây là con số xuất siêu kỷ lục, cao nhất từ trước đến nay.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt gần 30 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 14,65 tỷ USD. Có 4 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên trong nửa đầu tháng 11 gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 2,42 tỷ USD; điện thoại và linh kiện đạt 2,1 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 1,83 tỷ USD; dệt may đạt 1,29 tỷ USD… Tính chung từ đầu năm đến 15/11, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt hơn 306 tỷ USD.

Ở chiều ngược lại, nửa đầu tháng 11, kim ngạch nhập khẩu đạt 14,77 tỷ USD. Có 2 nhóm hàng đạt kim ngạch "tỷ đô" là: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt gần 4,3 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 1,84 tỷ USD. Lũy kế từ đầu năm đến 15/11, kim ngạch nhập khẩu cả nước đạt 281,62 tỷ USD.

Như vậy, tính từ đầu năm đến 15/11, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 587,62 tỷ USD. 

Cũng theo Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 11, kim ngạch thương mại thâm hụt hơn 100 triệu USD, nhưng tính từ đầu năm đến 15/11, Việt Nam vẫn xuất siêu tới 24,38 tỷ USD.

Việt Nam đã xuất siêu gần 25 tỷ USD, con số kỷ lục từ trước tới nay. Ảnh minh hoạ

Liên quan đến con số xuất siêu kỷ lục, một số chuyên gia nhận định, nếu xuất siêu lớn là do xuất khẩu tăng thì là điều đáng mừng. Nhưng ở đây, lại là xuất khẩu giảm, nhập khẩu cũng giảm và nhập khẩu giảm mạnh hơn xuất khẩu. 

Theo chuyên gia kinh tế TS. Võ Trí Thành cho hay, xuất siêu lý tưởng nhất vẫn là kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh hơn kim ngạch xuất khẩu. Do đó, xuất siêu kỷ lục này cũng không được đánh giá cao.

Rõ ràng kim ngạch xuất khẩu vẫn giảm so với cùng kỳ nhưng xuất siêu lại lập một kỷ lục mới. Đây không phải là lần đầu tiên câu chuyện này được nhắc tới. Nỗi lo suy giảm động lực sản xuất đã được đề cập rất nhiều, khi nhìn từ con số xuất siêu lớn. Ở một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu đầu vào nhập khẩu như Việt Nam, nhập khẩu giảm, xuất siêu lớn là chỉ dấu cho thấy, ngành sản xuất trong nước đang tiếp tục đối mặt với khó khăn từ hệ lụy của thiếu đơn hàng... Thực tế, cung toàn cầu hiện vẫn chưa phục hồi dù đã bắt đầu có tín hiệu từ tháng 8.

Cũng liên quan đến thị trường xuất nhập khẩu, ông Lưu Mạnh Tưởng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cho biết các nhóm mặt hàng nhập khẩu giảm mạnh nhất là điện thoại các loại và linh kiện, máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; chất dẻo nguyên liệu, sắt thép, vải, sản phẩm điện tử và linh kiện.

"Thiếu đơn hàng xuất khẩu được coi là nguyên nhân khiến không chỉ sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, mà là cả nền kinh tế gặp khó. Trong bối cảnh như vậy, doanh nghiệp sẽ giảm nhập khẩu tư liệu sản xuất và chừng nào điều này còn tiếp tục, thì xuất siêu còn tiếp tục tăng", ông Tưởng nhận định. 

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, về dài hạn muốn xuất khẩu đóng góp thực sự vào tăng trưởng kinh tế thì phải nhanh chóng chuyển từ nền công nghiệp gia công, lắp ráp sang nền công nghiệp nội địa hóa cao, hàm lượng công nghệ cao. Đồng thời, các doanh nghiệp cần tập trung "đánh" vào các mặt hàng là thế mạnh, mở rộng thị trường và nâng cao chất lượng sản phẩm... khi thương mại khởi sắc, sản xuất sẽ được gỡ khó, khi ấy, có lẽ sẽ không còn phải canh cánh nỗi lo đằng sau con số xuất siêu kỷ lục. 

Minh Anh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu