20:01 ngày 16/05/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Việt Nam cần đẩy mạnh tiêu dùng nội địa, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu

17:42 03/03/2023

(THPL) - Sáng ngày 3/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023. Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã đưa ra một số giải pháp cần tập trung trong thời gian tới để cải thiện thị trường trong nước cũng như hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá.

Tập trung phát triển mạnh mẽ thị trường nội địa

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, cần thực hiện có hiệu quả các Chương trình xúc tiến thương mại (XTTM) thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa. Tổ chức đẩy mạnh triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các Chương trình, đề án về phát triển thương mại trong nước. Đổi mới phương thức, lồng ghép các hoạt động XTTM phát triển thị trường trong nước vào các chương trình kích cầu tiêu dùng, các sáng kiến kết nối cung cầu hàng hóa và thực hiện tốt các chương trình bình ổn thị trường. Hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động XTTM.

Xây dựng, bảo vệ thương hiệu cho các chuỗi phân phối bán buôn, bán lẻ trong nước. Quảng bá các đặc sản vùng miền, sản phẩm tiêu biểu của Việt Nam. Chú trọng đầu tư hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi để đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn. Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả, thị trường các mặt hàng thiết yếu để điều hành phù hợp, hiệu quả, bảo đảm nguồn cung về điện, xăng dầu cho thị trường trong mọi tình huống. Xử lý nghiêm đối với các hành vi buôn lậu, hàng giả, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng Việt Nam phát triển trên thị trường nội địa.

Đẩy mạnh phát triển thị trường truyền thống, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Công thương, cần tiếp tục theo sát diễn biến của kinh tế thế giới, nhất là các điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản.. ảnh hưởng tới thương mại với Việt Nam, từ đó kịp thời đưa ra cảnh báo cho cộng đồng doanh nghiệp và tham mưu cho Chính phủ các phản ứng chính sách phù hợp.

Phát triển các thị trường khu vực bắc Âu, đông Âu, Mỹ La Tinh còn nhiều dư địa khai thác. Thúc đẩy đàm phán các FTA mới như: FTA với các nước khối Mercosur (Brazil, Argentina, Uruguay, Paraguay) để đưa FTA này thành động lực khai thác thị trường Mỹ La Tinh. Tranh thủ sự hồi phục nhanh của các thị trường khu vực Asean và một số nước châu á để đẩy mạnh xuất khẩu.

Đánh giá toàn diện các biện pháp mở cửa trở lại của Trung Quốc, tranh thủ, tận dụng cơ hội giao lưu hợp tác giữa hai bên để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa không phải kiểm nghiệm covid. Nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan tại cửa khẩu và thực hiện hiệu quả đề án XK chính ngạch.

Việt Nam cần tập trung các giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu. Ảnh minh hoạ

Triển khai hiệu quả “Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trực tiếp vào mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030”. Tập trung xây dựng Chiến lược phát triển các thị trường đến năm 2030 để có định hướng tổ chức thực hiện bài bản, hiệu quả. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA đã ký kết khai thác hiệu quả các thị trường.  Tiếp tục tổ chức giao ban XTTM định kỳ với các cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài; phối hợp với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cung cấp thông tin thị trường, tư vấn chính sách, quy định và nhu cầu thị trường cho các nhà XNK của Việt Nam...

Đẩy mạnh phát triển sản xuất trong nước

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, cần rà soát các tồn đọng ở các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng, tháo gỡ khó khăn để sớm đi vào vận hành; bám sát tiến độ, tháo gỡ khó khăn để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo, khoáng sản... nhằm gia tăng năng lực sản xuất mới và tạo chủ động nguồn cung nguyên, nhiên vật liệu, phát triển bền vững sản xuất.

Tiếp tục tổ chức kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và DN lớn toàn cầu. Xây dựng chương trình hỗ trợ, hợp tác đẩy mạnh tiêu dùng các sản phẩm công nghiệp.

Liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, theo số liệu mới đây của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 2/2023 ước đạt 49,46 tỷ USD, trong đó trị giá xuất khẩu ước đạt 25,88 tỷ USD và trị giá nhập khẩu ước đạt 23,58 tỷ USD.

Với số liệu này, tổng xuất nhập khẩu hàng hóa trong tháng 2/2023 tăng 6% so với tháng 01/2023; trong đó xuất khẩu tăng 10% và nhập khẩu tăng 3%. So với tháng 02/2022, tổng xuất nhập khẩu hàng hóa trong tháng 02/2023 tăng 2%; trong đó xuất khẩu tăng 11% nhưng nhập khẩu giảm 7%.

Lũy kế 2 tháng đầu năm 2023, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước ước tính đạt 96,06 tỷ USD, giảm 13%, tương ứng giảm 14,6 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, trị giá xuất khẩu ước là 49,44 tỷ USD, giảm 10% (tương ứng giảm 5,74 tỷ USD) và trị giá nhập khẩu ước là 46,62 tỷ USD, giảm 16% (tương ứng giảm 8,86 tỷ USD).

Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 02/2023 ước tính xuất siêu 2,3 tỷ USD. Tính chung lũy kế trong 2 tháng đầu năm 2023, cán cân thương mại ước tính xuất siêu 2,82 tỷ USD, trái ngược với trạng thái thâm hụt 300 triệu USD của cùng kỳ năm trước.

Theo Tổng cục Hải quan, tổng thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trong tháng 2/2023 đạt 29.266 tỷ đồng. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2023 thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 56.330 tỷ đồng, bằng 13,3% dự toán, giảm 19,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Tuấn Linh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu