23:53 ngày 06/10/2024 | HOTLINE : 094.210.6666 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Viện Vật lý Địa cầu khuyến cáo người dân chủ động phòng tránh động đất ở Kon Tum

18:25 29/07/2024

(THPL) - Ngày 29/7, liên quan đến việc trong thời gian ngắn trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum xảy ra động đất dồn dập, Viện Vật lý địa cầu Việt Nam có khuyến cáo để người dân chủ động phòng tránh.

Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu vừa phát đi liên tiếp nhiều thông báo động đất, nâng tổng số trận động đất tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum trong ngày 29/7 lên tới 24 trận. Các trận động đất này có độ lớn từ 2.4 đến 3.7, không gây thiệt hại về người và tài sản song làm người dân sống ở vùng tâm chấn hoang mang.

Như vậy chỉ trong chưa đến 2 ngày, tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã xảy ra 45 trận động đất, trong đó trận động đất lớn nhất có độ lớn 5.0 gây rung lắc mạnh cho nhiều khu vực xung quanh gồm các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

Vị trí chấn tâm trận động đất thứ 22 (tin phát ngày 29/7). Nguồn:  Viện Vật lý Địa cầu

Liên quan đến thông tin trên, ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết, qua quan trắc, nguyên nhân của hiện tượng trên liên quan đến động đất kích thích do hồ chứa. Việc phát sinh động đất kích thích hồ chứa phụ thuộc vào hoạt động địa chất kiến tạo, thể tích hồ chứa, độ cao, tốc độ và tần suất tích nước.

Thống kê từ đầu năm đến nay, trên cả nước xảy ra 65 trận động đất, riêng tại tỉnh Kon Tum đã xảy ra 54 trận động đất có độ lớn từ 2.5 đến 4.0 độ. Các trận động đất còn lại xảy ra tại các tỉnh: Quảng Nam (3 trận), Yên Bái (2 trận), Hà Nội (1 trận), Phú Yên (1 trận), Tuyên Quang (1 trận), Điện Biên (1 trận), Ninh Bình (1 trận), Thanh Hóa (1 trận). Cấp độ của các trận động đất này không gây rủi ro thiên tai.

Ông Nguyễn Xuân Anh cho biết thêm, động đất 5.0 là động đất đạt ngưỡng độ lớn trung bình nhưng các địa phương vẫn cần kiểm tra đánh giá thiệt hại. Theo dự báo động đất ở Kon Tum vẫn sẽ tiếp diễn trong thời gian tới nhưng khó có khả năng lớn hơn 5.5 độ. Trong tương lai, động đất có thể sẽ xuất hiện và gây ra hậu quả lớn, nhất là nếu xảy ra ở các khu vực đông dân cư và có các công trình trọng điểm. Do đó, việc đánh giá nguy hiểm động đất là rất cần thiết và cần được cập nhật hằng năm để phục vụ thiết thực cho công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thiết kế kháng chấn cho các loại công trình từ trọng điểm đến khu dân cư.

Viện Vật lý Địa cầu sẽ tiếp tục khảo sát, quan trắc, nghiên cứu chi tiết về địa chất kiến tạo và chế độ địa chấn trong khu vực tỉnh Kon Tum và lân cận. Bên cạnh đó, Viện sẽ thông báo kịp thời về hoạt động động đất đến chính quyền và người dân tại khu vực này.

Theo Viện Vật lý Địa cầu, có một số kỹ năng phòng, tránh rủi ro động đất cơ bản mà người dân cần nắm được. Theo đó, trước động đất, người dân cần lập kế hoạch phòng tránh an toàn, lập kế hoạch cho cả gia đình, quy định nơi gặp nhau sau động đất, danh sách số điện thoại quan trọng… học cách bật, tắt ga, điện, nước.

Nếu động đất xảy ra khi đang ngủ, nên bảo vệ đầu bằng gối và nằm úp mặt xuống. Nếu kệ trên giường hoặc đèn treo trên trần nhà có thể rơi xuống đầu, cần chui xuống gầm giường hoặc là di chuyển tới địa điểm an toàn khác như góc phòng và khi đã an toàn thì ra ngoài.

Đặc biệt, không sử dụng thang máy, nên sử dụng cầu thang bộ nếu cần thiết. Nếu không may động đất xảy ra khi đang ở trong thang máy, cần nằm xuống sàn, bảo vệ đầu bằng tay, đợi cho đến khi thang máy bắt đầu làm việc trở lại, ra khỏi thang máy ở tầng tiếp theo và sử dụng cầu thang bộ.

Nếu đang ở ngoài đường, cần tránh xa các tòa nhà cao tầng, đường dây điện, đường hầm, các cây cầu. Nếu đang lái xe, cần dừng xe bên lề đường, không ra khỏi xe cho đến khi động đất dừng lại. Với những người dân ở vùng đồi núi, cần tránh xa chỗ dốc đứng, quả đồi nghiêng vì chỗ đó có thể bị lở đất .

Sau động đất, người dân cần tránh xa các bức tường bằng gạch vì chúng có thể bị suy yếu và có thể lật đổ trong các đợt dư chấn. Không bao giờ chạm vào đường dây điện bị rơi hoặc bất kỳ vật thể nào tiếp xúc với chúng. Nếu bị kẹt trong đống đổ nát, cần gõ vào vật cứng để báo vị trí của mình cho cứu hộ…

Thanh Mai (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu