VCCI đề xuất lùi lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 2028
(THPL) - VCCI đề xuất lùi lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 2028, với mức tăng hợp lý 5% mỗi hai năm, nhằm giúp doanh nghiệp có thời gian thích ứng, đảm bảo tính khả thi của chính sách và hạn chế tác động tiêu cực đến thị trường.
Đó là thông tin từ ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Hội thảo “Tham vấn hoàn thiện dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt” diễn ra ngày 18/3.

Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 sắp tới. Đây là một sắc thuế có ảnh hưởng đến các doanh nghiệp thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), trong đó có ngành rượu, bia, nước giải khát. Cơ quan soạn thảo hiện đang đề xuất 2 phương án đối với rượu, bia, trong đó có phương án tăng cao và liên tục đạt tới 100% cho tới năm 2030 (theo Phương án 2).
Đánh giá về tình hình hoạt động, kinh doanh của doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký VCCI cho hay, đã có 197.900 doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong năm 2024, tăng 14,7% so với năm 2023 và đây mức kỷ lục. Hơn thế nữa, kinh tế toàn cầu năm 2025 dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Giữa bối cảnh đó, khu vực doanh nghiệp nội địa (ở nhiều lĩnh vực) đang đối diện với tình trạng sức mua suy giảm liên tục và chi phí đầu vào gia tăng.
Trước tình hình này, ông Tuấn cho biết cộng đồng doanh nghiệp mong muốn các chính sách thuế, bao gồm cả tiêu thụ đặc biệt, được cân nhắc kỹ lưỡng để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ kích cầu tiêu dùng và mở rộng thị trường. Việc thiết kế chính sách thuế cần đảm bảo tính khả thi, phù hợp với thực tiễn đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội theo hướng hài hòa và bền vững.

Đại diện VCCI nhận định đầu tư và tiêu dùng là hai yếu tố trọng yếu, có tác động trực tiếp đến tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tiêu dùng trong nước là “hàn thử biểu” phản ánh nhu cầu, sức mua của người dân. VCCI lo ngại việc điều chỉnh thuế suất TTĐB một cách đột ngột có thể làm giảm sức mua, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp và sự phát triển chung của nền kinh tế.
Trên cơ sở đó, VCCI đưa ra kiến nghị chưa xem xét tăng thuế và bổ sung mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt tại thời điểm này để tránh tác động bất lợi đến thị trường và cộng đồng doanh nghiệp. Bởi lẽ, việc điều chỉnh thuế (đối tượng chịu thuế, phương pháp tính thuế, mức thuế, thuế suất và lộ trình) cần được cân nhắc kỹ lưỡng hơn và dựa trên các nghiên cứu đánh giá tác động một cách toàn diện, linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn. Lộ trình tăng thuế có thể xem xét từ năm 2028 để đảm bảo tính khả thi.
Bên cạnh đó, cơ quan lập pháp cân nhắc việc sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng quy định mang tính khung, ổn định lâu dài, trong đó chỉ đưa ra nguyên tắc điều chỉnh thuế suất tối đa hoặc thu hẹp-mở rộng đối tượng chịu thuế đồng thời giao Chính phủ chủ động xây dựng lộ trình điều chỉnh thuế suất dựa trên tình hình thực tế.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Chí Nhân, Tổng Thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA) cho biết, Hiệp hội kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo xây dựng hợp lý dựa trên thị trường tiêu thụ ở Việt Nam. Hiệp hội xin được kiến nghị xem xét phương án thuế tiêu thụ đặc biệt tuyệt đối năm 2026 là 2.000 đồng/bao; năm 2028 là 4.000 đồng/bao; năm 2030 là 6.000 đồng/bao.
“Theo tính toán của Hiệp hội, phương án này sẽ vừa đảm bảo tăng thu ngân sách của Nhà nước vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước có đủ thời gian để xây dựng chiến lược giá và phương án kinh doanh để có thể cạnh tranh. Điều này góp phần ngăn chặn thuốc lá nhập lậu tăng sốc từ đó đáp ứng được mục tiêu giảm tỷ lệ người hút thuốc lá như Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đã đề ra,” ông Nhân nói.
Ở góc độ ngành sản xuất ôtô, ông Đào Công Quyết, Trưởng tiểu ban Truyền thông, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho rằng dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi vào tháng 3/2025 vẫn chưa phản ánh những đề xuất của VAMA.
Nhằm đưa ra giải pháp hài hòa lợi ích giữa đảm bảo thu ngân sách Nhà nước, mục tiêu phát triển ngành công nghiệp ôtô và lợi ích của người tiêu dùng cũng như bảo vệ môi trường, ông Đào Công Quyết cho biết VAMA xin tiếp tục kiến nghị đề xuất thứ nhất về ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe hybrid điện, trong đó ưu đãi cho xe hybrid điện không cần hệ thống nạp điện riêng (HEV) bằng 70% mức thuế suất áp dụng cho xe chạy bằng xăng, dầu cùng loại (hiện tại là 100%); Ưu đãi cho xe hybrid điện nạp điện bằng hệ thống sạc điện riêng (PHEV) bằng 50% mức thuế suất áp dụng cho xe chạy bằng xăng, dầu cùng loại (hiện tại là 70%). Đề xuất hai là giữ nguyên mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt như hiện hành đối với dòng xe pick-up chở hàng cabin kép.
Về vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức cao và theo lộ trình đột ngột trong cả hai phương án của Dự thảo Luật có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực và cần được cân nhắc kỹ lưỡng hơn. Thay vì tăng thuế đột ngột, ông cho rằng cần có lộ trình hợp lý hơn để đảm bảo doanh nghiệp có đủ thời gian thích ứng, hạn chế tác động tiêu cực đến nền kinh tế, bảo vệ việc làm và kiểm soát tốt hơn thị trường tiêu dùng.
"VCCI đề xuất lùi lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 2028, với mức tăng hợp lý 5% mỗi hai năm, nhằm giúp doanh nghiệp có thời gian thích ứng, đảm bảo tính khả thi của chính sách và hạn chế tác động tiêu cực đến thị trường," ông Tuấn chia sẻ.
Ở góc độ chuyên gia, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV nhận định, trong bối cảnh xung đột địa chính trị phức tạp, cạnh tranh thương mại-công nghệ, tăng trưởng toàn cầu năm 2025-2026 ở mức khiêm tốn…, doanh nghiệp còn đối mặt nhiều khó khăn và việc tăng thuế nhanh, cao, giảm tổng hòa lợi ích đối với ngành và nền kinh tế càng lớn sẽ dẫn đến giảm tổng cầu tiêu dùng và đầu tư.
Thêm vào đó, việc tăng mạnh và nhanh thuế TTĐB đối với đồ uống có cồn có thể ảnh hưởng đến hiệu quả đóng góp ngân sách nhà nước lâu dài, tạo ra tình huống “khó chồng khó” đối với doanh nghiệp và người lao động trong ngành, cũng như các ngành liên quan như bao bì, vận tải, du lịch, ăn uống…
Tiến sĩ Cấn Văn Lực kiến nghị, dự thảo thuế TTĐB cần hài hòa lợi ích, trách nhiệm và tính khả thi đối với Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng, người nông dân trồng, chế biến nguyên liệu sản xuất, khả năng bảo đảm việc làm cho người lao động.
Minh Anh
Tin khác
Những dấu ấn “đầu tiên”, “nhất” và “cuối cùng” của Vinhomes Wonder City
Tập đoàn Thụy Điển dự kiến đầu tư 1 tỷ USD xây tổ hợp tái chế vải công nghệ cao tại Việt Nam
Thanh Hóa sắp có hơn 700 căn hộ nhà ở xã hội tại phường Quảng Thành
Giá vàng và ngoại tệ ngày 24/4: Vàng SJC tiếp tục tăng
Thủ tướng chỉ đạo tăng cường công tác bảo đảm ANTT dịp Lễ 30/4 - 1/5
Bộ Y tế đề nghị thu hồi toàn quốc 12 loại sữa bột giả
Dự báo thời tiết ngày 24/4: Bắc Bộ mưa dông về chiều tối, Trung Bộ nắng gay gắt
(THPL) - Hôm nay 24/4, khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ xuất hiện mưa rào và dông. Trong khi đó, khu vực Trung Bộ tiếp tục chịu ảnh hưởng...24/04/2025 07:13:55Tạm dừng chuyên chở xe ô tô qua phà Đồng Bài, Hải Phòng dịp nghỉ lễ 30/4-1/5
(THPL) - Hải Phòng thông báo tạm dừng xe ô tô qua bến phà Đồng Bài sang đảo Cát Bà từ 26/4 đến 4/5 và các ngày nghỉ cuối tuần từ 10/5 - 30/7...24/04/2025 07:21:32Hải Phòng tổ chức hội thảo về phát triển du lịch đường thủy
(THPL) - Ngày 22/4, tại khách sạn Pullman Hải Phòng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng tổ chức Hội thảo “Phát triển du lịch đường...24/04/2025 09:44:09Chương trình khai mạc du lịch hè Cô Tô năm 2025 sẽ diễn ra ngày 26/4
(THPL) - Theo kế hoạch, chương trình Khai mạc du lịch hè năm 2025 với chủ đề “Cô Tô - Nơi sóng gọi mặt trời” sẽ diễn ra vào 20h ngày...24/04/2025 07:18:28