20:02 ngày 25/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Ứng dụng phương pháp PCR trong xét nghiệm chẩn đoán liên cầu khuẩn nhóm B

07:48 25/05/2023

(THPL) – Hiện nay, thay vì phải đợi kết quả xét nghiệm từ 3-5 ngày như trước đây, phương pháp xét nghiệm PCR sẽ cho ra kết quả xét nghiệm GBS chỉ sau 4 giờ tính từ lúc nhận mẫu.

Liên cầu nhóm B (viết tắt là GBS) là loại vi khuẩn thường trú có ở đoạn cuối ruột non của khoảng 15 - 40% phụ nữ khỏe mạnh và âm đạo hoặc trực tràng của khoảng 10 - 30% thai phụ. Loại vi khuẩn này có thể truyền từ người mẹ sang cho con trong khi sinh.

Thai phụ nhiễm GBS có nguy cơ cao đối với nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm trùng vết mổ, viêm nội mạc tử cung, thai lưu hoặc sinh non. Trẻ bị lây GBS từ mẹ có thể bị viêm màng não, nhiễm trùng sơ sinh nặng dẫn đến tử vong,... Vì thế bác sĩ sản khoa khuyến cáo cần làm xét nghiệm liên cầu khuẩn như một loại xét nghiệm thường quy cho thai phụ trước khi sinh.

Xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm B ở thai phụ là loại xét nghiệm sàng lọc lấy mẫu bệnh phẩm là nước tiểu hoặc dịch âm đạo của thai phụ. Xét nghiệm thường được thực hiện ở phụ nữ mang thai trong khoảng tuần thứ 35 - 37 (với trường hợp mang đơn thai) hoặc trong khoảng tuần 32 - 34 (với trường hợp mang đa thai vì có nguy cơ đẻ non cao hơn).

Bệnh viện Phụ sản Hà Nội ứng dụng phương pháp PCR trong xét nghiệm chẩn đoán liên cầu khuẩn nhóm B. 

Theo tìm hiểu, với trẻ sơ sinh: Bị nhiễm liên cầu khuẩn B khởi phát sớm: chủ yếu xảy ra ở 7 ngày đầu sau sinh. Có tới 90% trẻ trong khoảng 12 - 24h sau sinh sẽ xuất hiện biểu hiện với các bệnh lý như viêm màng não, viêm phổi, nhiễm trùng huyết. Có khoảng 6% trường hợp trong số này bị tử vong và khoảng  7.4% trẻ sẽ phải chịu những di chứng nặng nề.

Bị liên cầu khuẩn B khởi phát muộn: thường xảy ra ở trẻ 07 - 90 ngày tuổi. Hệ lụy của việc nhiễm GBS là trẻ sẽ bị viêm phổi, viêm màng não, viêm khớp, viêm xương tủy, nhiễm trùng máu. So với loại GBS khởi phát sớm thì GBS khởi phát muộn ít gặp hơn (chiếm khoảng 30% các trường hợp nhiễm bệnh) và tỷ lệ tử vong cũng thấp hơn. Tuy nhiên, 1/2 số trẻ sống sót được sau GBS muộn sẽ chịu những di chứng nặng nề cả về tinh thần lẫn thể chất.

Bị lây nhiễm từ mẹ là nguyên nhân chính khiến cho trẻ nhỏ bị liên cầu khuẩn B.  Vì thế, việc thực hiện xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm B ở thai phụ là hết sức cần thiết. Việc làm này được xem là phương án dự phòng trước khi chuyển dạ để có biện pháp kịp thời ngăn ngừa lây truyền GBS cho con trong khi sinh, giúp loại trừ nguy cơ mắc các biến chứng nguy hiểm do GBS cho trẻ đồng thời đảm bảo an toàn cho cả thai phụ và thai nhi.

Liên cầu khuẩn nhóm B thường cư trú ở ruột non, âm đạo hoặc trực tràng của nữ giới. Ảnh minh hoạ

Theo thống kê, ước tính có khoảng 2 - 4 trong số 10 phụ nữ có vi khuẩn liên cầu nhóm B trong âm đạo, trực tràng. Trong số đó có khoảng 50% sẽ truyền từ mẹ sang con. Tuy nhiên, chỉ có 1 - 2% trẻ sơ sinh mắc bệnh, nhưng lại là các bệnh nhiễm trùng nguy hiểm như: Nhiễm trùng máu, viêm màng não, viêm phổi và thường xảy ra sớm, chủ yếu 12 - 24h sau sinh. Điều đáng nói, ngay cả khi được điều trị tích cực thì nguy cơ tử vong hay di chứng cũng rất cao. May mắn thay, hầu hết các bệnh nhiễm trùng liên cầu nhóm B trong thai kỳ có thể được ngăn chặn nếu thai phụ được phát hiện trước khi sinh.

Tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội Xét nghiệm liên cầu B (GBS) được thực hiện bằng phương pháp PCR ở tuần tuổi thai 36w0d - 37w6d. Khi làm hồ sơ sinh tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, mẹ bầu được xét nghiệm liên cầu B (GBS), từ đó nhận tư vấn và điều trị giúp giảm nguy cơ lây truyền GBS đến em bé.

Hện nay, thay vì phải đợi kết quả xét nghiệm từ 3-5 ngày như trước đây, phương pháp xét nghiệm PCR sẽ cho ra kết quả xét nghiệm GBS chỉ sau 4 giờ tính từ lúc nhận mẫu. Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội với đội ngũ chuyên gia đầu ngành sản phụ khoa, trang thiết bị hiện đại, chất lượng dịch vụ cao… không chỉ đảm bảo an toàn sức khỏe cho mẹ và bé trong quá trình mang thai, sinh nở, mà còn đem lại những trải nghiệm tuyệt vời cho cả gia đình.

Thu Linh

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu