08:49 ngày 09/09/2024 | HOTLINE : 094.210.6666 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Thực hư thông tin một số siêu thị tại Anh dừng bán thanh long Việt Nam

12:12 06/09/2023

(THPL) - Theo ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam nhận định, việc một siêu thị nào đó ở Anh dừng bán sản phẩm thanh long Việt Nam là hoạt động nằm trong kế hoạch vận hành, kinh doanh của họ. Điều này không liên quan đến việc phía Anh dự kiến tăng tần suất kiểm tra. Các quốc gia tăng hay giảm tần suất kiểm tra cũng là việc hoàn toàn bình thường trong thương mại nông sản quốc tế.

Giữa lúc tình hình xuất khẩu nông sản (rau quả, gạo, cà phê, hạt điều,…) đang tăng trưởng tốt, lại rộ lên thông tin một số mặt hàng của Việt Nam bị cảnh báo. Trong đó có thông tin về một số siêu thị tại Anh dừng bán thanh long Việt và cơ quan chức năng tại Vương quốc Anh đang đề xuất nâng tần suất kiểm tra thanh long từ 20% lên 50%.

Cụ thể, Thương vụ Việt Nam tại Anh thông tin, một số siêu thị ở Anh như Waitrose, Whole Food đã dừng bán thanh long Việt Nam và chuyển sang bán thanh long Tây Ban Nha hoặc Campuchia.

Nông sản xuất khẩu cần bảo đảm chất lượng, an toàn. Ảnh minh hoạ

Liên quan đến thông tin trên, ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết, số liệu thống kê cho thấy, tính từ năm 2020 đến tháng 7/2023, Việt Nam đã xuất khẩu sang Vương quốc Anh 193 lô với khoảng 625 tấn thanh long tươi và đông lạnh, cùng đó xuất sang thị trường châu Âu (EU) khoảng 2.000 tấn/năm.

Trong 6 tháng đầu năm nay, Văn phòng SPS Việt Nam chưa nhận được cảnh báo nào về việc thanh long của Việt Nam vi phạm quy định về các quy định an toàn thực phẩm.

Theo ông Nam, hiện nay Việt Nam và Anh đã ký hiệp định thương mại tự do UKFTA. Do đó, những thay đổi biện pháp an toàn thực phẩm áp dụng cho thanh long của Việt Nam xuất khẩu vào Anh phải căn cứ Chương 6, Hiệp định UKVFTA và thông báo tới đơn vị đầu mối thông tin của Việt Nam là Văn phòng SPS Việt Nam.

Theo đó, nếu hàng hóa của mỗi bên đáp ứng đầy đủ các quy định của phía nhập khẩu thì có thể nhập bình thường và không được phép đưa ra lệnh cấm nếu hàng hóa hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu về an toàn thực phẩm.

"Đến nay thực chất Văn phòng SPS Việt Nam mới chỉ nhận được một thông báo của cơ quan chức năng tại Anh dự kiến đề xuất đưa thanh long Việt Nam từ Phụ lục II (sản phẩm phải được xét nghiệm và được cấp giấy chứng nhận an toàn tại Việt Nam trước khi xuất khẩu) sang Phụ lục I (sản phẩm phải được xác minh và tái kiểm thực tế 50% tại cảng đến trước khi được phép lưu thông trên thị trường).

Tuy nhiên, đây mới là dự kiến đề xuất từ phía Anh. Còn cho đến nay, chúng tôi cũng chưa nhận được bất kỳ cảnh báo nào về việc thanh long Việt Nam vi phạm về an toàn thực phẩm trong 6 tháng đầu năm", ông Nam nói.

Lãnh đạo Văn phòng SPS Việt Nam cũng khẳng định, việc xuất khẩu thanh long sang Anh hiện vẫn diễn ra bình thường. Việc một siêu thị nào đó ở Anh dừng bán sản phẩm thanh long Việt Nam là hoạt động nằm trong kế hoạch vận hành, kinh doanh của họ. Điều này không liên quan đến việc phía Anh dự kiến tăng tần suất kiểm tra. Các quốc gia tăng hay giảm tần suất kiểm tra cũng là việc hoàn toàn bình thường trong thương mại nông sản quốc tế.

Hiện Văn phòng SPS Việt Nam đã gửi thông tin tới đầu mối SPS của Vương quốc Anh đề nghị nước này giữ nguyên tần suất kiểm tra thanh long của Việt Nam cho đến khi 2 bên có đầy đủ căn cứ, đồng thời đề nghị cung cấp hồ sơ đánh giá nguy cơ để thay đổi tần suất kiểm tra an toàn thực phẩm thanh long Việt Nam để cơ quan thẩm quyền Việt Nam nghiên cứu có ý kiến.

Cũng liên quan đến cảnh báo của thị trường, mới đây, Hiệp hội Hồ tiêu và Gia vị Việt Nam thông tin từ đầu năm 2023 đến 26/7/2023 có 57 cảnh báo từ Liên minh châu Âu (EU) liên quan đến các sản phẩm gia vị gồm: hồ tiêu, ớt, quế, nghệ, gừng. Việt Nam có 1 trường hợp cảnh báo về chất chlorfenapyr trong ớt dù lượng xuất khẩu mặt hàng này không nhiều.

Hồ tiêu là mặt hàng được cảnh báo cao nhất với 25 trường hợp, trong đó Brazil chiếm 17 trường hợp, phần lớn các cảnh báo liên quan đến khuẩn Salmonella. Việt Nam không có lô hồ tiêu nào trong danh sách cảnh báo dù sản lượng xuất khẩu sang thị trường này khá nhiều. Ấn Độ, cường quốc về xuất khẩu gia vị nhưng có đến 8 lô hàng bị cảnh báo (hồ tiêu, quế, gia vị hỗn hợp, nghệ).

Trong danh sách bị cảnh báo có cả lô hàng của những nước nổi tiếng về khắt khe trong kiểm soát an toàn thực phẩm như Anh và quốc gia nội khối EU như: Đức, Tây Ban Nha. Điều này cho thấy rủi ro trong kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm luôn có, ngay với những hệ thống kiểm soát nghiêm ngặt nhất. Điều quan trọng là cần chủ động nâng cao tiêu chuẩn, tuân thủ các quy định để hạn chế thấp nhất rủi ro.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý và giám sát mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị các địa phương quan tâm chỉ đạo và bố trí đủ nguồn lực thực hiện công tác cấp, quản lý và giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu; tăng cường thanh tra, kiểm tra sau cấp mã số; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tái vi phạm nhiều lần.

Đối với nông dân trồng trọt, lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật đề nghị tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất, theo dõi, giám sát và xử lý các loại sâu bệnh. Cơ sở đóng gói cần xây dựng và thực hiện nghiêm quy trình đóng gói theo nguyên tắc một chiều, truy xuất nguồn gốc, đầu tư trang thiết bị để thực hiện các biện pháp kỹ thuật nhằm đáp ứng quy định của nước nhập khẩu. Các doanh nghiệp cần tổ chức liên kết chuỗi sản xuất thực chất từ vùng trồng - cơ sở đóng gói - cơ sở xử lý kiểm dịch thực vật – doanh nghiệp xuất khẩu.

Tú Anh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu